(CAO) Chiều 26-2, tại Khu di tích Gò Dài (thôn văn hóa An Vinh 1, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn), UBND tỉnh Bình Định long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Bình An (26-2-1966 _ 26-2-2016).
Đến dự có ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; ông Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Roh Hwa Wook, Trưởng đoàn Bảo tàng hòa bình Hàn Quốc.
Các bộ, nhân dân Bình Định viếng vòng hoa, dâng hương tại khu di tích
Cách đây tròn 50 năm, trong vòng hơn 1 tháng (23-1 _ 26-2-1966) tại xã Bình An, huyện Bình Khê (nay là 3 xã Tây Vinh-Tây Bình-Tây An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), dưới sự chỉ huy của Đế quốc Mỹ, lính đánh thuê Nam Triều Tiên tổ chức nhiều đợt càn quét đốt sạch nhà cửa, lúa gạo, trâu bò, sát hại 1004 đồng bào ta hầu hết là phụ nữ, trẻ em, người già.
Đoàn đại biểu Hàn Quốc dâng hoa tại lễ tưởng niệm
Tại vị trí Gò Dài, vào sáng ngày 26-2-1966, quân địch tập trung ra tay sát hại dã man 380 người dân vô tội xã Bình An, huyện Bình Khê và các xã Nhơn Mỹ-Nhơn Hậu-Nhơn Phúc, huyện An Nhơn như hãm hiếp phụ nữ rồi bắn chết, quãng trẻ em vào lửa, ném lựu đạn xuống hầm trú ẩn rồi chất rơm đốt,... gây cảnh đau thương, tang tóc bao phủ cả một vùng quê.
Vụ thảm sát Bình An gây chấn động và căm phẫn đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân trên toàn thế giới. Sự kiện Bình An đã thức tỉnh lương tri loài người trước tội ác của chiến tranh và mãi mãi là ký ức đau buồn, mất mát to lớn đối với người dân Bình Định.
Đoàn đại biểu Hàn Quốc dâng hương tại lễ tưởng niệm
Tại Lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Tấn Lân, nhân chứng sống trong vụ thảm sát Bình An kể lại câu chuyện mà chính ông trải qua nỗi đau mẹ và em gái bị lính Nam Triều Tiên sát hại: “Tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương của nó để lại vẫn còn đó, nỗi đau mất người thân và những cảnh tượng hãi hùng tàn khốc của vụ thảm sát năm xưa do lính Nam Triều Tiên gây ra vẫn cứ ám ảnh trong tâm trí của những gia đình nạn nhân cũng như những người may mắn sống sót như chúng tôi suốt 50 năm qua”.
Lễ tưởng niệm
Cho đến bây giờ vụ thảm sát Bình An năm xưa vẫn được dư luận trong nước và quốc tế tiếp tục quan tâm, giới trí thức trẻ Hàn Quốc nhiều lần đến Việt Nam tìm hiểu những tội ác do quân đội Nam Triều Tiên gây ra trong chiến tranh mà tiêu điểm là vụ thảm sát Bình An năm 1966.
Họ đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc, các tổ chức xã hội và cả những cựu chiến binh Hàn Quốc cùng gia đình hãy có những hành động thiết thực nhằm bù đắp lại phần nào tội lỗi cha ông họ đã gây ra trong quá khứ như một lời tạ tội với đất nước Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Roh Hwa Wook, Trưởng đoàn Bảo tàng hòa bình Hàn Quốc xúc động nói lời xin lỗi chân thành đến cán bộ, nhân dân Bình Định: “Xin lỗi vì chuyện đã xảy ra từ lâu mà bây giờ tôi mới có thể mang theo một nhành hoa đến đây để xin được tạ lỗi. Bổn phận của chúng ta, những con người còn sống sót chính là phải ghi nhớ, biết ơn và nhìn nhận lại bản thân trước những vấn đề lịch sử. Bởi không có quá khứ thì không có tương lai. Bởi không biết ăn năn hối lỗi thì không xây dựng được hòa bình”.
Sau đó ông đã quỳ xuống tạ lỗi trước toàn thể cán bộ và nhân dân Bình Định.
Ông Roh Hwa Wook, Trưởng đoàn Bảo tàng hòa bình Hàn Quốc quỳ tạ lỗi tại buổi lễ
Cùng với những vòng hoa trắng, những nén hương thơm, những phút cúi đầu mặc niệm của đoàn đại biểu Bảo tàng hòa bình Hàn Quốc tại lễ Tưởng niệm đã nói lên phần nào sự hối hận, tiếc nuối của loài người tiến bộ trước quá khứ đau thương.
Nhiều năm qua, chính quyền cùng nhân dân địa phương đầu tư xây dựng, tu bổ nâng cấp, tôn tạo Khu Chứng tích Gò Dài để phần nào sưởi ấm vong linh những người đã khuất.
Năm 1990, Bộ Văn hóa công nhận Di tích Lịch sử-Văn hóa cho những địa điểm ghi lại tội ác của quân Nam Triều Tiên tàn sát nhân dân tại Bình An (huyện Tây Sơn).
Di tích vụ thảm sát Bình An
Tại Khu di tích Gò Dài, những bức tranh bằng gốm phác họa lại vụ thảm sát, bắn phá làng mạc, nhà cửa bị cháy, trâu bò chết, ruộng vườn tan hoang; lính Nam Triều Tiên dồn người già, phụ nữ, trẻ em xả súng đại liên, tiểu liên giết họ, người chết nằm ngổn ngang đè lên nhau giúp cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau vẫn có thể hình dung về vụ thảm sát tàn khốc này.
Lễ Tưởng niệm là hoạt động tưởng nhớ đến những hy sinh, mất mát, đau thương của đồng bào ta do Đế quốc Mỹ và lính đánh thuê Nam Triều Tiên gây ra đồng thời ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Trước đó, chiều 25-2, Lễ giỗ tập thể được tổ chức tại Khu di tích Gò Dài.