Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm

Đã được chọn, đừng làm tổn thương lòng tin cử tri

Thứ Tư, 03/06/2015 17:22  | Hữu Nhân (ghi)

|

(CAO) Đó là khẳng định của Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm- Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM với báo chí bên lề phiên thảo luận Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân diễn ra vào sáng nay (3-6).

Bà Tâm nhấn mạnh “việc xác định cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân một cách hợp lý, lựa chọn được những người ưu tú nhất vào cơ cấu hai cơ quan này là việc khó nhưng phải quyết tâm thực hiện”.

Phóng viên: Qua hoạt động thực tiễn ở Quốc hội và HĐND, theo bà, làm thế nào để chọn được những đại biểu ưu tú theo cơ cấu, thành phần như quy định?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Ở mỗi một thành phần, một cơ cấu đều có những đại biểu rất ưu tú, vấn đề là ta phải có cách  chọn. Về giải pháp, tôi nghĩ tốt nhất là phải phát huy dân chủ, đặc biệt là dân chủ trực tiếp của người dân.

Người dân là người hiểu rất nhiều về đại biểu của mình trong quá trình hoạt động. Đối với đại biểu ứng cử mới thì phải tạo điều kiện để họ tiếp xúc với cử tri của mình nhiều hơn thông qua những chương trình tiếp xúc cử tri để người dân biết mà lựa chọn.

Về trách nhiệm của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội và các cơ quan có thành viên được giới thiệu vào cơ cấu, theo tôi, cần phải công tâm chọn ra đại biểu ưu tú, đủ điều kiện.

Tôi nhấn mạnh ngoài tiêu chuẩn đặt ra thì người đại biểu dân cử phải có điều kiện tham gia vào các hoạt động. Thực tế, có những đại biểu ưu tú, năng lực tốt nhưng hoạt động thì không có nhiều, vì thế cũng hạn chế hoạt động của cơ quan dân cử. Nếu đưa đại biểu vừa ưu tú, đạt tiêu chuẩn và có điều kiện vào ứng cử thì cử tri sẽ lựa chọn được những đại biểu đại diện cho mình.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm trả lời báo chí bên lề phiên họp sáng  nay - Ảnh: Hữu Nhân

Phóng viên: Nhiệm kỳ này có hai nữ đại biểu đã và sắp bị Quốc hội xem xét bãi miễn tư cách đại biểu. Sự việc này gợi cho bà suy nghĩ gì?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Là đại biểu nữ, tôi thấy tiếc cho hai đại biểu này khi họ đã không đi được trọn con đường mà người dân tin tưởng, giao phó. Nói về trách nhiệm thì trước hết phải là trách nhiệm cá nhân khi mình không giữ gìn,  đáp ứng được lòng tin  cử tri.

Còn cơ quan giới thiệu có trách nhiệm hay không còn tùy thuộc vào tính chất từng vụ việc của cá nhân những đại biểu này. Nhưng dù sao chăng nữa thì cơ quan hiệp thương và giới thiệu cũng có trách nhiệm trong đó một phần, bởi vì không chỉ  giới thiệu xong là thôi mà còn phải theo dõi, giám sát đại biểu mình đã giới thiệu  trong suốt quá trình hoạt động.

Mặc dù không mong muốn, nhưng  đó cũng là kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới đối với tất cả các cơ quan có trách nhiệm đưa người ra ứng cử. Mặt khác, sự việc này cũng là cảnh báo với các đại biểu  khi mình đã gieo được niềm tin đối với cử tri thì cần phải phấn đấu, giữ gìn liên tục từng ngày, từng giờ để đáp lại lòng tin  cử tri, nếu không sẽ làm tổn thương lòng tin đó.

Phóng viên: Lâu nay việc lập danh sách đại biểu ứng cử luôn tạo cảm giác “quân xanh – quân đỏ”. Để đảm bảo thành phần và để cử tri chọn lựa được người mình mong muốn, cần làm gì để tránh cảm giác này, thưa bà?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Tôi nghĩ từ “quân xanh- quân đỏ” người ta dùng cũng rất nôm na. Nhưng trong thực tiễn có xảy ra điều đó. Trên danh sách của một đơn vị bầu cử, qua nhiệm vụ, đơn vị công tác và nhiều yếu tố khác, người dân đưa ra được so sánh. Đó là quyền của cử tri, nhìn vào danh sách đó người ta đánh giá có lệch hay không, có “quân xanh- quân đỏ” hay không.

Cách đánh giá của cử tri cũng rất  tinh tế ! Để khắc phục tình trạng này, theo tôi cần phải lắng nghe, tính toán để đưa ra danh sách ứng cử hợp lý, để nếu cử tri tín nhiệm đại biểu nào thì đại biểu đó cũng có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Khi cử tri, người dân đưa ra nhận định đó thì đồng thời người ta cũng cảnh báo với mình trách nhiệm trong việc giới thiệu người ứng cử để đảm bảo quyền lựa chọn của cử tri.

 Xin cảm ơn bà!

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang