Kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam (12-7-1946 - 12-7-2017)

Cuộc đấu trí sinh tử

Thứ Tư, 12/07/2017 09:27

|

(CAO) Trung tướng Lê Ngọc Nam, nguyên Trưởng phòng Tình báo Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Giám đốc CATP Đà Nẵng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Bộ Công an - là người chiến sĩ an ninh dạn dày kinh nghiệm. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, gìn giữ bình yên cho đất nước, ông đã cùng đồng đội vượt qua bao gian khổ hiểm nguy, lập nên bao kỳ tích oai hùng, trong đó cuộc đấu trí căng thẳng nhưng rất kiên quyết và khôn khéo với bọn đầu sỏ của tổ chức phản động Hoàng Cơ Minh vào cuối thập niên 80 của thế kỷ 20 là một chiến công chói lọi.

Trong những năm 1984 - 1988, bọn phản động “Mặt trận Quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” do Hoàng Cơ Minh cầm đầu tổ chức xâm nhập từ Thái Lan về Việt Nam theo đường Campuchia và Lào. Địa cứ chúng chọn là các tỉnh miền Trung, trong đó Quảng Nam - Đà Nẵng là địa bàn trọng điểm. Tháng 6-1986, Dương Văn Tư cầm đầu nhóm vũ trang có 60 tên từ Thái Lan vượt sông Mê Kông qua Lào về Việt Nam. Nhưng mới đặt chân lên địa phận Lào, chúng đã bị bộ đội Lào và Việt Nam chặn đánh, tên Tư bị tiêu diệt, số còn lại tháo chạy về Thái Lan.

Một tháng sau, đích thân Hoàng Cơ Minh chỉ huy chiến dịch Đông Tiến II, xâm nhập về Việt Nam một lần nữa. Đến Xalavan, chúng bị bộ đội Lào và Việt Nam phát hiện nổ súng tấn công, Hoàng Cơ Minh và một số tên bị tiêu diệt, số còn lại cuống cuồng tháo chạy.

Sau các đợt “trở về quê hương” thất bại, các chỉ huy đầu sỏ bị tiêu diệt, nhưng với dã tâm chống phá điên cuồng, những tên đồng bọn có máu mặt tiếp tục củng cố, bổ sung lực lượng và tiếp tục hoạt động. Tháng 3-1987, chúng lập cứ tại Trà Càn, Phục Bổn giáp Lào, một bộ phận đóng tại Đăng Rêch giáp với Campuchia, tiến hành Chiến dịch Đông Tiến III với quy mô lớn.

Nắm được tình hình này, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Tình báo lên phương án, kế hoạch “rập chim”, được lãnh đạo bộ phê duyệt và lãnh đạo Tổng cục 5 chỉ đạo, hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất để đánh án. Trong một thời gian ngắn, được sự giúp đỡ nhiệt tình của các ngành: Giao thông vận tải, Du lịch..., Phòng Tình báo đã thiết lập được mạng lưới trinh sát an ninh sát nách bọn chúng, đồng thời thiết lập đường dây thông tin liền mạch từ các trinh sát địa bàn về đến đơn vị.

Ngày 24-8-1989, trinh sát báo về: từ ngày 28-8, bọn “Mặt trận Quốc gia thống nhất” sẽ vượt sông Mê Kông qua Lào xâm nhập về Việt Nam với quân số 67 tên, chia làm 2 Quyết đoàn 1419, 2589, do Trần Quang Đô chỉ huy. Kế hoạch “rập chim” được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ của Công an và các lực lượng vũ trang Lào. Do bọn chúng vượt sông sớm hơn dự định, nên chúng ta chưa kịp sang thì Công an và các lực lượng vũ trang Lào đã chủ động “tiếp đón” chúng. Cũng như những lần trước, khi đặt chân lên lãnh thổ Lào chúng đã bị các lực lượng vũ trang phối hợp chặn đánh. Lãnh đạo tỉnh Xalavan đã huy động bộ đội địa phương, dân quân du kích trang bị vũ khí tổ chức bao vây. Bạn sử dụng cả máy bay trực thăng bay lượn truy lùng, uy hiếp khiến chúng hoang mang bối rối, tìm đường trốn thoát nhưng đã bị tiêu diệt và bắt sống, trong đó có tên cầm đầu Trần Quang Đô và Kiều Việt Dũng.

Ngày 17-9-1989, đoàn công tác đặc biệt do Phó giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hạnh Kiểm dẫn đầu, khẩn trương sang Lào đấu tranh khai thác Trần Quang Đô, Kiều Việt Dũng và đồng bọn.

Trung tướng Lê Ngọc Nam nhớ lại: “Công an Lào cho biết, Trần Quang Đô rất ngoan cố, không khai báo. Chiều dần tàn, tôi đến buồng giam đứng ngoài quan sát thái độ của y. Trần Quang Đô là người nhỏ bé nhưng có vẻ lì lợm. Trả lời câu hỏi về việc ăn uống, ngủ nghỉ, hắn bảo ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc, có điều hay thèm thuốc lá. Gọi cho Đô chai nước suối, một gói thuốc lá 555, động viên hắn giữ gìn sức khỏe, tôi bước ra khỏi phòng.

Trần Quang Đô thốt lên: “Cán bộ không hỏi gì thêm à?”. Tôi nói: Việc tổ chức và xâm nhập của các anh, chúng tôi đã nắm rất rõ rồi, cần gì phải hỏi nữa. Thấy hắn tỏ vẻ ngạc nhiên, tôi tấn công đòn quyết định: Nếu không nắm rõ về tổ chức và âm mưu hoạt động của các anh thì 2 lần trước chúng tôi và các lực lượng vũ trang Lào làm sao “bắt sóng” các anh được. Nếu anh còn chút dũng khí đàn ông, dám làm dám chịu thì suy nghĩ thật kỹ trước khi nói ra sự thật về cuộc đời mình, về hành vi phản bội quê hương của mình và đồng bọn. Tôi quay gót sau khi nghe tiếng “dạ” tỏ vẻ thành khẩn của Trần Quang Đô.

Sáng hôm sau, tôi đến. Chưa vội khai thác, tôi đưa cho Trần Quang Đô một xấp giấy, một cây viết. Anh hiểu ý tôi chứ - tôi nói. Dạ hiểu, hắn đáp. Tôi rời phòng giam. Hai tiếng đồng hồ sau, tôi quay lại thì Trần Quang Đô đã đặt xấp giấy 15 trang chi chít chữ lên bàn và nói: “Thưa cán bộ, tôi đã khai hết, tất cả đều đúng sự thật”. Tôi lướt qua từng trang giấy thì quả đúng là Trần Quang Đô đã không giấu điều gì, và khai rất chi tiết, trùng khớp với tài liệu ta đã thu được trước đó.

Tôi hỏi sâu một số vấn đề, Trần Quang Đô khai rằng, chuyến xâm nhập lần này, chúng sẽ cho quân bám vùng ven rừng núi từ Quảng Trị đến Quảng Nam - Đà Nẵng để móc nối với lực lượng đã có căn cứ trong nước, nếu không móc được thì tự lập căn cứ hoạt động. Sau đó từng toán nhỏ xuống đồng bằng trà trộn vào dân để hoạt động, xây dựng cơ sở trong số sĩ quan, binh lính, công chức Sài Gòn cũ và các thành phần bất mãn với chế độ để phát triển lực lượng, chờ thời cơ nổi dậy. Chúng nhận định, khoảng năm 1991 - 1992 là thời cơ đến, chúng sẽ phá hoại cầu cống, nhà máy, xí nghiệp, nhà máy điện để gây tiếng vang cho lực lượng kháng chiến, ám sát cán bộ - nhất là Công an để uy hiếp... Đô còn khai rõ tên tuổi những kẻ cầm đầu, thành phần toán xâm nhập, phương thức, thủ đoạn hoạt động... Tuy nhiên sự nhạy bén của người chiến sĩ an ninh không cho phép tôi dừng lại ở những lời khai có vẻ thành khẩn này. Tôi hỏi Trần Quang Đô: Các anh và người trong nước không biết nhau làm sao liên lạc trực tiếp và lấy gì làm tin? Anh mới chỉ thành khẩn một nửa. Bị điểm trúng huyệt, Trần Quang Đô tái mặt, rồi gục xuống. Một lát sau, hắn ngước lên xin lỗi và khai thêm tường tận. Thế là những địa điểm, tín hiệu làm tin, mật khẩu liên lạc với nhau trong nội địa và một số vấn đề khác đã được Đô khai rõ.

Sau khi đấu tranh với Trần Quang Đô, Kiều Việt Dũng và đồng bọn, chúng tôi khẩn trương tổng hợp tình hình báo cáo về Ban giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo Tổng cục 5 và lãnh đạo Bộ. Từ báo cáo trên, lãnh đạo Bộ chỉ đạo làm rõ thêm một số vấn đề rồi kết thúc chuyên án, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đấu tranh làm rõ tội trạng của Trần Quang Đô và đồng bọn để truy tố trước pháp luật”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang