Thanh tra theo kế hoạch mà còn báo trước thì không thể hoàn thành nhiệm vụ

Thứ Hai, 13/06/2022 22:14

|

(CAO) Đại biểu Quốc hội cho rằng nếu chỉ trông đợi vào thanh tra theo kế hoạch mà còn báo trước thì thanh tra không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Thảo luận về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) trong phiên làm việc toàn thể tại Hội trường chiều nay (13/6), đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) nhìn nhận, thanh tra, kiểm tra là hoạt động bình thường của cơ quan quản lý Nhà nước để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và trật tự xã hội.

Đại biểu Phan Đức Hiếu nêu ý kiến thảo luận

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, thực tế thanh tra, kiểm tra cũng có thể tạo ra những gánh nặng không cần thiết với nhiều doanh nghiệp, khi nội dung thanh tra, kiểm tra bị trùng lặp. Thậm chí, ông Hiếu nói, có hiện tượng cán bộ lợi dụng công tác thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp; một số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá mức.

“Hệ quả, các doanh nghiệp thường phải dành nhiều thời gian, bỏ dở công việc kinh doanh chỉ để xoay sở với những yêu cầu của cán bộ thanh tra, kiểm tra” – đại biểu Hiếu phản ánh và đề nghị thiết kế quy định riêng áp dụng với doanh nghiệp.

“Thanh tra doanh nghiệp nên theo hướng giảm tối đa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh; thanh tra theo kế hoạch, được báo trước…” – ông Hiếu đề nghị.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nêu quan điểm: “Thanh tra theo kế hoạch mà còn báo trước nữa thì người ta sẽ chuẩn bị “vở sạch, chữ đẹp” để đón tiếp đoàn thanh tra”.

Từ thực tiễn, bà Lan cho rằng, thanh tra phải vừa theo kế hoạch, vừa đột xuất thì mới phát huy tất cả mặt mạnh, làm bất ngờ để phát hiện sai phạm.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan tranh luận với đại biểu Hiếu

Khẳng định việc sợ đội ngũ thanh tra lạm quyền, lợi dụng chức vụ, tiêu cực sẽ vô hình chung “trói tay, trói chân” thanh tra, bà Lan nhấn mạnh, nếu chỉ trông đợi vào thanh tra theo kế hoạch mà còn báo trước thì thanh tra không thể hoàn thành nhiệm vụ.

“Tiêu cực thì phải có cơ chế giám sát của các cơ quan chức năng, của thủ trưởng, phải đào tạo, răn đe, trường hợp sai phạm thì xử lý. Không phải vì sợ tiêu cực mà chúng ta lựa chọn cách dễ nhất là đến hẹn lại lên” – bà Lan nêu rõ.

Đề cập đến ý này khi giải trình dự luật, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thông tin, quản lý, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra là nội dung quan trọng nhằm thực hiện đúng mục đích và yêu cầu của cuộc thanh tra, cũng như phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, theo ông Phong, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Uỷ ban Pháp luật rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các quy định này.

Vẫn theo ông Phong, Thanh tra Chính phủ cũng đang sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Cùng với đó, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Uỷ ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa về trình tự, thủ tục thanh tra.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TPHCM) thảo luận tại phiên họp

Cũng tham gia thảo luận, đại biểu Đỗ Đức Hiển (TPHCM) đề cập đến các quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, thu hồi tiền, tài sản trong quá trình thanh tra, điều mà theo ông là bất cập lớn trong hoạt động thanh tra thời gian qua.

Nhận định dường như giải pháp cho bất cập này chưa được chú trọng, đại biểu của TPHCM chỉ ra dự luật chưa có quy định về việc chuyển tiếp biện pháp ngăn chặn cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, chưa có cơ chế để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quyết định thu hồi…

Để tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác thu hồi tiền, tài sản nói chung, qua hoạt động thanh tra nói riêng, ông Nguyễn Đức Hiển đề xuất bổ sung một số biện pháp ngăn chặn mà cơ quan thanh tra có thể áp dụng nhằm phòng ngừa nguy cơ tẩu tán tiền, tài sản.

Theo đó, cùng với việc nghiên cứu giao trưởng đoàn thanh tra có thẩm quyền quyết định phong toả tài khoản của đối tượng thanh tra, ông Hiển cho rằng cần nghiên cứu giao trưởng đoàn thanh tra có thể áp dụng cả biện pháp tạm giữ tiền, đồ vật, giấy tờ nếu có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra sẽ tẩu tán các tài sản này.

Đối với tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản, theo ông Hiển, cần nghiên cứu bổ sung biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng tài sản của đối tượng thanh tra nhằm ngăn chặc hoặc tạm dừng các hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản của đối tượng thanh tra.

​Trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm, thì cùng với việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự, cần bổ sung quy định về cơ chế phối hợp, chuyển tiếp đối với các biện pháp ngăn chặn mà trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra đã thực hiện.

​Vẫn theo đại biểu Hiển, để bảo đảm việc thu hồi có hiệu quả, cần nghiên cứu bổ sung quy định cho phép đoàn thanh tra hoặc thanh viên viên thực hiện việc xác minh, kê biên đối với tài sản của đối tượng thanh tra cần thu hồi.

“Các quy định này nếu được bổ sung cũng sẽ góp phần tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của đoàn thanh tra, thanh tra viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ” – ông Hiển nhận định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang