(CAO) Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐB HĐND) khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng tổ chức mới đây, đề xuất huyện Hoàng sa phải có đại biểu (ĐB) tham gia HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX được biểu quyết thông qua.
Điều nhiều người quan tâm nữa là TP. Đà Nẵng đang trình phương án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hoàng Sa- “mở rộng Hoàng Sa về đất liền” rất được nhân dân, dư luận đồng tình ủng hộ.
Là người đề xuất ý kiến trên, ông Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP. Đà Nẵng) cho biết, tại hội nghị hiệp thương, đề xuất Hoàng Sa có ĐB HĐND được 100% ĐB đại diện cho các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội TP Đà Nẵng biểu quyết thông qua.
Ông Tiếng cho biết, hiện phương án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hoàng Sa (bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và sáp nhập hai phường Mân Thái, Thọ Quang thuộc quận Sơn Trà vào huyện Hoàng Sa) đã được trình cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phê chuẩn, còn có kịp cuộc bầu cử hay không thì phải chờ.
“Hiện UBND huyện Hoàng Sa có một chủ tịch UBND huyện chưa có cử tri, chưa có dân thì có thể ông chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa làm ĐB của huyện tại HĐND TP. Với phương án mở rộng Hoàng Sa vào đất liền, nếu khả thi thì có thể tới đây Hoàng Sa không chỉ là có ĐB của Hoàng Sa trong HĐND TP mà còn có cả HĐND huyện Hoàng Sa với cử tri của mình nữa”, ông Tiếng nhấn mạnh.
Là người từng sát sao, luôn đau đáu với Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ- nguyên Giám đốc sở Nội Vụ TP. Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho rằng, việc giới thiệu ĐB HĐND của huyện Hoàng Sa là chuyện bình thường. Vì trước khi Đà Nẵng là một trong mười địa phương tham gia thí điểm không có HĐND cấp xã phường, quận huyện thì có một đại biểu quận Sơn Trà kiêm luôn huyện Hoàng Sa. Giờ thì Hoàng Sa cần có ĐB HĐND riêng.
Ông Đặng Công Ngữ- nguyên Giám đốc sở Nội Vụ TP. Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa trả lời phóng viên - Ảnh: Xuân Hoài
“Giờ thực hiện luật Tổ chức HĐND mới thì buộc các cấp chính quyền phải có ĐB, HĐND. Còn việc tổ chức HĐND huyện Hoàng Sa như thế nào thì Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết về việc thực thi hoạt động cho phù hợp”, ông Ngữ nói.
Còn việc mở rộng Hoàng Sa về đất liền, ông Ngữ cho rằng, trước hết là trong tâm thức của mỗi người con đất Việt luôn nhận thức Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm vào năm 1974.
Khi có đơn vị hành chính thực hiện việc quản lý lãnh thổ, dân cư, các mặt kinh tế xã hội… thì huyện Hoàng Sa có HĐND hoạt động theo quy định là lẽ đương nhiên cần có, ông Ngữ nêu.
Theo ông Ngữ, năm 1961 khi Việt Nam Cộng hòa chuyển Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế về cho tỉnh Quảng Nam thì nhập Hoàng Sa vào địa giới hành chính xã Định Hải (thuộc Hòa Vang). Năm 1969, chuyển xã Định Hải nhập vào xã Hòa Long trên đất liền thuộc huyện Hòa Vang.
Phối cảnh dự án Bảo tàng Hoàng Sa
Về lộ trình thực hiện, ông Ngữ cho hay, để hình thành được huyện Hoàng Sa trong đất liền thì phải thực hiện theo trình tự quy định tách nhập theo thực tế hiện hành. Muốn thực tế hóa thì phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các cấp. Địa phương phải làm tốt công tác nhân sự, sự đồng thuận của nhân dân, các thủ tục hành chính cần thiết. Cần rốt ráo hơn chứ không chần chừ nữa.
“Trước đây đã có tiền lệ, nên mở rộng Hoàng Sa về đất liền là chuyện rất bình thường, hợp lý. Đây còn là tiền đề để đòi lại Hoàng Sa trước mắt cũng như lâu dài. Từ đó, thực thi đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, phát triển, bảo vệ, khai thác vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Ngữ nhấn mạnh
Ông Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian TP. Đà Nẵng:
“Từ thời Nhà Nguyễn, hàng năm, có đội quân ra Hoàng Sa khảo sát, khai thác hải sản ở vùng biển quê hương. Trước năm 1974 (Trung Quốc chiếm Hoàng Sa), một số cư dân sống trên thuyền, ven biển ở Hoàng Sa khai thác hải sản, nghỉ ngơi ở quần đảo này.
Đến khi bị Trung Quốc đánh chiếm, một số ngư dân dạt về đất liền chờ ngày trao trả để tiếp tục ra khai thác, đánh bắt ven bờ khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việc Hoàng Sa có ĐB HĐND, Tổ chức HĐND là đúng đắn, mở rộng Hoàng Sa về với đất liền là nên làm. Rất cần có một tổ chức chính quyền, địa giới hành chính, cư dân Hoàng Sa trên đất liền để góp phần xây dựng,bảo vệ Hoàng Sa…”.
|