Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông; Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cùng các thành viên của Bộ GTVT và lãnh đạo các sở ngành TP…
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng gặp gỡ lãnh đạo sở ngành TP tại hội nghị
Cần nguồn vốn rất lớn cho phát triển hạ tầng giao thông
Báo cáo về công tác quản lý nhà nước, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết nhiều năm qua, TPHCM đã xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác nhiều công trình hạ tầng, góp phần giảm ùn tắc giao thông… Trong năm 2015, TP đã tăng thêm diện tích mặt đường dành cho giao thông với 12 cây cầu, 32,6km đường tương ứng với 584.000m2.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường báo cáo công tác quản lý nhà nước, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM
Tuy nhiên, ông Bùi Xuân Cường cũng nhìn nhận công tác đầu tư xây dựng ngành GTVT TPHCM đã bám sát các quy hoạch, nhưng vẫn chưa đảm bảo tiến độ thực hiện so với quy hoạch vì các vấn đề như: thiếu vốn đầu tư, vướng giải phóng mặt bằng… Nhiều công trình đến nay vẫn chưa được bố trí kế hoạch vốn hoặc vốn được giao chưa đầy đủ do khó khăn từ nguồn ngân sách TP; công tác kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách cũng gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trong danh mục kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, BT không xác lập được phương án tài chính khả thi dẫn đến nhiều công trình giao thông trọng điểm, tuyến đường giao thông huyết mạch chưa được đầu tư xây dựng như đường Vành đai 2, Tỉnh lộ 15, đường Vườn Lài,.. và một số cây cầu lớn, quan trọng vẫn chưa được xây dựng như: Phú Định, Bình Quới, Phú Xuân 2, Vàm Thuật…
Trong giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông, TP ưu tiên nguồn vốn phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro), xe bút nhanh (BRT), đường sắt trên cao và cần nguồn vốn 44 tỷ USD cho đầu tư phát triển hạ tầng đến năm 2030. Tuy nhiên, việc đầu tư các phương thức vận tải công cộng khối lượng lớn để giải quyết ùn tắc còn chậm đặc biệt là tiến độ của các tuyến đường sắt đô thị, trong đó riêng dự án tuyến metro số 5 đến nay đang chờ xin ý kiến của Quốc hội vì theo quy định của Luật Đầu tư, dự án xây dựng tuyến đường sắt số 5 - giai đoạn 1 là dự án quan trọng của quốc gia (sử dụng vốn đầu tư công lớn hơn 10.000 tỷ đồng) nên cần phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Muốn “đầu tầu“ khỏe phải có cơ chế đặc biệt
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng lắng nghe từng báo cáo về tình hình các dự án hạ tầng giao thông, công tác triển khai, điều hành hệ thống giao thông TP của đại diện Bộ GTVT, Sở GTVT TPHCM… Bí thư Đinh La Thăng không lắng nghe một lượt các báo cáo mà báo cáo nào còn có vướng mắc, ông Thăng đều ngắt lời và yêu cầu các đơn vị liên quan giải trình rõ.
Trước những đề nghị của TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu các thành viên của đoàn công tác Bộ GTVT tìm giải pháp hỗ trợ cho TPHCM phát triển...
Các giải pháp cũng được thành viên đoàn công tác của Bộ GTVT đưa ra. Để chương trình hợp tác giữa TPHCM và Bộ GTVT hiệu quả, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT và TPHCM sẽ định kỳ họp 3 tháng/lần để giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan tới việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại địa phương; thiết lập cơ chế phối hợp để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn TP.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị
Bộ GTVT cũng đôn đốc, thúc đẩy tiến độ đối với các dự án đã có nguồn vốn, đã có nhà đầu tư; tìm kiếm, kêu gọi nguồn vối đối với các Dự án chưa có vốn; sớm triển khai như đường Vành đai 3, Vành đai 4, các trục cao tốc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam,... Bên cạnh đó, tập trung đôn đốc chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai trên địa bàn để sớm đưa vào khai thác sử dụng. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với TPHCM trong quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tìm kiếm nguồn lực đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông TP.
Đối với TPHCM, hiện 90% dự án chậm tiến độ đều liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Với những dự án đang “không có đầu ra”, Bí thư Đinh La Thăng hỏi ngay: “Vì sao tắc, cách giải quyết ra sao? Tắc vì đội vốn thì phải báo cáo Quốc hội”.
Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu giải quyết dứt điểm những việc tồn đọng, không để các dự án triển khai chậm, gây bức xúc trong nhân dân. Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng yêu cầu lãnh đạo hai bên xác định những vấn đề GTVT trên địa bàn TPHCM cũng là việc của Bộ GTVT. Bí thư đặt ra mục tiêu mà cả TPHCM và Bộ GTVT cần giải đáp: Trong năm nay và trong 5 năm tới sẽ khởi công và hoàn thành bao nhiêu công trình. Nguồn vốn bao nhiêu, từ đâu, ngân sách bao nhiêu, xã hội hóa bao nhiêu? Trong bối cảnh TPHCM nhu cầu cần 44 tỷ USD đến 2030 để phát triển hạ tầng, cần có những giải pháp gì?
Đối với vấn đề chưa cần tiền mà Bộ GTVT và TPHCM có thể làm được thì phải làm ngay, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nêu ra hàng loạt vấn đề về quản lý đang hết sức bức xúc: Bao giờ TP thu phí tự động, bây giờ tắc đường ghê lắm. Các thiết kế hiện nay rất tốn kém mà không cần thiết. Bao giờ mới chấm dứt được nạn xe dù bến cóc. Cả bộ máy trong tay mà không làm được? Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị phải đưa ra quy định rõ ràng, xử lý nghiêm. Rồi còn bao nhiêu biển báo không phù hợp? Không phù hợp thì nhổ bớt đi, đừng gây bức xúc cho người tham gia giao thông, người dân quá mệt mỏi rồi” – Bí thư Đinh La Thăng nói.
Về thủ tục đầu tư, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng tất cả những vấn đề gì Bộ trưởng ủy quyền được thì nên ủy quyền. Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu Bộ GTVT phải ủy quyền, phân cấp quản lý về hạ tầng. Ủy quyền toàn bộ cho TPHCM trực tiếp quản lý hệ thống đường thủy nội địa, cảng biển, cảng vụ… TPHCM có đầy đủ bộ máy nên để TPHCM quản lý tốt hơn là Bộ GTVT mà ở tận Hà Nội.
“TPHCM là đầu tàu của cả nước, rất quan trọng. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp, hỗ trợ để TPHCM phát triển. Các bộ ngành trung ương phải giúp TPHCM quản lý tốt nhất. TPHCM là đầu tàu của cả nước. Muốn đầu tàu khỏe thì phải có cơ chế để cho đầu tàu chủ động. Phải chủ động chứ cái gì cũng văn bản thì mất mấy tháng. Cũng như việc lựa chọn nhà thầu, Chủ tịch UBND TPHCM chịu trách nhiệm lựa chọn. Chọn sai thì Chủ tịch chịu” - Bí thư Đinh La Thăng khẳng định.
Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường phát biểu tại hội nghị công tác giữa TPHCM và Bộ GTVT chiều 2-/2
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nêu những khó khăn trong xây dựng hạ tầng giao thông của TP.