(CAO) Sáng 2/9, tại Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã diễn ra lễ giỗ lần thứ 192 Khâm sai chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt (1832-2023) theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn.
Đồng chí Phan Văn Mãi cùng các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Tả quân Lê Văn Duyệt
Tham dự lễ giỗ Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt ngày Tiên thường có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Kim Yến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP Lê Hồng Nam; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy…
Tại lễ giỗ, bà Lâm Thị Hoàng Oanh, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử - văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt cho biết, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, việc tổ chức lễ giỗ nhằm tưởng nhớ các vị tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, nhân dân đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng, gìn giữ đất nước. Qua đó giáo dục cho các thế hệ mai sau đặc biệt là thế hệ trẻ biết hướng về cội nguồn dân tộc, có tình yêu quê hương tổ quốc một cách thiết thực và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
Nghi thức lễ Tiên thường
Với ý nghĩa đó, lễ giỗ Tả quân nhằm nhớ về Đức Thượng công sinh thời, khi làm Tổng trấn Gia Định thành thể hiện rõ là một vị quan công minh, thanh liêm, chính trực, luôn quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân, giữ an bờ cõi và mở mang vùng đất Nam bộ. Tài năng và công đức của Tả quân khiến người dân hết lòng kính phục, thương yêu gọi là Ông Lớn Thượng. Do đó khi tạ thế, Tả quân được an táng tại lăng miếu này thì nhân dân hết lòng thờ phụng cho đến ngày nay; đồng thời, trong cách nhìn của dân gian Tả quân Lê Văn Duyệt đã trở thành vị “Phúc thần” linh hiển.
Đến nay, tại di tích Đức Tả quân hàng ngày đều mở cửa để các cơ quan, đơn vị, nhân dân đến chiêm bái, học tập, tham quan. Bên cạnh đó, tổ chức cúng các ngày lễ truyền thống, để duy trì tín ngưỡng dân gian.
“Thời gian qua, Ban Quản lý Lăng luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ và giúp đỡ về công sức, vật chất, tinh thần của các cơ quan đơn vị, các cấp lãnh đạo đảng, chính quyền từ thành phố, đến quận, phường và đông đảo Nhân dân. Chúng tôi xin cố gắng giữ gìn và sử dụng hiệu quả nhất vật chất, tiền của di tích nhận được và mong rằng sẽ được tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trong thời gian tới để di tích ngày càng được phát huy giá trị văn hóa xứng tầm là một di tích cấp quốc gia, là di sản văn hóa phi vật thể đối với Lễ hội Khai hạ - Cầu an hàng năm”- bà Lâm Thị Hoàng Oanh cho biết.
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Theo lệ hàng năm, Di tích Lăng Tả quân tổ chức lễ giỗ Khâm sai chưởng Tả quân Lăng Lê Văn Duyệt diễn ra vào ngày 30/7 và 1-2/8 Âm lịch tại Di tích lịch sử - văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt.
Lễ giỗ năm nay là lần thứ 192 được tổ chức từ ngày 2 đến 4/9/2024 nhằm ngày 30 tháng 7, mùng 01, 02/8 năm Giáp Thìn.
Trong ngày cúng lễ Tiên thường (ngày đầu lễ giỗ, ngày 30/7 Âm lịch), buổi lễ diễn ra các nghi thức: Lễ dâng hương tại chánh điện và mộ Ông Bà, mời trầu, mời rượu, tặng lộc đến đại biểu dự lễ, cúng Tiên thường theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn, lễ Xây chầu – Đại bội, hát bội tuồng Lê Công kỳ án do Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM thể hiện…