Nhiều ĐBQH đồng ý với đề xuất tiếp tục chính sách giảm thuế VAT 2%

Thứ Năm, 28/11/2024 17:27  | Mai Hà

|

(CAO) Chiều 28/11, tại Nhà Quốc hội (QH), tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn, QH tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Tờ trình về dự án Nghị quyết của QH về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày cho biết, thời gian qua nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được triển khai thực hiện với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng, góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực thì cũng tồn tại không ít thách thức, rủi ro có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2025 (kế hoạch là 6,5 - 7%). Do đó, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng.

Cũng theo tờ trình, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ thời gian qua và từ kết quả đạt được từ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho thấy, cần tiếp tục thực hiện chính sách này nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình tại phiên họp

Nghị quyết này điều chỉnh đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản… Thời gian áp dụng Nghị quyết là từ ngày 1/1/2025 đến hết 30/6/2025.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày nêu rõ, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ.

Từ đó, có thể kích cầu tiêu dùng, duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế.

Một số ý kiến không đồng tình với việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và cho rằng, chính sách này đã được ban hành và thực hiện từ năm 2022 trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19; việc ban hành và thực hiện chính sách chỉ nên được coi là giải pháp tình thế trong khoảng thời gian nhất định để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp…

Ủy ban cũng nhất trí với phạm vi áp dụng chính sách và thời hạn áp dụng chính sách theo đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, để hướng tới sự ổn định và tính dự báo của hệ thống chính sách thuế giá trị gia tăng; đồng thời, bảo đảm đồng bộ với hiệu lực thi hành dự kiến đang được quy định trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đề nghị Chính phủ bảo đảm thời hạn chấm dứt hiệu lực thực hiện của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng như được trình tại Kỳ họp này, không tiếp tục đề nghị kéo dài thời gian thực hiện của chính sách.

Đa số các ĐBQH tán thành việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên họp

Phát biểu góp ý tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 dự kiến đạt trên 7% thì cần có những giải pháp quyết liệt để giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh. Và từ những kết quả của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% từ năm 2022 đã mang lại lợi ích rõ rệt cho thấy việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% là đúng đắn.

Đồng tình quan điểm, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) lưu ý, giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp ngắn hạn nhưng cần có các biện pháp đồng bộ, dài hạn nhằm cải thiện năng lực sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa và đặc biệt là tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng và triển khai các biện pháp nhằm tăng cường thu ngân sách từ các nguồn thu khác ngoài thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có thể tận dụng tối đa chính sách này khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất kinh doanh…

Còn ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) kiến nghị, nên kéo dài thời gian của Nghị quyết lên 1 năm thay vì 6 tháng như đề xuất của Chính phủ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang