Sau loạt bài "Đường Vành đai 3 liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội":

Tâm tư, nguyện vọng của các chuyên gia và người dân

Chủ Nhật, 12/06/2022 12:24

|

(CATP) Sau khi Chuyên đề Công an TPHCM đăng loại bài "Đường Vành đai 3 liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội", nhiều bạn đọc là người dân, chuyên gia kinh tế, xã hội... đã phản ánh đến Tòa soạn những quan tâm, nguyện vọng xung quanh lợi ích về kinh tế - xã hội đối với đường Vành đai 3.

MONG MỎI GIẢM KẸT XE

Hiện nay, người dân mong muốn Dự án Vành đai 3 TPHCM được Quốc hôi thông qua để sớm triển khai thực hiện. Ông Trần Phúc Nhã (ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết: "Tôi vốn là người thường xuyên lái xe đi giao hàng, không những ở TPHCM mà nhiều tỉnh thành khác như Long An, Đồng Nai, Bình Dương... Có đường liên vùng kiểu này, bản thân tôi đi giao hàng thật thuận tiện và nhanh chóng. Với giá xăng tăng cao, việc rút ngắn thời gian, rút ngắn quãng đường vận chuyển hàng hóa là điều những người làm vận tải như tôi đều quan tâm. Chưa hết, mỗi khi ra vào cảng Cát Lái, đường xá thì kẹt, xe container xếp hàng dài và nguy hiểm, mất an toàn. Nếu đường Vành đai 3 khởi công và sớm đưa vào sử dụng sẽ vừa giảm tải vừa giảm kẹt xe, lại thêm giảm tình trạng tai nạn giao thông như hiện nay thì tốt quá”.

Ông Nhã cho biết thêm: "Bạn bè tôi mua nhà trong khu vực Cát Lái, không dám ở vì đi lại chung với xe tải, xe container nên đành đi thuê nhà nơi khác, chứ hàng ngày đi lại như vậy rất sợ. Mong muốn đường Vành đai 3 hình thành, điều tôi quan tâm nhất vẫn là đảm bảo trật tự an toàn giao thông, như đường Đồng Văn Cống và nhiều tuyến đường xung quanh kho, cảng khác hiện nay đều quá tải. Trong khi đó, Khu vực đô thị ở Cát Lái xây nhà rồi mà ít ai dám ở, cũng bởi xe cô quá dày đặc, nguy hiểm rình rập khi đi chung với xe tải, xe container. Sớm khởi công đường Vành đai 3 là điều người dân TPHCM hay các tỉnh, thành khác đều mong mỏi".

Chủ tịch UBND TPHCM - Phan Văn Mãi

Tương tự, bạn Nguyễn Thanh Hà (nhà ở TP.Thủ Đức), ông Hoàng Thanh Sơn (nhà huyện Bình Chánh) hay bạn Trần Ngọc Anh (nhà ở huyện Bình Chánh,)... bày tỏ: "Dự án hoành tráng như vậy, Nhà nước làm thì người dân rất hoan nghênh và mong đợi. Vành đai 3 xứng tầm với khu vực cũng như quốc tế. Phát triển cả vùng kinh tế và xã hội, mang lại hiệu quả cao, nâng tầm vị thế vùng kinh tế trọng điểm. Điều quan trọng nữa, đường Vành đai 3 cũng mang tầm quốc tế, bởi bạn bè du khách nước ngoài sau này đến sân bay Quốc tế Long Thành, lưu thông trên tuyến đường lớn này sẽ phải thán phục...

Với tính chất vừa là đường cao tốc vành đai liên vùng, vừa là đường cao tốc đô thị, đường Vành đai 3 TPHCM có vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có tuyến đi qua gồm TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An mà còn là tiền đề, điều kiện cần để kêu gọi đầu tư, phát triển khu đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của các khu vực có tuyến đi qua, nâng cao khả năng kết nối giữa các đô thị vệ tinh dọc theo hai bên đường; giảm ách tắc giao thông ở TPHCM; tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng quỹ đất (quy định tại Điều 2 Quyết định số 1697/QĐ-TTg); tăng hiệu quả đầu tư đối với các dự án khác đang được triển khai thực hiện.

CHUYÊN GIA ĐÁNH GIÁ THẾ NÀO?

Ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; ông Nguyễn Văn Dành - Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; bà Nguyễn Thị Hoàng - Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; GS, TSKH Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí Thư Thành ủy TPHCM); TS Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ), PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam); TS Phạm Xuân Mai (Đại học Bách khoa TPHCM); Ngô Thịnh Đức (nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam) đã nêu quan điểm cùng sự đồng thuận cao về Dự án và thực hiện đường Vành đai 3, trình Quốc hội cùng Chính phủ và các bộ, ngành.

Chủ tịch UBND TPHCM - Phan Văn Mãi cho biết, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và 9 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, kết cấu hạ tầng giao thông thành phố đã có bước phát triển mạnh, một số công trình trọng điểm đã được đầu tư đưa vào khai thác, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống đường vành đai TPHCM nói riêng vẫn chưa đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là các công trình trọng điểm, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chưa kịp thời đầu tư, khai thác đồng bộ.

TS Trần Du Lịch

Về mục tiêu đầu tư đã cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hình thành tuyến đường vành đai liên vùng; tạo sự đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển. Giải quyết nhu cầu giao thông kết nối đô thị vệ tinh của TPHCM với vùng phụ cận và các tỉnh. Giảm tải cho hệ thống giao thông hướng tâm của thành phố và giao thông nội thị góp phần giảm ùn tắc giao thông ở TPHCM. Trong quá trình triển khai nghiên cứu hoàn thành báo cáo tiền khả thi dự án, UBND TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã thực hiện công tác thẩm định nội bộ, nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước, ý kiến của Bộ KH-ĐT và các bộ ngành liên quan, hoàn chỉnh Báo cáo tiền khả thi với mong muốn dự án được thực hiện chặt chẽ về thủ tục cũng như nội dung hồ sơ tốt nhất nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình trong quá trình triển khai dự án sau này.

Đường Vành đai 3 được thiết kế do phần tuyến chính cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định nên việc đầu tư xây dựng đường song hành là cần thiết để tổ chức giao thông kết nối với khu đô thị, khu dân cư dọc 2 bên tuyến, phục vụ phát triển khu công nghiệp, khai thác quỹ đất hai bên đường, đảm bảo các mục tiêu đầu tư, đồng thời phù hợp với các quy hoạch đã được duyệt.

TS Trần Du Lịch cho rằng, không chỉ có đầu tư xây dựng mỗi đường Vành đai 3 mà còn đường Vành đai 4, đường cao tốc và hàng loạt các công trình khác, vấn đề chúng ta nhìn lượng tiền "khổng lồ" thì khó có thể thực hiện được. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ cơ chế 4 - 5 địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát hành trái phiếu tạo thành quỹ đầu tư hạ tầng. "Không cần tiền thu phí, tạo các quỹ đất dọc hai bên đường thì hoàn toàn có thể phát hành trái phiếu cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, thậm chí người dân cũng sẵn sàng tham gia đầu tư phát triển hạ tầng. Có như vậy, vùng này mới cất cánh phát triển rất nhanh, phải nhìn cái xa hơn như vậy. Nếu có cơ chế huy động vốn tốt, thì hạ tầng sẽ được đầu tư rất nhanh", TS Trần Du Lịch nhận định.

Cũng theo TS Trần Du Lịch, việc thu hồi vốn qua hình thức thu phí là rất nhỏ, quỹ đất là nguồn tài chính lớn, nếu khai thác được thì vốn không là vấn đề gì cả, kể cả việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 và hàng loạt các dự án hạ tầng kết nối khác. Vì thế, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ nhất là lúc này. Đây là thời điểm thuận lợi để đề xuất cơ chế đặc thù tạo nguồn tài chính xây dựng hạ tầng. Điều đáng lo là khi có chủ trương rồi thì làm thế nào?

PGS.TS Trần Đình Thiên

PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, chúng ta nên tham khảo cách làm của Quảng Ninh và Hải Phòng các sáng kiến về đầu tư hạ tầng giao thông, về cơ chế sáng tạo, đột phá. TPHCM và các tỉnh cần mạnh dạn đề xuất để thay đổi cách làm về hạ tầng hơn nữa. Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, chương trình hạ tầng giao thông chưa bao giờ quyết liệt như bây giờ, toàn bộ cấu trúc giao thông phải thay đổi cơ bản. Về cơ chế chỉ định thầu, điều kiện để chỉ định thầu là phải cực kỳ rõ ràng, chặt chẽ... nên đi kèm nếu không làm tốt thì phải có phạt, làm tốt thì thưởng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Lê Đình Thọ cho biết, Dự án đường Vành đai 3 thể hiện sự quyết tâm của đảng bộ, chính quyền các địa phương. Khó khăn nhất là công tác mặt bằng và chúng ta đã có kế hoạch để triển khai. Nếu được Quốc hội thông qua các cơ chế đặc thù, việc triển khai sẽ thuận lợi. Từ kinh nghiệm thực hiện cao tốc Bắc - Nam phía Đông cho thấy, nếu Quốc hội thông qua cơ chế thực hiện Dự án Vành đai 3, các địa phương cần nhanh chóng thành lập hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai sớm.

Còn theo Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư - Tăng Ngọc Tráng, Hội đồng Thẩm định Nhà nước đang tích cực hoàn thiện hồ sơ các bước cuối cùng, đã có 10/18 phiếu thông qua. Cơ bản dự án đáp ứng yêu cầu để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Đường Vành đai 3 sẽ thúc đẩy mạnh về kinh tế - xã hội

Bình luận (0)

Lên đầu trang