PHÂN CHIA NHỮNG VÙNG SẢN XUẤT
Theo báo cáo của hội nghị, vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Trong đó có những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Việc phát triển thủy điện quá mức ở thượng nguồn sông Mê Kông làm suy giảm phù sa, thay đổi quy luật dòng chảy. Vùng không còn lũ lớn, xâm nhập mặn vùng ven biển diễn ra sớm hơn từ 1 đến 1,5 tháng và biến động khó lường. Nhiều vùng ven biển đang bị sụt lún từ 1cm đến 2,5cm/năm.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng: "Nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên để phát triển nông nghiệp; biến đổi khí hậu khiến chúng ta chuyển sang phát triển năng lượng tái tạo... Chủ động thích ứng, ĐBSCL có thể tự tạo cơ hội phát triển bền vững cho chính mình. Đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Dự kiến, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tổ chức thẩm định, phê duyệt vào tháng 12 năm nay".
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, Viện Khoa học khí tượng, Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường lo âu: "Nếu nước biển dâng 100cm, khoảng 38% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị ngập. Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%).
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) nhận định: "Các địa phương phải biết tận dụng cơ hội và có cách ứng phó chủ động với biến đổi khí hậu, người dân có thể sống tốt. Tư duy này coi biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại ĐBSCL là điều tất yếu. Từ đó, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo để biến thách thức thành cơ hội phát triển. Nổi bật trong số đó là mô hình chuyển đổi từ lúa - tôm sang tôm thâm canh tại tỉnh Kiên Giang mang lại lợi nhuận cao".
Thu nhập khó khăn do nước lũ không về
Cùng với nhận định trên, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái và môi trường ĐBSCL chia sẻ, Việt Nam xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới nhưng chỉ số an ninh lương thực xếp 54/113 quốc gia. Trong khi Singapore không trồng lúa nhưng là quốc gia đứng đầu thế giới về an ninh lương thực. Suốt thời gian dài, ĐBSCL chạy theo nền nông nghiệp thâm canh, chỉ chú trọng vào số lượng.
"Chúng ta sản xuất 25 triệu tấn lúa nhưng cũng tốn 3 triệu tấn phân bón và 0,5 triệu tấn nông dược, gây ô nhiễm môi trường, đất đai suy kiệt. Cải cách nông nghiệp theo hướng này sẽ giúp phục hồi đất đai, giảm ô nhiễm sông ngòi để có nguồn thay thế nước ngầm, giảm tốc độ sụt lún, giảm xâm nhập mặn, giảm ngập đô thị do thủy triều", Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện khẳng định.
TS Hoàng Ngọc Phong, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển kinh tế, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam khẳng định: "Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng cần thay đổi về tư duy an ninh lương thực, về làm nông nghiệp là cứ phải tập trung làm lúa gạo. Thay vào đó nên hướng đến nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, giá trị cao. Nên giảm diện tích đất canh tác lúa ở mức hợp lý, không đặt mục tiêu trồng lúa để xuất khẩu với giá rẻ, vì nông dân không có lãi và Nhà nước lại phải đầu tư lớn".
Vùng Đồng Tháp Mười thiếu nước trong mùa lũ
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao việc phân chia những vùng cụ thể trong quy hoạch ĐBSCL. Bởi các tỉnh trong vùng sẽ có những lợi thế, cơ hội khác nhau, rủi ro trước biến đổi khí hậu cũng khác nhau. Theo bà Carolyn Turk, Chính phủ Việt Nam không nên hướng đến một quy hoạch vùng hoàn hảo mà phải xem đây là một tài liệu sống, thích ứng linh hoạt và có cơ chế đánh giá, cập nhật, điều chỉnh, sửa đổi...
Ông Ian Hamilton, Quyền trưởng nhóm tư vấn cho Quy hoạch tích hợp nhận định: "Quy hoạch tích hợp định hướng lại nền nông nghiệp và thủy sản trên cơ sở phân vùng sinh thái nông nghiệp và các động lực tự nhiên nhằm sản xuất ra sản phẩm có giá trị cao hơn, đa dạng. Bên cạnh đó giúp bảo tồn sinh khối biển, tăng khả năng giữ nước ở vùng thượng đồng bằng, giảm tốc độ xói lở bờ sông và khai thác nước ngầm".
Các định hướng của quy hoạch vùng sẽ giảm rõ rệt nhu cầu sử dụng nước ngọt do giảm diện tích trồng lúa (diện tích chuyên canh lúa từ 1,6 triệu héc-ta giảm còn hơn 1,4 triệu héc-ta), cây ăn trái lâu năm là 350.000ha, rau màu 330.000ha thì nhu cầu sử dụng nước ngọt tối thiểu là 839,15m3/s. Đây là một trong những ưu điểm lớn nhất của quy hoạch vùng ĐBSCL, giải quyết sức ép do thiếu nước ngọt cho canh tác, từ đó góp phần hạn chế khai thác nước ngầm, giảm sụt lún đất.
KẾT HỢP NHIỀU DỊCH VỤ
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương khẳng định, quy hoạch ĐBSCL 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2050, thay cho việc đề cao thủy sản, sẽ chú trọng phát triển lĩnh vực rau, hoa màu, trái cây và chăn nuôi, xem đây là những lĩnh vực có tiềm năng lớn để tăng trưởng kinh tế vùng, đảm bảo an sinh xã hội phù hợp với tình hình mới. Theo đó, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp từ lúa, thủy sản trước đây được coi là hàng đầu sẽ xếp sau, mặc dù hiện nay rất nhiều địa phương khu vực ĐBSCL vẫn ưu tiên cho phát triển thủy sản.
Sạt lở, sụt lún kinh hoàng đê biển Tây (H.Trần Văn Thời, Cà Mau)
Ông Phương nhấn mạnh: "Cách nhìn nhận, đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp và môi trường đều cho rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, ĐBSCL là vùng chịu tổn thương nhiều. Hình thái thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường thì mô hình kinh tế nông nghiệp từ lúa, thủy sản không còn phù hợp. Mấy năm gần đây, tăng trưởng kinh tế vùng có xu hướng chậm lại so với các vùng khác vì dựa vào nông nghiệp là chủ yếu. Thực tế, lĩnh vực nông nghiệp có tỉ lệ đóng góp cũng như tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với dịch vụ thuộc lĩnh vực công nghiệp. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra đối với vùng là một vùng phát triển và là vùng động lực của cả nước".
Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với các địa phương ĐBSCL về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021. Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta cần nhận thức hạn hán, xâm nhập mặn là vấn đề không thể tránh, chỉ có thể hạn chế, từ nay phải là câu chuyện bình thường trong đời sống của ĐBSCL. Nói là nguy cơ nhưng đồng thời cũng xuất hiện những thời cơ nếu biết ứng phó. Chúng ta cần sống, sinh hoạt, thích nghi với điều kiện và môi trường mới, không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt; bảo đảm sản xuất trong tình hình mới, giữ được cả sản lượng nông nghiệp, cả lương thực xuất khẩu, cả trái cây và thủy sản tại ĐBSCL...
Mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ vườn cần chủ động trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, "tự lo cho mình trước". Nhà nước tập trung chăm lo, hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo đủ tin cậy, thông tin kịp thời về nguồn nước để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Yêu cầu tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là về thời vụ và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước".
Theo quy hoạch, để phát triển vùng ĐBSCL, cần dựa trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng về nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh, phát huy tiềm năng và lợi thế của các ngành kinh tế biển; tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ...
Nhiều đại biểu đề xuất, để làm được điều này, thay cho việc phân tiểu vùng chỉ dựa trên 2 vùng chính là vùng ngọt và vùng mặn trong các quy hoạch trước đây, việc phân tiểu vùng theo dự thảo quy hoạch mới đã được điều chỉnh theo hướng coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên bên cạnh nước ngọt.
Đây chính là điểm mới trong quy hoạch vùng ĐBSCL trong những thập niên tới. Bộ KHĐT đã tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, đa số ý kiến thống nhất cần phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có khả năng chống chịu thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước theo phương châm "sống chung với nước ngọt, nước lợ và nước mặn"