Đại tướng Tô Lâm biểu dương TPHCM trong triển khai thực hiện Đề án 06

Chủ Nhật, 12/06/2022 17:13  | Ngọc Anh

|

(CAO) Đại tướng Tô Lâm thay mặt Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, biểu dương sự chủ động của TPHCM trong việc thực hiện Đề án, Đại tướng mong TPHCM là điểm sáng trong việc thực hiện Đề án 06.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Sáng nay (12-6), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ đã có buổi kiểm tra về tình hình, kết quả triển khai Đề án 06 tại TPHCM.

Tham gia Đoàn công tác có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Trung Tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an.

Dự buổi làm việc về phía TPHCM có ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an THCM; các đồng chí Phó Giám đốc CATP cùng lãnh đạo các sở ban ngành TPHCM, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ thuộc CATP.

Tham dự buổi làm việc tại các điểm cầu được truyền trực tuyến đến các quận/huyện và TP.Thủ Đức có các Bí thư, Chủ tịch UBND quận/huyện, TP.Thủ Đức; Trưởng, Phó Công an quận/huyện, TP Thủ Đức; Ban Chỉ huy các Đội/Trưởng Công an các phường, xã, thị trấn…

"CHÚNG TA TÌM NGƯỜI DÂN ĐỂ PHỤC VỤ..."

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Đại tướng Tô Lâm thay mặt Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, biểu dương sự chủ động của TPHCM trong việc thực hiện Đề án 06, Đại tướng mong TPHCM là điểm sáng trong việc thực hiện Đề án. Bộ trưởng nói rõ buổi làm việc nhằm đánh giá kết quả ban đầu, những bước đã thực hiện, những khó khăn tồn tại để tập hợp báo cáo Chính phủ tháo gỡ vướng mắc.

Bộ trưởng khẳng định mục tiêu của Đề án 06 đã hoàn thành Dữ liệu Quốc gia về dân cư toàn quốc đến từng tỉnh, thành; quận, huyện; xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đó sẽ kết hợp với các dữ liệu khác của các Bộ ngành, các địa phương hình thành kho Dữ liệu Quốc gia về dân cư, tham mưu cho Chính phủ ứng dụng công nghệ cao để quản lý, quản trị kinh tế - xã hội để phát triển một cách tốt nhất.

 Các đại biểu tham dự buổi làm việc tại trụ sở Công an TPHCM

Theo Đại tướng Tô Lâm, trước đây không đảm bảo được dữ liệu về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, nhưng hiện nay ứng dụng công nghệ sẽ đảm bảo được điều này, các Bộ ngành kết nối với nhau để có được những thông tin đầy đủ, sống động nhất.

Ví dụ: Trong khám chữa bệnh nếu làm tốt, ngành Y tế sẽ có cơ sở dữ liệu về sức khoẻ nhân dân một cách đầy đủ như tình trạng sức khỏe của người dân ra sao? Bệnh gì phổ biến? Kết nối dữ liệu kế hoạch đầu tư giúp biết một người dân có bao nhiêu doanh nghiệp, doanh nghiệp đó có hoạt động không? Có đóng thuế cho Nhà nước hay không?… Việc quản lý bằng công nghệ giúp người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi với sự minh bạch và được phục vụ tốt nhất.

“Trước đây, chúng ta mời người dân đến làm việc còn bây giờ với phương thức mới, chúng ta tìm người dân để phục vụ. Đề án lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Chúng ta không chỉ hướng tới Chính phủ điện tử mà là xã hội điện tử, xã hội số”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng khẳng định: “Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư sẽ được đảm bảo an ninh, an toàn nhất. Nhà nước, Chính phủ có trách nhiệm đảm bảo bảo mật dữ liệu liệu cá nhân của người dân”.

Về khó khăn tồn tại, Bộ trưởng đánh giá còn những tồn tại chung như người đứng đầu một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ, coi đây là nhiệm vụ của lực lượng Công an. Các địa phương triển khai Đề án còn mang tính hình thức...

Bộ trưởng khẳng định Đề án 06 không phải chỉ là nhiệm vụ của lực lượng Công an mà là của cả hệ thống chính trị nên phải được bắt đầu từ cơ sở. Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án gặp khó khăn do trang thiết bị còn thiếu; không bố trí được cán bộ chuyên trách mà chỉ có cán bộ kiêm nhiệm, số lượng hồ sơ tiếp nhận mỗi ngày quá nhiều dẫn đến tình trạng quá tải. Đại tướng yêu cầu lực lượng Công an, đặc biệt là Công an chính quy phường, xã, thị trấn phải làm thật tốt, tham mưu cho chính quyền để đảm bảo việc triển khai Đề án hiệu quả.

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 06 TẠI TPHCM ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch TPHCM Dương Anh Đức cho biết, Thành uỷ, UBND TPHCM đã ban hành nghị quyết và nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án 06. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều khó khăn như: Nguồn nhân lực, đặc biệt là công nghệ thông tin còn thiếu; Dữ liệu phần mềm chưa đồng bộ; Một số bộ ngành chưa hướng dẫn quy trình, thủ tục khiến nhiều đơn vị chưa kết nối được.

Với cương vị là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TPHCM, ông Đức đã yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo, các tổ công tác quyết liệt phấn đấu thực hiện Đề án đúng tiến độ, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, giữ bí mật nhà nước.

 Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM phát biểu

Báo cáo việc thực hiện Đề án 06 tại TPHCM, Thiếu tướng Trần Đức tài – Phó Giám đốc Công an TPHCM nêu rõ, với vai trò thường trực Ban chỉ đạo thực hiện đề án 06 TP, Công an TPHCM đã làm tốt vai trò tham mưu Ban chỉ đạo triển khai những nội dung về ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trên địa bàn TP; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện của các đơn vị...

Đến nay các Sở ngành, địa phương từ cấp quận đến cấp xã, phường, thị trấn đã hoàn thành việc ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Tổ Công tác thực hiện Đề án 06; đã triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ nhân dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử; đồng thời chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Cụ thể, UBND TP đã chấm chọn UBND Q.Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú tiên phong thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa đối với các thủ tục lĩnh vực cấp, quản lý CCCD; UBND Q.3, 7, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Hóc Môn tiên phong thực hiện thủ tục thuộc lĩnh vực BHXH.

Trên nền tảng dữ liệu số hóa 12,8 triệu hồ sơ hộ tịch của Sở Tư pháp, UBND TP đã ban hành công văn về triển khai thực hiện thí điểm khai thác, sử dụng Dữ liệu số hóa sổ hộ tịch TP phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa tối ưu, hạn chế thấp nhất thời gian giaỉ quyết cho công dân từ ngày 15-6. Hiện TP đã tích hợp, cung cấp đầy đủ 03 dịch vụ công thiết yếu trong lịnh vực hộ tịch trên Cổng dịch vụ công TP( khai sinh, khai tử, kết hôn).

TP cũng đã đăng ký với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an thự nghiệm sử dụng dịch vụ trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính đối với Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu TPHCM, đến nay đã kết nối thử nghiệm kỹ thuật thành công.
 

 Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM,  Phó Trưởng ban thường trực BCĐ Đề án 06 TPHCM phát biểu

Thời gian qua, Công an TPHCM đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh (các em dự thi tuyển sinh lớp 10, tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học) thực hiện các thủ tục thu thập hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử. Tính đến ngày 6-6-2022, CATP đã cấp 52.602 CCCD gắn chíp điện tử cho thí sinh đăng ký dự thi lớp 10, tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng qua cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 100%).

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP đã phối hợp chia sẻ dữ liệu cơ sở quốc gia về BHXH với Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông phục vụ phòng chống dịch Covid-19 và triển khai các nhiệm vụ được giao của Đề án 06. Hiện có hơn 3,9 triệu tài khoản đã đăng ký và sử dụng ứng dụng BHXH VssID.

Triển khai thực hiện thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT tại TP với gần 4,8 triệu thẻ CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT; có 227 cơ sở khám chữa bệnh đã sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh và 28.512 người sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh. Sở Y tế TP đã tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử của mỗi người dân TP, đảm bảo kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu lớn của TP phục vụ quản lý dịch bệnh mới nổi bằng các nền tảng số. bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành Y tế, ưu tiên các dữ liệu về hồ sơ sức khỏe điện tử, dữ liệu khám chữa bệnh, dữ liệu phòng chống dịch bệnh và chuyển đổi toàn bộ công tác điều hành, quản lý hoạt động của các trung tâm cấp cứu 115 và mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh.

Triển khai “làm sạch” dữ liệu gần 4,5 triệu đối tượng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, xác thực thông tin phục vụ kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và ký số chứng nhận tiêm trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Về việc thực hiện 25 dich vụ công thiết yếu, các ban ngành TP đã tập trung triển khai ngay với nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng. Kết quả đã tiếp nhận trên 6,6 triệu hồ sơ, đã giải quyết trên 6,3 triệu hồ sơ.

 Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TPHCM phát biểu

TẠO NIỀM TIN CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP ĐỂ CÙNG HƯỞNG ỨNG, THAM GIA

Sau khi nghe Đại tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an báo cáo nhanh kết quả khảo sát việc thực hiện Đề án tại các sở ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thuộc TPHCM, cùng ý kiến tham luận của lãnh đạo một số sở ngành, quận, huyện về tình hình thực tế với những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn… Thay mặt đồng chí Bộ trưởng kết luận chung, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, Đề án 06 là một Đề án chưa có tiền lệ, là Đề án công nghệ lớn nhất từ trước đến nay, ấp ủ từ năm 2013 đến năm 2020 mới thực hiện.

Đề án được triển khai trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 bùng phát. Tuy nhiên với sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị và lực lượng công an toàn quốc, Đề án đã “xuyên dịch” thu được kết quả ban đầu. Để đảm bảo thực hiện thành công Đề án 06, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu phải tạo nên nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, trong tổ công tác, trong lực lượng Công an, trong từng cán bộ, đảng viên, bởi đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị mà Công an là lực lượng chủ công.
 

 Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, nhận thức không rõ, không đầy đủ thì không thể triển khai các biện pháp đã đề ra và quá trình triển khai sẽ không có sáng tạo. Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu khi TPHCM triển khai Đề án 06 thì phải đánh giá người dân biết đến đâu? Hưởng lợi được đến đâu? Người dân được hưởng cái gì? Hưởng như thế nào? Người dân thao tác ra sao trên điện thoại thông minh?... Để làm được thì TP phải bố trí cán bộ ở điểm trực tiếp để hướng dẫn người dân làm thủ tục trực tuyến, cương quyết không làm trực tiếp.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Sở Thông tin - Truyền thông cần kiểm tra nhanh nhất độ bảo mật dữ liệu thông tin và đường truyền. Còn các sở ngành khác cần có sự đồng bộ dữ liệu, đặc biệt là Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần phải kết nối ngay các dữ liệu an sinh xã hội để có được dữ liệu sạch, chuyên ngành để phục vụ kịp thời cho việc triển khai thực hiện đề án.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, TPHCM cần tìm ra các vướng mắc, khó khăn cụ thể để cùng nhau tháo gỡ. Đặc biệt, đồng chí Thứ trưởng lưu ý vấn đề bảo mật nguồn dữ liệu, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp để họ cùng hưởng ứng, tham gia thực hiện Đề án. Các bộ phận, cán bộ phải hiểu rõ được nhiệm vụ, công việc, trách nhiệm của mình…

Đồng chí Thứ trưởng cho biết trong thời gian tới sẽ cùng lãnh đạo chuyên trách đi xã, phường bất kỳ để kiểm tra tình hình thực hiện Đề án 06.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ Đề án 06 TPHCM khẳng định, CATP luôn cố gắng cao nhất, tập trung nguồn lực, phương tiện để triển khai thực hiện Đề án 06, đảm bảo nhân lực bố trí về Công an phường, xã, thị trấn. Trong thời gian qua, Công an TPHCM đã thực hiện 2 đợt điều động, tăng cường cán bộ chiến sĩ từ các phòng về công an địa phương nhằm đắp ứng yêu cầu công việc.

Đồng chí Giám đốc Công an TPHCM cũng khẳng định CATP sẽ khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo hoàn thành tốt Đề án 06. Để làm được điều đó, đồng chí Giám đốc CATP mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công an, Thành uỷ - UBND TPHCM, cũng như sự đồng hành, hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị liên quan.

Bình luận (0)

Lên đầu trang