Vĩnh biệt anh Nguyễn Tài: Người chiến sĩ công an mẫu mực

Thứ Sáu, 19/02/2016 07:43

|

(CATP) Đồng chí Nguyễn Tài (Nguyễn Tài Đông), bí danh Tư Trọng, sinh ngày 11-12-1926, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ), nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Khóa VIII) đã từ trần hồi 4 giờ ngày 16-2-2016 (nhằm ngày 9 tháng Giêng năm Bính Thân).

Được tin anh mất, thật đột ngột, tuy biết rằng anh đã bước vào tuổi 90. Những kỷ niệm về những ngày được cùng công tác với anh ở đặc khu Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước bỗng ùa về, sống động như mới ngày nào.

Tôi từ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam về nhận nhiệm vụ ở đặc khu Sài Gòn - Gia Định năm 1965. Ban Tuyên huấn khu lúc đó bị thiệt hại khá nặng, một bộ phận lớn của lực lượng vũ trang tuyên truyền bị địch phát hiện và bị bắt gần hết.

Đồng chí Nguyễn Tài (thứ hai từ trái sang) trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Trong thời gian đang củng cố lại tổ chức nội thành của Ban Tuyên huấn, tôi nhận được tin nhắn của một nòng cốt trong nội thành: “Anh nên vào đứng chân trong nội thành để nắm lại lực lượng vũ trang tuyên truyền và chỉ đạo anh em. Như vậy mới khôi phục được đội ngũ. Anh em nhiệt tình còn nhiều nhưng thiếu chỉ huy thì khó vực dậy được phong trào. Trong này chỗ ăn ở an toàn cho anh, chúng tôi đã chuẩn bị xong cả”.

Tôi xin ý kiến anh Trần Bạch Đằng, lúc đó phụ trách chung. Anh Đằng cử anh Nguyễn Tài đến trực tiếp gặp tôi, trước khi quyết định. Anh Nguyễn Tài lúc đó là Ủy viên Thường vụ Thành ủy, phụ trách An ninh của T4 (mật danh của Khu Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến). Gặp anh, tôi trình bày thực trạng của cánh Tuyên huấn T4 sau vụ thiệt hại. Theo quán tính về nguyên tắc bí mật, tôi còn e ngại không thể nói hết cho người khác biết mọi thông tin về cơ sở nội thành.

Anh Nguyễn Tài chăm chú lắng nghe và hiểu những e ngại của tôi. Anh ôn tồn bảo: “Ngành An ninh của cách mạng được lập ra là để bảo vệ cách mạng, bảo vệ các đồng chí. Nếu không biết một số chi tiết cần thiết cho nghiệp vụ thì làm sao chúng tôi có được kế hoạch, tham mưu, giúp các đồng chí, giúp Đảng trong hoạt động cách mạng? Như vậy chúng tôi sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ”.

Tôi bị thuyết phục bởi cái lý và nhất là cái tình của anh Nguyễn Tài. Hai chúng tôi làm việc cả ngày. Cuối cùng anh Tài kết luận: “Đồng chí chưa nên vào nội thành theo đề nghị của cơ sở. Tôi cảm giác thấy có hiện tượng nội gián trong lực lượng của cánh Vũ trang tuyên truyền của Tuyên huấn T4, qua những chi tiết mà đồng chí cho tôi biết. Cần phân công, giao việc cho những nhánh còn tồn tại. Những nhánh bị bể cần dứt khoát cắt liên lạc, cho điều lắng một thời gian. Sau đó, dựa vào quần chúng lao động tại chỗ, đào tạo người mới, rà soát thật kỹ những lực lượng cũ còn lại, tuân thủ đúng nguyên tắc ngăn cách, bảo mật, rồi mới có thể từ từ giao việc...”.

Quả nhiên, nhờ kinh nghiệm của các anh bên An ninh, trực tiếp là anh Tư Trọng (bí danh của anh Nguyễn Tài), chúng tôi tránh được cái bẫy do địch giăng ra để đưa những cán bộ cách mạng chủ chốt vào lưới của chúng. Việc củng cố cánh Vũ trang tuyên truyền của Tuyên huấn T4 được tiến hành quy củ. Đến năm 1968, chúng tôi đã thực hiện được nhiều công tác quan trọng như: tổ chức cuộc vũ trang tuyên truyền quy mô lớn ngay tại chợ Bến Thành lúc Nguyễn Văn Thiệu đi thăm chợ; diệt được tên thượng sĩ nhất Trần Kim Thành phụ trách thám báo nguy hiểm của Sư đoàn Dù quân Sài Gòn có căn cứ ở sân bay Tân Sơn Nhất, phá kềm ở khu ngã tư Bảy Hiền, một địa bàn nằm ngay sát sân bay...

Lúc biết anh bị địch bắt (năm 1970), tôi vẫn vững tin vào phẩm chất của anh, dù trong lần làm việc với anh trước đó, anh đã được biết khá rõ nhiều cơ sở bí mật của cánh Tuyên huấn T4.

Sau khi anh bị bắt, cơ sở bí mật của Tuyên huấn T4 không hề bị tổn thất. Hoạt động của cánh Tuyên huấn T4 không hề bị lộ, vẫn tiếp tục phát triển và đã xây dựng được một số lõm chính trị tại Bảy Hiền, Gò Vấp, Khánh Hội, Bình Thới... Các lõm chính trị của cánh Tuyên huấn T4 tồn tại cho đến tháng 4-1975 và đã xuất sắc thực hiện nổi dậy vào đêm 29-4-1975 ở khu Bảy Hiền, trước khi đại quân tiến vào Dinh Độc Lập sáng 30-4-1975...

Kỷ niệm về anh Tư Trọng - Nguyễn Tài, chính là kỷ niệm sâu sắc về người chiến sĩ Công an nhân dân, An ninh nhân dân, đã thể hiện sự nối tiếp và phát huy tuyệt vời những giá trị tinh thần truyền thống dân tộc: đó là chủ nghĩa yêu nước, khí phách kiên cường bất khuất, đi cùng với bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng, trong công tác cũng như khi đối mặt với địch, như những chuyện về cuộc chiến đấu sinh tử trong suốt bốn năm của anh với kẻ thù cực kỳ thâm hiểm. Được biết sau này, kể cả những oan khuất, anh kiên trì và dũng cảm chịu đựng khi trở lại phục vụ cách mạng.

Xin vĩnh biệt Anh Tư!

Xúc động tự đáy lòng tiễn Anh Tư với bài học quá tuyệt vời anh để lại cho chúng tôi, trong đó điểm cốt lõi là bài học về sự nối tiếp và phát triển những giá trị tinh thần truyền thống dân tộc mà qua anh đã trở thành “nét văn hóa của Công an nhân dân”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang