Cuộc 'cách mạng' tinh gọn
Theo ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh), đây là thời điểm thích hợp để thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, nhất là khi chuẩn bị bước vào Đại hội Đảng các cấp. Theo đó, để chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới, một giai đoạn mới với rất nhiều nội dung đột phá như Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến là "kỷ nguyên vươn mình" của dân tộc, thì đi đầu luôn là các chủ trương của Đảng và các quyết sách được thông qua tại Đại hội Đảng các cấp.
ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy chia sẻ bên lề Quốc hội
Nữ ĐB cho rằng, điều phải làm ngay là sắp xếp lại bộ máy. Đây không chỉ là sự đổi mới mà có thể xem là "cách mạng", bởi với chủ trương này, đất nước sẽ chuyển sang giai đoạn mới. Muốn thực hiện được các mục tiêu đề ra, thì tổ chức bộ máy Nhà nước cũng phải theo kịp với sự phát triển của thế giới…
"Tổng Bí thư đã nói tham nhũng và lãng phí là hai mối lo lớn, gây ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Nếu muốn tập trung để đạt được những mục tiêu lớn đã đề ra thì phải thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc thực hiện ngay sắp xếp, tổ chức bộ máy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lấy lại niềm tin của nhân dân", nữ ĐB chia sẻ.
Có phương án phù hợp với từng ngành nghề, từng địa phương
Bày tỏ tâm đắc với bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) khẳng định, tinh gọn là một chủ trương đúng. Đảng ta đã có nhiều văn bản, nghị quyết liên quan đến tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng của bộ máy. Ông Ngân cho rằng, đây là vấn đề đòi hỏi phải tính toán một cách hết sức kỹ lưỡng và phải phù hợp với từng ngành nghề, từng địa phương.
ĐB Trần Hoàng Ngân
Vị ĐB cũng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất là con người phải được sử dụng một cách hiệu quả. Do đó, ĐB ủng hộ việc tinh gọn của bộ máy theo hướng hiệu quả, hiệu lực...
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, để tinh gọn bộ máy, trước tiên phải đánh giá, rà soát, mô tả lại công việc, chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng phòng ban, từng tổ chức bộ máy, từng cán bộ… từ đó lên một phương án tổng thể theo chỉ đạo của Tổng Bí thư.
"Chúng ta cũng cần lưu ý quy mô kinh tế, quy mô dân số của đất nước. Trong thời gian qua, bộ máy/đội ngũ cán bộ vẫn giữ đúng quy mô trong khi dân số tăng cao hơn, đặt ra yêu cầu về tinh giảm. Thực hiện chủ trương này cần có một quyết tâm chính trị rất cao", ông Ngân bày tỏ.
Cần tập trung tinh gọn các cấp trung gian
ĐB Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) cho rằng rất ấn tượng với bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm với các nội dung quan trọng trong việc đổi mới toàn bộ các nội dung liên quan đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó có nội dung liên quan đến tinh gọn bộ máy.
ĐB Leo Thị Lịch chia sẻ bên lề Quốc hội
Theo nữ ĐB, thời quan qua, thực hiện Nghị định của Chính phủ tinh giảm 10% biên chế hàng năm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị hành chính. Trong quá trình tổ chức thực hiện, mặc dù đã giảm đúng tỷ lệ 10% như yêu cầu nhưng mới chỉ tập trung vào hai lĩnh vực là ngành giáo dục và ngành y tế. Trong khi đó, theo tỷ lệ dân số của Việt Nam, dân số tăng, ngành giáo dục, ngành y tế cần tăng để đủ số lượng đáp ứng yêu cầu giáo dục và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, do đó nếu chỉ tập trung giảm biên chế ở hai lĩnh vực này chưa hợp lý.
Thời gian qua, việc tinh giản chủ yếu tập trung ở cấp xã, cấp huyện, nhưng cấp trung gian cao hơn là cấp bộ, ngành thực hiện vẫn chưa nhiều. Vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới, cần khẩn trương thực hiện để đảm bảo hài hòa công việc, đáp ứng nhu cầu đổi mới, nhất là việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Phải có cơ chế để những người không đủ năng lực nghỉ việc
ĐB Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, chủ trương về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay.
Theo đó, tất cả các đơn vị, bộ, ngành và các khâu trung gian trong công tác tham mưu phải sắp xếp, tinh gọn lại và hướng về cơ sở, để bộ máy cấp trên và cơ sở phải có sự thống nhất trong công tác điều hành.
Theo ĐB, tinh gọn ở cơ sở cũng phải tùy vào tình hình ngành nghề chứ không thể chia tỉ lệ, cào bằng như hiện nay. Tinh giảm kiểu cơ học khi chưa có chính sách để đánh giá thực tế cán bộ là nguyên nhân khiến bộ máy rất cồng kềnh.
ĐB Hồ Thị Minh cho rằng phải quyết liệt rà soát, có một cơ chế để cho những người không đủ năng lực nghỉ việc
Bà Minh nêu ví dụ, đối với ngành giáo dục, chúng ta không thể cứ tinh giảm hàng năm 10% mà phải tùy thuộc vào tỷ lệ học sinh. Đặc biệt, quan điểm của Đảng là nơi nào có học trò, nơi đó phải có giáo dục, phải có giáo viên.
"Hay tại một số bộ, ngành, tôi cũng được thông tin rằng, nếu tinh gọn thêm khoảng vài ba chục cán bộ thì vẫn hoạt động một cách thông suốt. Vậy thì ngay sau chỉ đạo của Tổng Bí thư, chúng ta phải quyết liệt rà soát, phải có một cơ chế để cho những người không đủ năng lực nghỉ việc", ĐB Hồ Thị Minh chia sẻ.
Nữ ĐB kỳ vọng, quá trình đánh giá sẽ được thực hiện quyết liệt hơn nữa để thật sự "tinh" và cả trí tuệ trong bộ máy để thật sự đem lại hiệu quả.