Sáng 15/9, Ban Chuyên đề Công an TPHCM tổ chức Tọa đàm “Đề án 06 với Chuyển đổi số và Cải cách hành chính”. Đến tham dự, trao đổi tại tọa đàm có các vị khách mời: bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM; Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, Cố vấn Cấp cao Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM; Thạc sĩ Trần Phúc Hồng, Phó Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ TMA; Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TPHCM; Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM; ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn và đào tạo An ninh mạng Athena; Trung tá, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng Công an phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức; ông Đinh Anh Tuấn, Chuyên viên Phòng Báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM...
Về phía Ban tổ chức có Đại tá, PGS.TS Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM, Trưởng Ban tổ chức tọa đàm; Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi, Phó trưởng Ban Chuyên đề CATP; Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Duy Trung, Trưởng ban Phóng viên - Ban Chuyên đề CATP; Thiếu tá Tống Minh Tân, Phó trưởng ban phụ trách Ban Báo điện tử - Ban Chuyên đề CATP; các đồng chí là Trưởng, Phó các ban chức năng; Tổ trưởng các Tổ Phóng viên thuộc Chuyên đề CATP; cùng CBCS Ban Chuyên đề CATP và người dân, đại diện doanh nghiệp.
Đại tá, PGS.TS Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM tặng hoa cảm ơn các khách mời tham dự tọa đàm
Đề án 06 - mũi nhọn, khâu đột phá trong chuyển đổi số, cải cách hành chính
Chuyển đổi số quốc gia đã và đang tạo sự bứt phá mạnh mẽ với “3 thế chân kiềng”, đó là Chính phủ số - kinh tế số và xã hội số. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược đó là chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06). Việc xây dựng, triển khai Đề án 06 là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Sau hơn một năm rưỡi triển khai thực hiện Đề án 06, với sự quyết tâm, nỗ lực cao nhất của các cấp chính quyền và các Bộ ban ngành, trong đó đặc biệt là Bộ Công an với vai trò là thường trực, chủ công đã vào cuộc một cách quyết liệt. Đến nay, việc triển khai thực hiện Đề án 06 đã đạt được những kết quả rất đáng kích lệ, phục vụ đắc lực cho chuyển đổi số quốc gia, cải cách hành chính, được người dân, doanh nghiệp đánh giá rất cao, đồng tình ủng hộ.
Đại tá, PGS.TS Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM phát biểu khai mạc
Nhằm làm rõ hơn và khẳng định sự cần thiết, cấp bách của Đề án 06 là mũi nhọn, khâu đột phá trong chuyển đổi số và cải cách hành chính; đồng thời qua đó đưa ra những hiến kế, góp ý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khi triển khai thực hiện Đề án 06, để thực sự đưa người dân, doanh nghiệp vào trung tâm của sự phục vụ và được thụ hưởng những tiện ích tốt nhất do Đề án mang lại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TPHCM, Ban Biên tập Chuyên đề CATP tổ chức chương trình Tọa đàm “Đề án 06 với chuyển đổi số và cải cách hành chính”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Đại tá, PGS.TS Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM cho biết, Đề án 06 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là khâu đột phá, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực. Đến nay, sau hơn một năm rưỡi triển khai thực hiện Đề án, vượt qua nhiều rất nhiều khó khăn, thách thức, đã đạt được những kết quả toàn diện, quan trọng, phục vụ đắc lực cho người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội.
Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi, Phó trưởng Ban Chuyên đề CATP
Những kết quả bước đầu đạt được của Đề án 06 là rất lớn, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời của việc ban hành, triển khai thực hiện Đề án, ngày càng được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06, cũng đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặt ra yêu cầu cần nhanh chóng nhận diện, tháo gỡ, chấn chỉnh ngay những khó khăn, bất cập, nhằm đảm bảo đồng bộ, toàn diện khi thực hiện Đề án, không ảnh hưởng đến lộ trình chuyển đổi số quốc gia.
Vì vậy, Đại tá Bùi Ngọc Giáp đề nghị các vị khách mời, đại biểu cùng nhau trao đổi, góp ý, nêu bật lên những nội dung, vấn đề được gợi mở, đặt ra tại tọa đàm, để BTC ghi nhận, tổng hợp, thông tin tuyên truyền, cũng như gửi về cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tham khảo.
Cần coi người dân như khách hàng
Tại tọa đàm, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM khẳng định chuyển đổi số là tất yếu, không chuyển đổi số thì chúng ta sẽ tụt hậu. Việc này đòi hỏi sự nhận thức đầy đủ, quán triệt sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị, tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Muốn vậy phải đào tạo, trang bị kỹ năng cho đội ngũ tuyên truyền có đầy đủ kiến thức, đẩy mạnh kênh tuyên truyền cơ sở, xây dựng các nhóm xung kích đi tuyên truyền đến tận từng nhà…
Phải coi người dân như khách hàng để xây dựng các tiện ích, phần mềm thân thiện, gần gũi, dễ sử dụng đối với người dân…, chú trọng hỗ trợ nhóm đối tượng khó tiếp cận. Phải công khai minh bạch, làm cho người dân tin tưởng những tiện ích do Đề án mạng lại bằng những việc làm, kết quả cụ thể như cam kết thời gian chính xác giải quyết các thủ tục hành chính, tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức, tiền bạc của người dân, thậm chí có thể tính tới những chính sách cụ thể để thu hút, khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công, như là miễn giảm lệ phí...
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phát biểu
Cũng theo bà Trinh, TPHCM là trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới - sáng tạo, là đầu tàu kinh tế của quốc gia, là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, cải cách hành chính, đặc biệt trong thực hiện Đề án 06 thời gian qua đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào. Thành phố đặt mục tiêu hướng đến trở thành đô thị thông minh, với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số…
Các đại biểu tham dự tọa đàm
Cơ hội "vàng" để phát triển, bứt phá
Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, Cố vấn Cấp cao Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM cho biết, thời gian qua "chiến dịch" thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến đã tạo ra khí thế sôi nổi trên cả nước, nhất là đối với lực lượng Công an. Việc thực hiện Đề án 06 đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Tuy nhiên vẫn cần thêm những “cú hích” lớn hơn nữa để kích thích sự quan tâm của toàn xã hội, đồng thời để bắt kịp xu hướng của thế giới; làm sao để thu hút hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các giới.
Chuyển đổi số được xem như một thời cơ, một cơ hội để phát triển, bứt phá, là trào lưu chung của thế giới. Chúng ta cần phải tận dụng cơ hội "vàng" này, làm cho chuyển đổi số trở thành nhận thức chung, lan tỏa rộng rãi trong xã hội, có như vậy mới tạo được sự đồng thuận chung trong toàn thể nhân dân.
Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện nêu ý kiến
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, cần làm tốt công tác tuyên truyền hơn nữa. Tuyên truyền phải là chủ đạo, làm sao phải chỉ ra được tiện ích thiết thực của chuyển đổi số đối với cuộc sống hàng ngày, từ những sinh hoạt đến công việc làm ăn, giao dịch hợp đồng...; chỉ ra cho người dân thấy sự tiết kiệm thời gian, chi phí... Nhất là phải chỉ ra được lợi ích trong môi trường số có tài nguyên vô tận, có thể khai thác được, làm sao để từ ứng dụng VNeID có thể thấy được bức tranh toàn diện về xã hội số, thấy được đời sống thực ở trong đó.
Chung góc nhìn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, cần phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, nắm bắt thời cơ nhanh hơn nữa, nếu còn tâm lý e dè, hoài nghi thì sẽ vuột mất cơ hội "vàng". Lực lượng trẻ với sự nhanh nhạy, thích ứng tốt sẽ là nòng cốt cho chuyển đổi số thành công. Vấn đề nữa là cần có giải pháp để người dân tiếp cận về chuyển đổi số một cách thuận lợi, có kiến thức, kỹ năng, như vậy chúng ta phải tập huấn, hướng dẫn, nhất là đối với những người dân không có điều kiện thuận lợi tiếp cận công nghệ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung tại buổi tọa đàm
Riêng ngành BHXH, bà Dung cho biết, chuyển đổi số được xác định là mục tiêu hàng đầu, nên trong việc thực hiện Đề án 06 rất thuận lợi. Đến nay, về kết nối cơ sở dữ liệu, tính đến ngày 12/9/2023, ngành BHXH đã thực hiện đồng bộ ĐDCN/CCCD của 7.208.710/7.797.926 người tham gia, đạt 92,5%; công tác triển khai thí điểm sử dụng CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh BHYT với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi KCB bằng CCCD là 7.095.324 thẻ; số lượng cơ sở KCB đã sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh là 385/399 cơ sở; số lượng công dân sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh là 5.486.279 người...
Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, đối với 25 thủ tục hành chính thiết yếu, ngành BHXH được giao nhiệm vụ quan trọng, rất có ý nghĩa trong đảm bảo thực hiện an sinh xã hội, và hiện nay ngành đã triển khai thực hiện, đó là: Liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí.
Đặc biệt, ngành BHXH đã triển khai thí điểm tiện ích đặt lịch làm việc với cơ quan BHXH tại bộ phận “Một cửa” của BHXH TPHCM. Đây là một trong những tiện ích được ngành BHXH triển khai theo Đề án 06, tính đến ngày 12/9/2023, đã nhận 58.872 lượt người đặt lịch...
Sớm đưa vào sử dụng xác thực bằng sinh trắc học
Tại tọa đàm, ông Trần Phúc Hồng, Phó Chủ tịch Liên minh Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam nhấn mạnh, TPHCM là địa phương đi đầu trong nhiều phong trào, vì vậy người dân kỳ vọng chuyển đổi số sẽ được TP triển khai toàn diện, đầy đủ, nhanh hơn trong thời gian tới. Ông Hồng cũng khẳng định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thế giới, thực hiện càng sớm, càng nhanh càng tốt. Cái gì mới thì cũng cần thời gian để thích ứng, làm quen. Sau dịch Covid-19 thì người dân càng quen dần với chuyển đổi số, làm việc qua mạng. Tuy Việt Nam đi sau nhưng chúng ta đang có thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chính sách đã có, cơ sở hạ tầng, con người đã sẵn sàng, nên chúng ta cần phải thực hiện chuyển đổi số triệt để, có như vậy mới theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới.
Cũng theo ông Trần Phúc Hồng, các doanh nghiệp số Việt Nam đã có quá trình phát triển khá tốt, họ sẵn sàng chia sẻ công nghệ, giải pháp với các cơ quan, đơn vị, hỗ trợ về đào tạo để thúc đẩy nhanh xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Ông Trần Phúc Hồng góp ý kiến
Còn ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Đào tạo An ninh mạng Athena cho biết, hiện còn không ít doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực CNTT chưa tham gia nhiều trong tiến trình chuyển đổi số. Ông cho rằng phải có tác động hiệu quả với khối doanh nghiệp này để họ hiểu rõ và tích cực tham gia chuyển đổi số. Và đối với người dân cũng vậy, hiện một bộ phận người dân còn đang thiếu thông tin, hoặc chưa thấy được những tiện ích, quyền lợi của họ do Đề án 06 mang lại. Do đó, các cơ quan chức năng cần có những số liệu thống kê, đánh giá cụ thể để doanh nghiệp và người dân hiểu rõ và tham gia tích cực, như khi tham gia thực hiện thủ tục trực tuyến thì họ tiết kiệm được bao nhiêu tiền, công việc được giải quyết nhanh hơn bao nhiêu ngày...
Cũng theo ông Thắng, thời gian qua, việc người dân bị lừa đảo qua mạng rất nhiều, vì vậy họ muốn các cơ quan chức năng phải hỗ trợ, bảo vệ họ nhiều hơn nữa, nhất là trong những trường hợp cấp bách. Do đó cần đẩy mạnh, sớm đưa vào sử dụng xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, mống mắt, khuôn mặt…) để định danh chính xác, phòng tránh việc mạo danh để thực hiện các ý đồ xấu. Ông Thắng cũng cho rằng việc để các doanh nghiệp, toàn xã hội cùng chung tay tham gia, đồng hành với các cơ quan nhà nước trong đảm bảo an ninh, an toàn mạng cần khuyến khích nhiều hơn nữa.
Ông Võ Đỗ Thắng hiến kế tại tọa đàm
Tình trạng nghẽn, lỗi mạng đã được khắc phục
Tại tọa đàm, Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TPHCM cho biết, việc triển khai thực hiện Đề án 06, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Các hoạt động giao dịch được "số hóa" từ phương thức thực hiện thủ công sang thực hiện trên môi trường điện tử, bảo đảm chính xác, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn do được xác thực với Cơ sở dư liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở các thông tin, giấy tờ về cá nhân được tích hợp trên CCCD gắn chíp, tài khoản định danh điện tử và được khai thác sử dụng qua ứng dụng VNeID. Cùng với đó, việc chính quyền các cấp đưa các thủ tục hành chính lên cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng giúp việc giao dịch, giải quyết được nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm.
Thượng tá Hồ Thị Lãnh đến tham dự tọa đàm
Với tài khoản định danh điện tử, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử gắn với các hệ sinh thái chữ kỹ số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử... tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Với các tổ chức tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử... kết nối, sử dụng các ứng dụng của Hệ thông định danh và xác thực điện tử thì các tài khoản người dùng đều được xác thực bảo đảm đúng với danh tính của từng công dân, tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, gian lận, lừa đảo trên không gian mạng...
Thượng tá Lãnh nhấn mạnh, hiện nay tình trạng nghẽn, lỗi mạng, không truy xuất được dữ liệu đã cơ bản được khắc phục, kết nối hệ thống đã thông suốt, vì vậy việc giải quyết các thủ tục hành chính trở nên nhanh và thuận lợi, được người dân, doanh nghiệp đánh giá rất cao. Ban Chỉ đạo Đề án 06 của TP và Ban Giám đốc CATP đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, khi có phản ánh lập tức chỉ đạo xử lý ngay để đảm bảo công tác phục vụ nhân dân.
Tính đến ngày 10/9/2023, Công an TPHCM đã thu nhận 7.547.590 hồ sơ đề nghị cấp CCCD gắn chíp điện tử, đã truyền dữ liệu về C06 được 7.486.927 hồ sơ, đã tiếp nhận 6.409.471 thẻ CCCD từ Cục C06 và đã trả 6.399.881 thẻ CCCD đến người dân (đạt 99,9%); CATP cũng đã cấp 4.499.778/5.454.179 tài khoản định danh điện tử mức 2 cho công dân (đạt 82,5%), đã có 2.768.461 tài khoản được kích hoạt.
Hiện nay việc tích hợp thẻ BHYT thay thế bằng thẻ CCCD gắn chíp điện tử đã được triển khai tại 383/394 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố, đạt 97,2% giúp tiết kiệm tiền in thẻ BHYT giấy; số lượng CCCD đã được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng CCCD là 7.041.057 thẻ; số lượng công dân sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh là 4.839.459 người; số lượng công dân sử dụng thẻ CCCD khám chữa bệnh tra cứu có thông tin là 3.876.959 người.
Ngoài ra, các đơn vị đã chủ động thực hiện chi trả an sinh xã hội dưới hình thức không dùng tiền mặt, như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai đăng ký chi trả trợ cấp ưu đãi qua tài khoản cá nhân (ATM) đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng, đến nay đã thực hiện tổng hợp 6.399/37.393 lượt người đăng ký nhận tiền trợ cấp ưu đãi thông qua thẻ ATM. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế đã triển khai thanh toán các khoản không dùng tiền mặt tại trường học và bệnh viện trên toàn Thành phố (đạt tỷ lệ 100%)...
Trung tá Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng Công an phường Hiệp Bình Phước
Hỗ trợ bất cứ khi nào người dân có yêu cầu
Tham gia tọa đàm với tư cách tiếng nói từ cơ sở, Trung tá Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng Công an phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức cho rằng việc đưa Đề án 06 với nhiều yếu tố mới vào cuộc sống bước đầu không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Vấn đề là chúng ta phải nhìn nhận ra những khó khăn, để từ đó có giải pháp khắc phục ngay để phục vụ nhân dân tốt hơn. Vẫn còn một bộ phận người dân chưa rành về công nghệ, đặc biệt là ở các khu vực ngoại thành, nông thôn, người lớn tuổi... Và công việc của chúng tôi là luôn phải tăng cường, thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ những việc mà bà con chưa rành, còn thắc mắc, bất cứ khi nào họ có yêu cầu. Tôi cho rằng từng tổ chức, cá nhân phải nhận ra trách nhiệm của mình để cùng chung tay, góp sức thực hiện, như vậy mới đạt kết quả như mong muốn. Trung tá Hải cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, riêng phường Hiệp Bình Phước đã giải quyết hơn 7.000 hồ sơ cho người dân qua mạng.
Góp ý tại tọa đàm ở góc độ công tác tuyên truyền, Trung tá, TS Nguyễn Duy Trung, Trưởng ban Phóng viên - Ban Chuyên đề CATP cho biết, có thể khẳng định những kết quả đạt được trong hơn một năm rưỡi thực hiện Đề án 06 là rất tích cực và khá toàn diện. Để đạt được kết quả khả quan như vậy trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án có sự đóng góp không nhỏ của công tác thông tin, tuyên truyền luôn được đẩy mạnh, sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó tạo sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp.
Trung tá, TS Nguyễn Duy Trung phát biểu tại tọa đàm
Đặc biệt, đối với đội ngũ báo chí, vốn luôn nhanh nhạy với những cái mới, thì chuyển đổi số đã thu hút sự quan tâm rất lớn, được tuyên truyền với mật độ dày, đề cập đến tất cả những vấn đề người dân quan tâm. Đồng thời, báo chí cũng nhìn nhận trách nhiệm của mình đối với một xu thế mới đang là chủ đạo, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ thực hiện với tinh thần vì quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của đất nước.
Theo Tiến sĩ Trung, Chuyên đề CATP là một trong những cơ quan báo chí thực hiện công tác tuyên truyền chuyên sâu sớm nhất về Đề án, ngay từ tháng 3/2022 báo đã mở chuyên mục về Đề án 06 trên cả báo in và báo điện tử, và gần như ngày nào cũng có tin, bài tuyên truyền. Đặc biệt đã tổ chức thực hiện nhiều loạt bài về công tác chuyển đổi số, Đề án 06, những tiện ích ghi nhận từ thực tiễn mà người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng, nhiều loạt bài ghi nhân sự nỗ lực, quyết tâm bất kể ngày đêm của các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an trong thực hiện Đề án, phục vụ nhân dân..., qua đó đã đóng góp một phần công sức giúp nâng cao nhận thức, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện Đề án.
Nhà văn, nhà báo Lại Văn Long nêu ý kiến tại tọa đàm
Tại tọa đàm, nhà văn, nhà báo Lại Văn Long, Tổ trưởng Tổ Phóng viên Chuyên đề - Ban Chuyên đề CATP cho biết, hết sức tin tưởng vào Đề án 06, đồng thời nhấn mạnh, những năm tới, khi tổng kết 40 năm đổi mới, thì Đề án 06 sẽ là một thành tựu lớn của thời kỳ đổi mới, là cơ sở để làm một cuộc cách mạng về cải cách hành chính. Người dân Việt Nam rất trông đợi và tự hào, mở ra thời kỳ hành chính thuận tiện và văn minh, tự hào về đất nước mình. Anh cho biết thêm, thời gian qua đã chứng kiến lực lượng Công an làm việc vì nhân dân hết sức tận tâm, làm ngày làm đêm để thực hiện Đề án 06, khiến người dân vừa ngưỡng mộ, vừa thương yêu, gắn bó chặt chẽ tình quân - dân...
Phát biểu bế mạc tọa đàm, Đại tá, PGS.TS Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM trân trọng cảm ơn các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều ý kiến, kiến kế, đề xuất tâm huyết. Các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận về những vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm, như an ninh, an toàn mạng, việc đồng bộ, chia sẻ, kết nối các dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia; về hạng tầng công nghệ thông tin, đường truyền phục vụ Đề án… Qua đó đề xuất, hiến kế nhiều giải pháp hay, được đánh giá mang tính khả thi cao.
Đại tá, PGS.TS Bùi Ngọc Giáp phát biểu
Các vị khách mời cũng đã trao đổi rất nhiều để góp ý cho việc nâng cao công tác thông tin tuyên truyền, làm sao để mọi người dân đều hiểu rõ, nhận thức đúng, đầy đủ về Đề án 06, chuyển đổi số, đặc biệt là những lợi ích thiết thực người dân được thụ hưởng, qua đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ cho chiến lược xây dựng công dân số, xã hội số...
Ban tổ chức cùng các đại biểu chụp hình lưu niệm
Đại tá Bùi Ngọc Giáp cũng cho biết, như đã khẳng định trong phát biểu khai mạc, tất cả những tham luận, đề xuất, hiến kế của các đại biểu và ý kiến trao đổi hôm nay, BTC sẽ tổng hợp chi tiết thành báo cáo, thông tin tuyên truyền trên báo chí, cũng như gửi cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tham khảo và có thể ứng dụng vào thực tiễn triển khai thực hiện Đề án.