Trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 13-6, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Dự luật này đã được đại biểu cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ và được Bộ Y tế, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình.
Tại phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến cho rằng KCB là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, có tác động lớn đến quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, đến ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế cũng như tài chính của mỗi người dân, do vậy, thẩm quyền quyết định giá KCB vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, Nhà nước ban hành giá KCB đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường
Theo các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), quy định khung giá KCB đối với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa, giá KCB của cơ sở y tế tư nhân thực hiện theo quy định của Luật Giá, song cần có cơ chế kiểm soát giá để bảo vệ quyền lợi của người bệnh.
Giải trình nội dung này, Bộ Y tế, cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật cho biết, thẩm quyền quy định giá dịch vụ KCB do Bộ trưởng Bộ Tài chính phối hợp với Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung. Căn cứ vào khung giá dịch vụ KCB, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá dịch vụ KCB đối với cơ sở KCB thuộc Bộ Y tế và các bộ khác. Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh quy định giá dịch vụ KCB đối với cơ sở KCB của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo đề nghị của UBND cùng cấp.
Các cơ sở KCB tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ KCB.
“Việc quy định thẩm quyền phê duyệt giá như trên đối với các cơ sở KCB của Nhà nước sẽ gây ra tình trạng cùng một loại dịch vụ kỹ thuật nhưng mức giá lại khác nhau giữa các địa phương” – Bộ Y tế phân tích.
Cùng với đó, việc giao HĐND tỉnh phê duyệt giá, theo Bộ Y tế, sẽ phát sinh thêm nhiều công việc cũng như thủ tục hành chính do các đơn vị ở địa phương sẽ phải xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, phải trình phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật rồi mới tiếp tục xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giá KCB.
Vẫn theo Bộ Y tế, pháp luật hiện hành về Bảo hiểm y tế đã giao Bộ Y tế mức giá KCB bảo hiểm y tế đế thống nhất áp dụng trong toàn quốc và trong nhiều năm qua được thực hiện khá tốt. Trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành cũng như thực tiễn triển khai quy định về giá KCB bảo hiểm y tế như trên, dự thảo Luật quy định theo hướng Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá KCB (gồm cả khung giá KCB theo yêu cầu) đối với cơ sở KCB của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc.
Căn cứ khung giá của Bộ Y tế, HĐND cấp tỉnh quy định giá KCB đối với cơ sở KCB của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo đề nghị của UBND cùng cấp. Cơ sở KCB của Nhà nước quyết định mức giá KCB theo yêu cầu của cơ sở. Cơ sở KCB tư nhân được quyền quyết định giá KCB theo quy định của Luật Giá.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị việc giao HĐND quy định giá ở địa phương cũng có ưu điểm là phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập bình quân của người dân của từng địa phương, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng trong tiếp cận y tế giữa người giàu và nghèo, giữa các khu vực. Đối với cơ sở KCB tư nhân, việc quy định cơ sở tư nhân được tự quyết định theo quy định của Luật Giá là vẫn bảo đảm được việc quản lý vì Luật Giá đã quy định các biện pháp quản lý giá như kiểm tra giá khi có dấu hiệu bất thường, niêm yết, công khai giá...
Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Bộ Y tế khẳng định sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu hoàn thiện các quy định về vấn đề này trong dự thảo Luật cũng như xây dựng các văn bản để hướng dẫn thực hiện sau khi Luật được ban hành.
Liên quan đến hệ thống tổ chức cơ sở KCB, các ĐBQH đề nghị xác định rõ việc phân cấp này được thực hiện theo tuyến chuyên môn kỹ thuật hay phân loại hệ thống tổ chức. Đại biểu cũng yêu cầu phân tích ưu điểm, nhược điểm, hiệu quả, mục đích của phân tuyến, phân cấp lại hệ thống KCB để làm rõ sự cần thiết, ưu việt của chính sách này so với việc phân tuyến hiện tại…
Cho biết dự thảo Luật quy định theo hướng tiếp tục duy trì hệ thống các cơ sở KCB của cả nhà nước và tư nhân như hiện nay nhưng có sự thay đổi về phân cấp chuyên môn, Bộ Y tế thông tin, hệ thống cơ sở KCB được tổ chức thành 3 cấp theo chuyên môn, gồm: cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu.
“Cách quy định này được thực hiện theo thông lệ quốc tế nhằm mục tiêu phân định nhiệm vụ của từng cấp, bảo đảm tính liên thông, liên tục về KCB giữa các cơ sở KCB. Theo đó người bệnh sẽ hạn chế phải về các cơ sở trung ương để điều trị như hiện nay mà có thể tiếp cận với dịch vụ KCB ngay tại địa phương” – Bộ Y tế giải trình, đồng thời khẳng định, việc chia thành 3 cấp chăm sóc không làm ảnh hưởng đến hệ thống tổ chức bộ máy hiện hành.
Về điều kiện cấp giấy phép hoạt động, về tiêu chuẩn chất lượng và đánh giá, chứng nhận chất lượng đối với cơ sở KCB…, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu để hoàn thiện các quy định về điều kiện cấp phép hoạt động đối với cơ sở KCB phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.