Trong đoàn có 3 người: đồng chí Lê Hữu Kiều (Bí thư Xứ ủy), đồng chí Nguyễn Thị Thập và nhà báo Lý Phú Xuân, tức thi sĩ Việt Chân.
Phái đoàn đồng chí Lê Hữu Kiều vì ra tới Hà Nội trễ, không kịp dự Hội nghị Đảng toàn quốc và Đại hội Quốc dân, nên đành phải quay về Sài Gòn.
Tuy không được dự hội nghị, nhưng trên đường về Nam vì có xe hơi nên phái đoàn đồng chí Lê Hữu Kiều đã làm được một việc rất có ý nghĩa. Đó là chở đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh, được Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng cử vào Nam Bộ trong những ngày Tổng khởi nghĩa.
Do phải ghé qua thành phố Huế và một số tỉnh ở miền Trung để nắm tình hình, nên xe đi phải mất một tuần đồng chí Hoàng Quốc Việt mới tới địa phận tỉnh Biên Hòa. Đến đây, gặp lúc một bọn Pháp mới nhảy dù xuống rừng cao su bị anh em tự vệ bắt được áp giải về Sài Gòn. Lúc xe của tự vệ vừa rẽ lên mặt đường thì gặp xe đồng chí Hoàng Quốc Việt. Họ liền chặn lại để kiểm soát. Khi xem giấy tờ thấy giấy giới thiệu đồng chí Hoàng Quốc Việt là Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh. Vì không hiểu đó là chức vụ gì nên họ đưa cả đoàn đồng chí Hoàng Quốc Việt và bọn Tây nhảy dù đến Khám Lớn Sài Gòn. Khi tới đây, người phụ trách nhận ra ngay đồng chí Nguyễn Thị Thập, nên đã gọi điện thoại đến Nam Bộ phủ để báo tin cho các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy.
Tới Nam Bộ phủ, đồng chí Hoàng Quốc Việt được báo tin cho biết, Mặt trận Việt Minh đã phát lệnh khởi nghĩa đến các đoàn và Liên đoàn Thanh niên Tiền phong khắp các công sở ở Sài Gòn - Gia Định từ lúc 5 giờ chiều ngày hôm qua (24/8/1945). Và đến buổi sáng hôm nay (25/8/1945) cả Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tràn ngập trong biển người mừng Cách mạng tháng Tám thành công, mừng chính quyền về tay nhân dân. Vào khoảng 1 giờ chiều, trước dinh Đốc lý Sài Gòn, Ủy viên trưởng (tức Chủ tịch) Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ đọc diễn văn.
Nhân dân Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền, ngày 25/8/1945
Suốt đêm hôm đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Trần Văn Giàu (Bí thư Xứ ủy, Ủy viên trưởng Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ) và các bạn chiến đấu thân thiết từng vào sinh ra tử đã thức trắng đêm với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Trong thiên hồi ký cách mạng của mình, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã viết những dòng tràn đầy cảm xúc: "Đêm ấy cả Sài Gòn không ngủ. Chúng tôi mệt nhừ, thức với Sài Gòn, trò chuyện thâu đêm. Mãi gần sáng mới chợp mắt một chút. Đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn đã đập cửa dựng dậy:
- Đại biểu các giới, các đảng phái hay tin đại biểu của Tổng bộ Việt Minh vào đang đòi gặp ngay.
Tôi họp chớp nhoáng với Xứ ủy xong thì đi gặp hội nghị các đại biểu nói trên. Người hỏi chính sách này, người hỏi chính sách khác. Cuối cùng, ở đây cũng như mọi chỗ khác đều nêu lên một câu hỏi:
- Xin cho biết Hồ Chí Minh là ai? Có phải là...
Còn ai nữa? Người đứng đầu Nhà nước cách mạng, chính là vị lãnh tụ yêu kính, người chiến sĩ giàu kinh nghiệm của giai cấp công nhân, người con trung thành của nhân dân, đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Thế là tiếng hô vang dậy:
- Nhiệt liệt ủng hộ Chính phủ Trung ương do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Uy tín lớn lao của Bác cùng với ngọn cờ của Đảng, của Mặt trận Việt Minh đã làm cho nhân dân tức khắc quay về một mối.
Tôi điện ra Bắc: Hai mươi mốt tỉnh tôi đi qua đều giành được chính quyền, khắp lục tỉnh Nam Bộ cũng đã xong".
Hà Nội điện trả lời: "Ngày 02/9 làm lễ tuyên bố độc lập".
Tôi dự lễ độc lập 02/9 ở Nam Bộ trong một niềm vui xúc động thiêng liêng. Đất nước mà đôi chân cà nhắc của tôi đã đi từ Nam ra Bắc, từ Bắc vô Nam, được nhân dân che chở thoát khỏi biết bao cuộc vây lùng, giờ đây ngập trong màu cờ đỏ sao vàng. Mấy ngày trước, cờ bay múa trong tay nhân dân.
Hôm nay cờ được trịnh trọng kéo lên cao, bay phấp phới trên đỉnh cột, dưới bầu trời xanh lồng lộng. Chỉ mới tưởng tượng thế, lòng đã thấy nôn nao khó tả”.
Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là việc đấu tranh giành chính quyền nhằm xóa bỏ bộ máy nhà nước cũ để xây dựng một bộ máy nhà nước mới. Trong những ngày tiến hành Tổng khởi nghĩa tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, 3 khẩu hiệu nổi bật đã được quần chúng nối tiếp nhau giương cao là: "Việt Nam hoàn toàn độc lập", "Tất cả chính quyền về tay Việt Minh", "Thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa". Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 lần đầu tiên đã khai sinh trên đất nước ta bộ máy nhà nước cách mạng, một hệ thống tổ chức các cơ quan chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Chỉ trong vòng 29 ngày, kể từ ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn (25/8/1945) đến ngày tiếng súng kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Bộ bùng nổ (23/9/1945), hệ thống bộ máy tổ chức của các cơ quan chính quyền cách mạng ở Nam Bộ đã được thành lập với những tên gọi khác nhau: Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ, Ủy ban Nhân dân Nam Bộ.
Trong buổi đầu tuy hết sức khó khăn, nhưng với ý chí và quyết tâm mạnh mẽ, chỉ trong vòng một tuần lễ, nơi chậm nhất là 10 ngày, hệ thống chính quyền mới đã được hình thành và đi vào hoạt động. Ở miền Đông Nam Bộ như tại tỉnh Tân An, chính quyền cách mạng và các đoàn thể cứu quốc đã được nhanh chóng thiết lập ở hầu khắp nông thôn. Có 1.000 trong tổng số 1.230 làng đã được thành lập Ủy ban nhân dân và các tổ chức quần chúng. Điều đáng vui mừng là nhân sự của các Ủy ban Hành chánh lâm thời, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Việt Minh đều có những người yêu nước có uy tín được nhân dân tín nhiệm và mến mộ.
Ngay trong những ngày đầu mới ra đời, chính quyền các địa phương đã tập trung giải quyết giúp nông dân nghèo tiền vốn, lương thực để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Ở các địa phương có đồn điền của Pháp, xuất lúa trong kho tịch thu được cứu đói, cho nông dân vay mượn lương thực, vay vốn sản xuất. Chính quyền cách mạng thực hiện ngay chủ trương xóa bỏ 3 thứ thuế của chế độ cũ là: thuế thân, thuế chợ, thuế đò.
Một trong những kết quả hoạt động của các cơ quan chính quyền ta khi mới ra đời, là đã huy động nhân dân tích cực hưởng ứng "Tuần lễ vàng" do Bác Hồ kêu gọi tổ chức từ ngày 17 đến ngày 27/9/1945. Hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc này, đồng bào ta đã tự nguyện mang vòng vàng, nhẫn cưới, nữ trang đến quyên góp cho Quỹ Độc lập với tấm lòng yêu nước, xây dựng chính quyền mới. Trong một buổi tiệc trà do Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ tổ chức, có 42 địa chủ, tư sản, trí thức ủng hộ Chính phủ 11,8 kg vàng. Kết quả là ở một số tỉnh miền Hậu Giang đã thu được số tiền và vàng đáng kể. Số ấy cộng với số tiền và vàng ta thu được trong kho bạc và các tiệm cầm đồ của chính quyền cũ, miền Tây Nam Bộ đã nộp cho Trung ương 2.500 lượng vàng và 20.000 tiền Ngân hàng Đông Dương.
Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ, Ủy ban nhân dân Nam Bộ trong và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều dấu ấn không thể nào quên trong tình cảm thiêng liêng của các giới đồng bào.
Trong báo cáo chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng tháng 02/1951 nói về thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ đã chỉ rõ: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới mười lăm tuổi lãnh đạo cách mạng thành công đã nắm chính quyền toàn quốc... Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử nước ta".
TRẦN HỮU PHƯỚC (nguyên cán bộ Ủy ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ, 9/1954 - 01/1955)