Kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 02/9:

Đoàn đại biểu Xứ ủy Nam Kỳ đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội ở Tân Trào

Chủ Nhật, 01/09/2024 10:23

|

(CATP) Tháng 11/1940, sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, bọn thực dân Pháp đã tiến hành cuộc khủng bố trắng cực kỳ tàn bạo. Ở những nơi có phong trào khởi nghĩa mạnh như: Chợ Lớn, Gia Định, Mỹ Tho, Vĩnh Long... nhiều làng mạc và khu đông dân cư đã bị máy bay ném bom hủy diệt, hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã bị dìm trong biển máu.

Kể từ ngày ấy đường dây liên lạc giữa Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương đã bị hoàn toàn cắt đứt. Tuy chịu sự tổn thất hết sức nặng nề, nhưng ngọn lửa cách mạng trên vùng đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc không bao giờ tắt.

Một số đảng viên tìm mọi cách thoát khỏi sự truy sát của địch hoặc tổ chức vượt ngục Tà Lài, Bà Rá đến hoạt động trên vùng đất hiểm ở Mướp Giăng (Đồng Tháp Mười) và giữa chốn rừng thiêng ở Truông Mít (Tây Ninh), U Minh (Cà Mau)... để xây dựng lại cơ sở Đảng.

Trải qua 3 năm ra sức tái lập, bộ máy tổ chức của Đảng bộ Nam Kỳ được phục hồi. Năm 1943, "Xứ ủy Tiền Phong" thành lập. Năm 1944, "Xứ ủy Giải phóng" ra đời. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Xứ ủy Nam Kỳ đã năng động tìm cách móc nối được đường dây liên lạc với Trung ương giữa lúc thời cơ cách mạng đang tới.

Người có công tổ chức thực hiện việc này là đồng chí Hà Huy Giáp. Vừa thoát khỏi Trại an trí Trà Kê (tỉnh Phú Yên) vào tới Sài Gòn, đồng chí Hà Huy Giáp đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Lý Chính Thắng đi ra Bắc để bắt liên lạc với Trung ương. Lý Chính Thắng có chân trong Thành ủy Sài Gòn, vốn là học sinh trường tư thục Thăng Long (Hà Nội), là cháu đồng chí Hà Huy Giáp.

Ảnh chụp tại Tân Trào, tháng 10/1977; từ phải sang: người đứng hàng đầu là đồng chí Trần Hữu Phước (tác giả bài viết này); người đứng thứ 5 là đồng chí Hoàng Quốc Việt, nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh; người đứng thứ 7 là đồng chí Vũ Kỳ, nguyên Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lý Chính Thắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này, đã gặp Tổng Bí thư Trường Chinh, được nghe truyền đạt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương về việc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa để giành chính quyền trong cả nước. Ngày 05/4/1945, đồng chí Trường Chinh đã giao nhiệm vụ cho người nữ liên lạc viên của Trung ương là đồng chí Nguyễn Thị Kỳ cùng lên đường vào Nam với đồng chí Lý Chính Thắng để trao thư từ, tài liệu của Trung ương gửi Xứ ủy Nam Kỳ.

Nhằm bảo đảm an toàn cho chuyến đi, hai người đóng giả vai vợ chồng công chức loại "sộp". Lý Chính Thắng trạc 30 tuổi, mặc bộ âu phục màu xám nhạt sang trọng, thắt cà-vạt sọc đỏ, nói trôi chảy cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Còn Nguyễn Thị Kỳ 22 tuổi, nhan sắc mặn mà, giao tiếp lịch thiệp, ăn mặc theo mốt tân thời. Người nữ liên lạc viên tài sắc này của Trung ương là vợ đồng chí Lê Hoài, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (sau này là vị tướng lỗi lạc của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Văn Tiến Dũng).

Hơn 3 tháng sau đó, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ lại được phái vào Sài Gòn để mang thư của Trung ương triệu tập hai đồng chí Ung Văn Khiêm và Hà Huy Giáp đại biểu của Xứ ủy và Kỳ bộ Việt Minh Nam Kỳ đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội ở Tân Trào.

Vì trong thời gian này, tuyến đường xe lửa Sài Gòn - Hà Nội có nhiều đoạn bị quân Đồng Minh ném bom hư hại nặng, nên đoàn đã phải đi bằng xe đò làm 3 chặng: Sài Gòn - Tourane (Đà Nẵng), Tourane - Huế, Huế - Hà Nội.

Ra tới Hà Nội, hội nghị chưa đến ngày khai mạc, đồng chí Hà Huy Giáp đã lưu lại đây mấy ngày để thăm viếng bạn bè. Còn đồng chí Ung Văn Khiêm nóng lòng muốn đi sớm để được chứng kiến vùng đất thánh Tân Trào trong "đêm trước" của cuộc Cách mạng mùa thu. Không may trên đường lên mạn ngược, khi tới châu Sơn Dương, đồng chí Ung Văn Khiêm bị anh em du kích người dân tộc Tày, Nùng bắt giam 3 ngày, vì bị nghi ngờ là gián điệp của Nhật.

Khi đồng chí Ung Văn Khiêm được thả ra, cũng là lúc đồng chí Hà Huy Giáp kịp tới. Hai người được liên lạc đưa đến địa điểm họp tại vùng căn cứ địa Tân Trào ở cách xa Hà Nội 125km. Đây là vùng rừng núi đại ngàn có địa giới tiếp giáp hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, nơi có cảnh quan tuyệt đẹp. Giữa năm 1945, từ Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (từ tháng 8/1942 được đổi tên là Hồ Chí Minh) đã chuyển về đây để cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng. Lúc đầu, Người ở nhà của Chủ tịch Việt Minh xã, sau đó chuyển về khu rừng Nà Lừa cách làng 1km, ở trong cái lán nhỏ dài 4m, lợp lá cọ, bên trong có chiếc chõng tre, nằm bên sườn núi.

Lúc tới nơi, hai đồng chí Ung Văn Khiêm và Hà Huy Giáp đã bàn với nhau về cách xưng hô khi được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đồng chí Hà Huy Giáp cho biết, theo tập quán ở miền Bắc, những người từ 50 tuổi trở lên đều có thể được gọi bằng cụ. Năm ấy, Cụ Hồ 55 tuổi, vì vậy hai người đã nhất trí tự xưng là tôi và gọi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bằng cụ.

Đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) nơi diễn ra Quốc dân Đại hội do Việt Minh triệu tập tháng 8/1945, quyết định Tổng khởi nghĩa, bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ảnh tư liệu

Khi hay tin đại biểu Xứ ủy và Kỳ bộ Việt Minh Nam Kỳ đến Tân Trào, Cụ Nguyễn Ái Quốc cho mời đến lán của mình. Thân mật siết chặt tay hai người, nhìn đồng chí Ung Văn Khiêm, Cụ hỏi: "Đây là chú Ung Văn Khiêm? Trước kia, khi chú tới Quảng Châu học thì tôi đã chuyển đi nơi khác. Nhưng qua tin tức của đồng chí Hồ Tùng Mậu, tôi biết rõ về khóa học này. Tôi cũng có theo dõi sự hoạt động của chú trong phong trào Đông Dương Đại hội, lúc đón phái đoàn Mặt trận Bình Dân Pháp đến huyện Chợ Mới (Long Xuyên) và được đọc mấy bài báo của chú đăng trên báo La Lutte, Le Travail.

Hết sức xúc động trước sự thể hiện tình cảm đặc biệt của lãnh tụ Đảng, đồng chí Ung Văn Khiêm thưa rằng: "Thật là vinh dự cho tôi được gặp cụ. Những việc của tôi làm tuy nhỏ và đã lâu, nhưng vẫn được Cụ quan tâm nhắc tới".

Sau khi nghe đồng chí Ung Văn Khiêm và Hà Huy Giáp hai lần báo cáo tình hình về sự phát triển của phong trào cách mạng ở Nam Kỳ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rất vui. Người đã truyền đạt cho Xứ ủy và Kỳ bộ Việt Minh Nam Kỳ nắm vững những tư tưởng chỉ đạo của Trung ương trong việc lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Các đồng chí Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp vui mừng được chụp ảnh với Cụ Hồ và được cụ tặng cho khẩu súng Colt 12 ly.

Giữa lúc cuộc Hội nghị toàn quốc của Đảng bước sang ngày làm việc thứ hai, thì nhận được tin phát-xít Nhật đã đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện. Sau khi Báo cáo chính trị của lãnh tụ Hồ Chí Minh và bản báo cáo của Tổng Bí thư Trường Chinh được trình bày và thảo luận trước toàn thể đại biểu hai cuộc hội nghị lịch sử ở Tân Trào; sau khi Quốc dân Đại hội thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; sau khi quyết định đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc kỳ của Việt Nam là cờ đỏ sao vàng 5 cánh, Quốc ca Việt Nam là bài Tiến quân ca và công bố 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định kết thúc sớm hội nghị để bảo đảm cho các đại biểu nhanh chóng trở về địa phương kịp thời lãnh đạo Tổng khởi nghĩa.

30 đại biểu có mặt trong Hội nghị toàn quốc của Đảng và 60 đại biểu dự Quốc dân Đại hội đã lập tức rời căn cứ địa Tân Trào trong "Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa" vang dậy núi sông của Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng - Cụ Hồ Chí Minh. Lời kêu gọi viết:

"Việt Nam Quốc dân đại biểu Đại hội cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho đất nước được độc lập. Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay.

Nhưng chúng ta chưa thể cho là đủ. Cuộc đấu tranh của chúng ta đang còn gay go, dằng dai. Không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do. Chúng ta vẫn phải ra sức phấn đấu. Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập.

Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".

Lời kêu gọi lịch sử ấy đã tạo nên xung lực như những cơn bão biển, sóng thần. Sau khi Hội nghị Tân Trào bế mạc chưa được hai ngày, thành phố Hà Nội và các tỉnh lỵ Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam... đã tiến hành khởi nghĩa thần tốc giành được chính quyền từ tay giặc ngoại xâm.

Hai đồng chí Ung Văn Khiêm và Hà Huy Giáp rời Tân Trào để vội vã trở về Nam, nhưng vì thiếu phương tiện đi lại, nên buộc phải lưu lại Hà Nội để chờ xe. Đến khi về tới Nam Bộ, Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy Sài Gòn đã lãnh đạo nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, nhân dân Nam Bộ tiến hành khởi nghĩa thành công được hai tuần lễ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang