(CAO) Để tránh thất thoát tài nguyên nước tại giếng nước tự phun cao 20m ở xã Đá Bạc (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), giải pháp trước mắt được đưa ra là lắp đặt đường ống để dẫn nước vào các bể chứa.
Ngày 3-6-2015, đoàn chuyên viên, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp các chuyên gia của đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam đã khảo sát tìm giải pháp xử lý giếng nước tự phun cao 20m tại xã Đá Bạc.
Tại thời điểm đoàn khảo sát đến kiểm tra, chiều cao cột nước vẫn ở mức 10 - 12m. Đoàn công tác đã lấy một số mẫu nước về nghiên cứu, đo nồng độ các khoáng chất có trong nước.
Đoàn công tác cũng làm việc trực tiếp với nhóm thợ khoan để kiểm tra thông tin, diễn biến quanh sự việc từ quá trình khoan, các lớp đất, đá từ mặt đất đến độ sâu 80m; độ sâu có nước phun đến độ sâu khi nước phun thành cột cao 18 - 20m; các lớp đá ở các độ sâu 60m, 70m và điểm sâu nhất 80m của giếng khoan.
Giếng nước tự phun sẽ được lắp đặt đường ống dẫn nước vào bể chứa - Ảnh: Đại Việt
Các ngành chức năng đưa ra giải pháp trước mắt là lắp đường ống nhựa hoặc sắt để đưa nước vào hồ hoặc bể chứa đồng thời dự trữ nguồn nước phục vụ các hộ dân quanh khu vực, vừa tránh bớt sự hiếu kỳ của người xem vừa đảm bảo ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
Chiều ngày 1-6, ông Nguyễn Văn Bảnh (SN 1940, ngụ xã Đá Bạc) thuê người khoan giếng tại khu vực rẫy của gia đình để phục vụ tưới tiêu. Khi mũi khoan chạm độ sâu gần 80m thì nước phun lên thành cột như vòi rồng cao hơn 20m. Sự việc khiến hàng trăm người hiếu kỳ từ khắp nơi đổ về xem.