Đề án 06 với chuyển đổi số và cải cách hành chính: Hướng đến sự bứt phá mạnh mẽ (bài 2)

Thứ Sáu, 15/09/2023 08:20

|

(CATP) Sáng nay (từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 30, ngày 15/9/2023), Ban Chuyên đề Công an TPHCM tổ chức chương trình tọa đàm "Đề án 06 với chuyển đổi số và cải cách hành chính". Khẳng định chuyển đổi số quốc gia đã và đang tạo sự bứt phá mạnh mẽ với "3 thế chân kiềng", đó là Chính phủ số - Kinh tế số và Xã hội số. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược đó là chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội

Đến dự chương trình tọa đàm "Đề án 06 với chuyển đổi số và cải cách hành chính", có đại diện Sở TT-TT; đại diện Ban Giám đốc Công an TPHCM; Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, Cố vấn Cấp cao Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM; Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TPHCM; Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM; Thạc sĩ Trần Phúc Hồng, Phó Chủ tịch Liên minh Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ TMA; Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn và đào tạo An ninh mạng Athena; Trung tá, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng Công an phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức; Ông Đinh Anh Tuấn, Chuyên viên Phòng Báo chí, Sở TT-TT TPHCM.

Ban Tổ chức chương trình tọa đàm, gồm: Đại tá, PGS.TS Bùi Ngọc Giáp (Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM, Trưởng Ban Tổ chức chương trình tọa đàm, chủ trì buổi tọa đàm), Thượng tá Mai Văn Em (Phó trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM, Tổ phó Tổ tuyên truyền thực hiện Đề án 06 Công an TPHCM), Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi (Phó trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM), Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Duy Trung (Trưởng Ban Phóng viên - Ban Chuyên đề Công an TPHCM) và Thiếu tá Tống Minh Tân (Phó trưởng Ban phụ trách Ban Báo điện tử - Ban Chuyên đề Công an TPHCM). Đến dự, đưa tin, theo dõi chương trình tọa đàm còn có phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, cùng một số người dân và CBCS Ban Chuyên đề Công an TPHCM.

Sau thời gian triển khai thực hiện Đề án 06, với sự quyết tâm, nỗ lực cao nhất của 4 cấp chính quyền (Trung ương, cấp tỉnh, huyện, xã) và các Bộ, ban ngành, trong đó đặc biệt là Bộ Công an với vai trò là cơ quan thường trực, chủ công đã vào cuộc một cách quyết liệt. Đến nay, việc triển khai thực hiện Đề án 06 đã đạt được những kết quả rất đáng kích lệ, phục vụ đắc lực cho chuyển đổi số quốc gia, cải cách hành chính, được người dân, doanh nghiệp đánh giá rất cao, đồng tình ủng hộ. Nhằm làm rõ hơn và khẳng định sự cần thiết, cấp bách của Đề án 06 là mũi nhọn, khâu đột phá trong chuyển đổi số và cải cách hành chính; đồng thời qua đó đưa ra những hiến kế, góp ý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khi triển khai thực hiện Đề án 06, để thực sự đưa người dân, doanh nghiệp vào trung tâm của sự phục vụ và được thụ hưởng những tiện ích tốt nhất do Đề án mang lại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TPHCM, Ban Biên tập Chuyên đề Công an TPHCM tổ chức chương trình tọa đàm "Đề án 06 với chuyển đổi số và cải cách hành chính".

Tổ CBCS lưu động đến mọi nơi để thực hiện cấp CCCD cho người dân

Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu, đặc biệt sau thời gian đại dịch Covid-19 quá trình chuyển đổi này càng diễn ra quyết liệt, mạnh mẽ, với tốc độ nhanh hơn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, chuyển đổi số lại nổi lên như một xu hướng chủ đạo và được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm. Do vậy, việc nhanh chóng, quyết liệt trong chuyển đổi số, cải cách hành chính ở nước ta là hoàn toàn phù hợp với xu thế, nhất là còn phải đẩy nhanh hơn, mạnh và sớm hơn các quốc gia khác, tận dụng triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để vượt lên. Đó cũng chính là lý do chỉ trong một thời gian ngắn, với sự quyết tâm, nỗ lực rất cao, với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", "vượt lên chính mình", Chính phủ, với chủ công là Bộ Công an đã thực hiện thành công hai dự án đặc biệt quan trọng là xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp CCCD gắn chíp điện tử, từ đó tạo nền tảng cho sự ra đời của "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" - Đề án 06.

Tạo sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình

Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 01/2022, đến nay đã đi được hơn 1/3 chặng đường và được đánh giá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó có nhiều phần việc vượt tiến độ. Tại TPHCM, ngay khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án và triển khai thực hiện, UBND TPHCM đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TPHCM, do đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM làm Trưởng ban; đồng chí Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM làm Phó ban thường trực. Công an TPHCM với vai trò là thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TPHCM, đến nay đã mang lại nhiều kết quả tiêu biểu của TPHCM trong thực hiện Đề án thời gian qua.

Công an xã ở vùng ven TPHCM giúp đỡ bà con kích hoạt tài khoản định danh điện tử

Là ngành có những thành tích tiêu biểu, hàng đầu về chuyển đổi số, cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, được Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao, tại chương trình tọa đàm, đại diện Bảo hiểm xã hội TPHCM cũng sẽ chia sẻ những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án 06 của ngành mình. Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong hơn một năm rưỡi thực hiện Đề án 06 là rất tích cực và khá toàn diện. Để đạt được kết quả khả quan như vậy trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án 06 có sự đóng góp không nhỏ của công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó tạo sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp. Là người luôn trăn trở với công tác thông tin tuyên truyền về Đề án 06, Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Duy Trung, Trưởng ban Phóng viên - Ban Chuyên đề Công an TPHCM thời gian qua đã tham mưu Ban Biên tập, tổ chức thực hiện và giao phóng viên viết tin, bài hàng ngày, đặc biệt là nhiều loạt bài đăng trên báo để tuyên truyền, được Ban Giám đốc Công an TPHCM đánh giá rất cao.

Bên cạnh đó, chương trình tọa đàm cũng xoay quanh vấn đề rất quan trọng đặt ra đối với chuyển đổi số, đó chính là làm sao thay đổi được tư duy, nhận thức, thói quen từ truyền thống sang môi trường mạng; trước tiên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, sau đó là đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ cũng như người dân. Hiện nay, Chính phủ, các cấp chính quyền, bộ, ngành chức năng đang quyết liệt, tích cực đưa Đề án 06 vào cuộc sống một cách sâu rộng. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ những người thực hiện chưa thật sự hiểu rõ được tầm quan trọng, thậm chí còn có ý kiến bàn lùi, cũng như chưa trang bị tốt các kỹ năng, kiến thức để thực hiện trên môi trường mạng.

Công an TPHCM giúp công dân thực hiện cấp CCCD gắn chíp

Ở một khía cạnh khác, để chuyển đổi số thành công, thay đổi phương thức giao dịch thủ tục hành chính và các giao dịch khác từ thủ công, truyền thống sang môi trường điện tử, thì một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu và đặc biệt được người dân, doanh nghiệp hết sức quan tâm, đó là an ninh, an toàn trên môi trường mạng. Vậy việc bảo đảm an ninh, an toàn trên môi trường mạng đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với tiến trình chuyển đổi số và một số nhận xét về an ninh, an toàn mạng ở Việt Nam sẽ được Trung tâm tư vấn và đào tạo An ninh mạng Athena, Tập đoàn Công nghệ TMA, Liên minh doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam lý giải tại tọa đàm lần này; đồng thời chia sẻ những đề xuất, biện pháp để công tác an ninh, an toàn mạng không còn là nỗi lo của các cơ quan chức năng và người dân. Đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đã xây dựng, quản lý và vận hành kho dữ liệu khổng lồ, liên quan đến thông tin cá nhân của hàng chục triệu người, thì việc bảo đảm an ninh, an toàn mạng được đầu tư và triển khai thực hiện cụ thể để khách hàng yên tâm. Những trao đổi thiết thực diễn ra tại chương trình tọa đàm sẽ mang đến những tâm huyết về lĩnh vực an ninh, an toàn mạng - một khâu trọng yếu, mang tính gác cửa, then chốt cho chuyển đổi số.

Tọa đàm cũng lý giải và đưa ra biện pháp khắc phục liên quan đến hệ thống mạng internet để phục vụ chuyển đổi số, cải cách tục hành chính. Một trong những vướng mắc hiện nay mà người dân, cán bộ công chức có lúc, có nơi kêu ca, các cơ quan chức năng cũng đã nhận thấy đây là điểm nghẽn, đó là đường truyền mạng internet có những lúc bị nghẽn, lỗi hoặc không truy xuất được dữ liệu để giải quyết các yêu cầu hành chính của người dân, doanh nghiệp. Hay một trong những điều khiến một bộ phận người dân còn chưa thật sự đồng tình, tin tưởng, ủng hộ việc thực hiện Đề án 06, đó là họ nghe từ những thông tin không chính thức nên hoài nghi, lo lắng về việc bị theo dõi, cho rằng CCCD gắn chíp, tài khoản định danh có thể định vị, theo dõi công dân bất cứ nơi đâu. Về điều này, các cơ quan chức năng của Bộ Công an, thậm chí đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đã nhiều lần khẳng định, không thể theo dõi công dân và nếu theo dõi thì cũng là vi phạm pháp luật. Trong con chíp không có thiết bị phát sóng, phát tín hiệu, không cung cấp năng lượng để thực hiện việc này. Về nguyên lý bình thường cũng không thể làm được. Luận điệu này là do các đối tượng phản động xuyên tạc. Ở góc độ an ninh mạng, chuyên gia cũng sẽ cho biết ngay tại chương trình tọa đàm, để khẳng định một lần nữa là con chíp sử dụng trong CCCD không thể nào định vị, theo dõi... người dân hoàn toàn yên tâm.

(Còn tiếp...)

Đề án 06 với chuyển đổi số và cải cách hành chính: Thiết thực và hiệu quả (bài 1)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang