Cuộc cách mạng về cải cách tổ chức bộ máy "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”: Sẵn sàng đưa đất nước bay vào kỷ nguyên mới:

Bài 4: Nghiên cứu bỏ cấp huyện, sáp nhập một số tỉnh, thành là cần thiết

Chủ Nhật, 23/02/2025 10:46

|

(CATP) Cuộc cách mạng tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu của Bộ Chính trị chỉ mới bắt đầu và đang tiếp tục với những chặng đường quyết liệt hơn. Sắp tới là nghiên cứu, sắp xếp bỏ cấp huyện, sáp nhập một số tỉnh, thành, để tạo không gian, động lực đầu tư và phát triển mới. Mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng công tác, quản lý, chất lượng phục vụ nhân dân...

Cuộc tinh gọn bộ máy mới chỉ là bước đầu

Tổng Bí thư (TBT) Tô Lâm nhiều lần nhắc rằng, thời gian tới tiếp tục xác định việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ bước đầu, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả, nâng cao hiệu lực hoạt động.

Tại kỳ họp Quốc hội bất thường vừa qua, đề cập vấn đề chính quyền quốc gia nên 3 cấp hay 4 cấp, Tổng Bí thư (TBT) Tô Lâm đề nghị phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, nhưng qua thực tế, 80% các nước có chính quyền 3 cấp. TBT hoan nghênh việc thí điểm bỏ CA cấp huyện, vì CA chính quy đã về xã. Mọi việc liên quan đến người dân ở xã và làm trực tiếp ở xã, từ hộ khẩu, đăng ký ôtô, xe máy, thậm chí điều tra vụ án... CA xã xử lý được hết, không cần chờ đến huyện, tỉnh.

Đây là một trong nhiều vấn đề trong việc tiếp tục tinh giản bộ máy theo chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. Kết luận này có tính chiến lược, nhằm tinh gọn bộ máy mạnh mẽ nhất. Kết luận yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã; định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Bỏ hay không bỏ cấp trung gian (cấp quận, huyện), định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh là vấn đề rất lớn, cần có những nghiên cứu, đánh giá thận trọng. Vì thế Bộ Chính trị nghiên cứu định hướng; xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã. Việc nghiên cứu, định hướng hai vấn đề lớn này phải báo cáo cho Bộ Chính trị trong quý III/2025. Quy định thời gian như vậy, để Bộ Chính trị có quyết sách kịp thời và có thể tiến hành sau Đại hội Đảng lần thứ XIV, dự kiến được tổ chức trong tháng 01/2026.

GS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Trung ương MTTQ Việt Nam sáng 20/02

Có cần đơn vị hành chính cấp huyện?

Đây cũng là câu hỏi mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặt ra, có nên tồn tại cấp hành chính trung gian quận, huyện hay không. Trước mắt cho phép thí điểm việc bỏ CA cấp quận, huyện, cho thấy quyết tâm của Bộ Chính trị. Thực tế ngay trong tháng 2 này, CA cấp huyện kết thúc nhiệm vụ của mình. Từ đó đặt ra hàng loạt vấn đề với các cơ quan cấp huyện khác như tòa án, viện kiểm sát...

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Trung ương MTTQ Việt Nam sáng 20/02, GS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng chủ trương này rất phù hợp với tổ chức chính quyền các nước trên thế giới vì nhiều nước chú trọng xây dựng chính quyền hai đầu mạnh, đó là tỉnh, thành mạnh và cơ sở (xã, phường) mạnh. Còn chính quyền trung gian ở giữa do chính quyền tỉnh đưa về một khu vực hoặc vùng nào đó thuộc một vài xã, phường để đại diện chính quyền tỉnh ở khu vực, cơ sở đó. Đây được xem là mô hình chính quyền hiện đại.

Theo GS Đường, việc bỏ cấp quận, huyện sẽ tạo ra không gian rộng hơn để phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời tạo ra môi trường rộng lớn hơn để thu hút tiềm năng, nguồn lực để phát triển. Đó là một lợi thế rất lớn trong điều kiện phát triển kinh tế hội nhập ngày càng mạnh mẽ, do không bị rào cản bởi ranh giới của quận, huyện.

Thực tế cho thấy, việc bỏ đơn vị hành chính cấp quận, huyện là đúng định hướng giảm tầng nấc trung gian, giảm bớt nhân lực cho bộ máy hành chính cấp quận, huyện rất lớn.

Tính đến tháng 04/2023, cả nước có 705 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 1 TP thuộc TP trực thuộc Trung ương, 82 TP thuộc tỉnh, 52 thị xã, 46 quận và 524 huyện. Sau khi thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, đã giảm 9 đơn vị hành chính cấp huyện. Như vậy hiện tại cả nước có 46 quận và 515 huyện.

Theo số liệu của UBTVQH báo cáo trong chuyên đề giám sát "Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021", năm 2022, số nhân sự trước khi sắp xếp trung bình mỗi quận, huyện là hơn 2.400 người. Đây là số lượng nhân sự rất lớn, nếu tính tất cả 46 quận và 515 huyện trên cả nước. Nếu bỏ cấp hành chính trung gian này, ngân sách Nhà nước tiết tiệm cả ngàn tỷ đồng mỗi năm mà hiệu lực, hiệu quả các dịch vụ công của người dân không bị ảnh hưởng, vì gần như tất cả đều được thực hiện ở cấp phường, xã và tỉnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc quản lý Nhà nước từ tỉnh đến xã, phường thuận lợi hơn rất nhiều. Đó là lý do đơn vị hành chính cấp quận, huyện nên cáo chung sau khi hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.

Đã đến lúc cân nhắc sáp nhập một số tỉnh, thành

Đây là vấn đề được người dân rất quan tâm trong thời gian qua, sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025, trong đó có định hướng sáp nhập một số tỉnh, thành. Có nhiều ý kiến khác nhau về định hướng này, trong đó dư luận lo ngại những tiêu cực về việc sáp nhập các tỉnh, thành trong giai đoạn từ 1976 -1991 lại tách ra, gây biết bao hệ lụy. Nhưng đó là thời điểm khác, hoàn cảnh khác, quy mô khác, tính chất khác, giao thông nước ta lúc đó còn nhiều hạn chế, nhất là tình hình kinh tế, khoa học kỹ thuật lúc đó còn ở trình độ quá thấp. Tuy nhiên những bài học tách - nhập ở giai đoạn này vẫn cho chúng ta những kinh nghiệm quý giá.

Trong lịch sử nước ta, đời nhà Lê, nhà Nguyễn, thời Pháp thuộc đều có những cuộc sáp nhập các khu vực, lãnh thổ với nhau, là chuyện bình thường, tùy vào yêu cầu về chính trị, quân sự, kinh tế... nhưng lịch sử không thấy có những tranh chấp kiểu cục bộ địa phương. Các quan lại cũng được triều đình bổ nhiệm làm quan khắp nơi, không có chuyện người tỉnh nào làm quan xứ ấy. Ngày nay, việc cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, thành ở nước ta cũng vậy, đó là việc bình thường mà quốc gia nào cũng làm.

Về định hướng nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh, thành, GS Trần Ngọc Đường cho rằng Bộ Chính trị cũng đã có nghiên cứu và có thể sẽ không còn 63 tỉnh, thành nữa, mà có thể sáp nhập một số tỉnh, thành lại để tạo ra thế mạnh cho vùng, liên kết vùng. Theo GS Đường, trước đây có thời kỳ nước ta chỉ có 38 tỉnh, thành (1976). Từ năm 1975 đến nay, sau nhiều đợt chia tách, sáp nhập, hiện nước ta có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 57 tỉnh và 6 TP trực thuộc Trung ương.

Đến nay, việc định hướng sáp nhập một số tỉnh, thành như yêu cầu của Bộ Chính trị là yêu cầu khách quan, là thời điểm chín muồi, để tạo ra lợi thế, tạo ra động lực, không gian phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên đây là vấn đề lớn, cần nghiên cứu và phải làm từng bước để hợp lý hóa không gian địa lý, kinh tế, xã hội.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, việc sáp nhập một số tỉnh là tất yếu vì chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Ông Dĩnh cho rằng việc sắp xếp bộ máy lần này khác với trước đây, thái độ khác, hành động khác. Nên bây giờ làm không phải bộc phát mà trên cơ sở đã có nghiên cứu, kế thừa thành quả từ trước và làm quyết liệt như một cuộc cách mạng chứ không phải đổi mới. Đây là thời cơ vận hội, nếu không làm thì sẽ bỏ lỡ. Ông Dĩnh nêu ý kiến: Muốn sáp nhập tỉnh nào với tỉnh nào thì phải xét nhiều yếu tố, từ vị trí địa lý đến con người, dân số, phong tục tập quán... Ví dụ như một tỉnh mà có hơn 300.000 dân như Bắc Kạn thì quá nhỏ và ông cho rằng nước ta chỉ nên có 35 đến 38 tỉnh, thành là phù hợp.

Thực tế nước ta có một số tỉnh có diện tích quá nhỏ như Bắc Ninh nhỏ nhất với chỉ 822,7km2, Hà Nam 852,2km2, Hưng Yên 926,0km2, Ninh Thuận 3.500km2... cũng cần sáp nhập để phát triển.

Theo Nghị quyết 1211/2016 và Nghị quyết 27/2022 của UBTVQH về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, tiêu chuẩn đơn vị cấp tỉnh phải dựa vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên. Theo đó quy mô dân số của tỉnh miền núi, vùng cao từ 900.000 người trở lên; các tỉnh khác có quy mô dân số từ 1,4 triệu người trở lên. Về diện tích, tỉnh miền núi, vùng cao từ 8.000km2 trở lên, và các tỉnh thuộc vùng miền khác có diện tích phải từ 5.000km2 trở lên. Đồng thời, tỉnh phải đáp ứng số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 9 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất 1 TP hoặc 1 thị xã.

Nếu theo điều kiện dân số, các tỉnh có dân số dưới mức quy định tối thiểu cho một đơn vị hành chính cấp tỉnh là 900.000 người, thì có 17 tỉnh không đạt yêu cầu. Nếu theo yếu tố các tỉnh có diện tích dưới mức quy định tối thiểu cho một đơn vị hành chính cấp tỉnh (5.000km2) thì có 28 tỉnh không đạt.

Việc sáp nhập một số tỉnh, thành hiện tại khác hẳn với các lần sáp nhập trước khi mà quy mô nền kinh tế nước ta năm 2024 ước đạt 476,3 tỷ USD (GDP năm 1986 - năm đầu mới chỉ có 8 tỉ USD). Hạ tầng giao thông phát triển ngày càng hoàn thiện, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng, gần như các dịch vụ công đều có thể làm trực tuyến, địa lý như thu hẹp trên không gian mạng... Vì vậy việc nhập một số tỉnh, thành có quy mô dân số, diện tích ít thành những đơn vị hành chính lớn hơn, tạo nên sự liên kết vùng, không gian phát triển rộng hơn, dễ dàng trong quy hoạch, đầu tư để có cơ hội phát triển là điều cần làm và phải làm. Đó cũng là xu hướng khách quan trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại chuyển đổi số và sẽ đến thời kỳ chuyển đổi AI, để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

(Còn tiếp...)

Bài 3: Bộ Công an đi đầu trong việc tinh gọn bộ máy
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang