Phát triển kinh tế tư nhân: Chủ trương đúng đắn vì mục tiêu dân giàu - nước mạnh:

Bài cuối: Không hình sự hóa quan hệ kinh tế là quyết sách đúng đắn

Chủ Nhật, 18/05/2025 16:28

|

(CATP) Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Về phát triển kinh tế tư nhân, ngày 16/5/2025, các luật sư, doanh nhân doanh nghiệp cho biết quan điểm xoay quanh vấn đề này.

Bước tiến quan trọng

* Luật sư Võ Quang Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty Luật TNHH Thịnh Vượng - TPHCM và lãnh đạo một số doanh nghiệp tư nhân): Quan điểm của tôi về Nghị quyết 68 của Trung ương Đảng và chủ trương không hình sự hóa các tội phạm kinh tế, tôi hoàn toàn ủng hộ, đánh giá rất cao. Đây là một bước tiến quan trọng thể hiện tư duy đổi mới và sự đồng hành sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, tôi nhận thấy Nghị quyết 68 mang ý nghĩa chiến lược và toàn diện thể hiện qua những đặc điểm sau: Một là khẳng định mạnh mẽ vai trò then chốt của nền kinh tế tư nhân. Nghị quyết một lần nữa nhấn mạnh vị trí và tầm quan trọng của kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng hàng đầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện nay điều này tạo ra sự khích lệ lớn và củng cố niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) tư nhân với mục tiêu phát triển đầy tham vọng.

Hai là Nghị quyết đặt ra những mục tiêu rõ ràng về số lượng DN, quy mô và năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Điều này cho thấy sự quyết tâm cao độ của Đảng và Nhà nước ta trong việc phát triển lĩnh vực kinh tế này. Ba là, các giải pháp đồng bộ và toàn diện, Nghị quyết đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể từ đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi về nguồn lực đất đai, vốn và nhân lực... nâng cao năng lực cạnh tranh, đến xây dựng văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân.

Luật sư Võ Quang Vũ

Sự đồng bộ này là yếu tố then chốt để Nghị quyết đi vào cuộc sống và phát huy tính hiệu quả cao, chú trọng đến môi trường kinh doanh thuận lợi an toàn và bình đẳng. Bốn là, Nghị quyết đặc biệt quan tâm việc bảo đảm quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, cạnh tranh bình đẳng, đây là yếu tố nền tảng để kinh tế tư nhân phát triển bền vững và lành mạnh.

Về chủ trương không hình sự hóa các tội phạm kinh tế, đây là một chủ trương mang tính đột phá và có ý nghĩa sâu sắc, tạo môi trường pháp lý an toàn, đáng tin cậy cho cộng đồng DN. Việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế khi chưa đến mức cần thiết giúp loại bỏ tâm lý lo ngại, e sợ và rủi ro pháp lý không đáng có cho DN. Điều này khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư đổi mới và sáng tạo trong phát triển kinh tế.

Phân định rất rõ ràng giữa các hành vi vi phạm hành chính, dân sự và hình sự. Chủ trương này góp phần vào việc áp dụng pháp luật một cách chính xác, tránh tình trạng lạm dụng các biện pháp hình sự để giải quyết các tranh chấp về kinh tế, dân sự vốn có thể được giải quyết bằng các biện pháp hành chính hoặc dân sự hiệu quả hơn. Nghị quyết 68 cũng thể hiện sự bảo vệ tính ổn định và phát triển của DN. Việc hình sự hóa có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho DN, thậm chí dẫn đến phá sản, gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm và sự phát triển kinh tế nói chung.

Chủ trương này giúp bảo vệ ổn định và tạo điều kiện cho DN khắc phục các sai phạm để tiếp tục phát triển kinh tế. Nghị quyết cũng phù hợp với thông lệ quốc tế mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới hiện nay cũng có xu hướng xử lý vi phạm kinh tế bằng các biện pháp kinh tế và hành chính, trừ những trường hợp thực sự rất nghiêm trọng và có dấu hiệu của tội phạm rõ ràng mới chuyển sang hình sự.

Tuy nhiên, để chủ trương này thực sự hiệu quả, cần có sự triển khai đồng bộ và quyết liệt trong thực tiễn, cần xây dựng các quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch để phân định ranh giới giữa các loại hành vi vi phạm; đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc áp dụng các biện pháp hành chính, kinh tế và dân sự hiệu quả hơn.

Tôi cho rằng Nghị quyết 68 và chủ trương không hình sự hóa các tội phạm kinh tế là những quyết sách đúng đắn tạo tiền đề quan trọng để kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự thịnh vượng chung của đất nước chúng ta trong kỷ nguyên mới. Điều quan trọng hiện nay là chúng ta cần nhanh chóng thể chế hóa, thực thi nghiêm túc các nội dung của Nghị quyết và chủ trương này.

Góc nhìn từ dn tư nhân sản xuất

* Bà Nguyễn Trần Thủy Tiên (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sơn SENTO): Là một DN tư nhân hoạt động hơn 20 năm trong lĩnh vực sản xuất sơn công nghiệp, chúng tôi đánh giá cao tinh thần đổi mới của Nghị quyết 68-NQ/TW, đó là một tín hiệu rất tích cực và đầy quyết tâm nhằm nâng tầm vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, không chỉ là "một động lực quan trọng" mà còn là một "đối tác chiến lược" trong công cuộc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng.

Từ góc nhìn thực tế của một DN sản xuất tư nhân, chúng tôi nhận thấy một số điểm như sau: Nghị quyết thể hiện tư duy đột phá, cởi mở và đặt niềm tin lớn vào khu vực tư nhân. Các định hướng lớn đều rất đúng và trúng vào những "nút thắt" lâu nay mà DN phải vượt qua. Tuy nhiên, thường một số chính sách chưa đi vào thực tiễn, còn khoảng cách giữa chủ trương và cách triển khai ở địa phương; thiếu các cơ chế cụ thể bảo vệ quyền tài sản, quyền tiếp cận vốn và sự công bằng trong môi trường pháp lý.

Với tinh thần cầu thị và mong muốn được đồng hành cùng với sự phát triển bền vững của đất nước, chúng tôi xin đưa ra một số góp ý cụ thể: Về môi trường pháp lý và thủ tục hành chính, cần cải cách thực chất. Quy trình kiểm tra PCCC, môi trường... còn rườm rà, thiếu đồng bộ, chồng chéo, dày đặc. Cần thực hiện cấp phép một cửa, nhất quán, thống nhất rồi ban hành, tránh trường hợp áp dụng cho DN, xử phạt nhưng chưa có hướng dẫn hoặc không cho DN thời gian điều chỉnh rồi áp dụng, cần đơn giản hóa thủ tục kiểm định và cấp giấy chứng nhận PCCC để DN có nhiều lựa chọn nhà cung cấp phù hợp.

Tổng Giám đốc Nguyễn Trần Thủy Tiên

Pháp lý đầu tư - xây dựng cần đồng bộ và bảo vệ quyền tài sản. Nhiều DN được phê duyệt chủ trương, mua đất xong nhưng khi xin phép xây dựng thì vướng quy hoạch dẫn đến không được hoàn công, ảnh hưởng giá trị tài sản DN. Khi thời hạn sử dụng đất còn dưới 5 năm, tài sản không được ngân hàng định giá, DN mất khả năng tiếp cận vốn, nhưng thời gian gia hạn thì phải dưới 1 năm mới được phép.

Đề nghị bảo lưu giá trị pháp lý của chủ trương đầu tư tối thiểu 15 - 20 năm. Công trình xây dựng đúng theo chủ trương được cấp phải được hoàn công và cấp giấy chứng nhận tài sản. Quy hoạch cần thống nhất giữa các cơ quan, không điều chỉnh đột ngột nếu chưa có phương án cho DN. Khi hạn sử dụng đất còn dưới 5 năm phải được xem xét gia hạn. Tín dụng - tiếp cận vốn cần linh hoạt và thực tế. Lãi suất cao, điều kiện tín dụng cứng nhắc, khó tiếp cận với DN sản xuất vừa và nhỏ. Đặc biệt, thời hạn đáo hạn ngắn (4 - 6 tháng) khiến DN phải xoay vốn liên tục, ảnh hưởng đến thanh khoản. Do vậy, cần có gói tín dụng tín chấp dành cho DN có dòng tiền ổn định.

Ngoài ra, cho phép xếp hạng tín nhiệm nội bộ để thay thế yêu cầu tài sản thế chấp. Kéo dài thời hạn tín dụng ngắn hạn tối thiểu 12 tháng. Quy hoạch đất đai cần tầm nhìn dài hạn, đồng bộ liên ngành. Quy hoạch điều chỉnh thường xuyên hoặc thiếu đồng bộ gây rủi ro đầu tư và thiệt hại tài sản cho DN. Quy hoạch đất sản xuất phải ổn định ít nhất 20 - 30 năm, khuyến khích phát triển cụm sản xuất sạch gần khu dân cư - thuận tiện tuyển dụng, logistics, ưu đãi thuế và đầu tư. Mở rộng ưu đãi thuế cho DN sản xuất phù hợp quy hoạch, không phân biệt trong/ngoài khu chế xuất.

DN hiện nay rất quan tâm đến vấn đề không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự, nhiều DN lo ngại rủi ro bị hình sự hóa khi xảy ra tranh chấp hợp đồng, chậm thanh toán, hoặc vận hành sai sót mà không có yếu tố gian lận. Điều này tạo tâm lý e ngại, không dám đầu tư đổi mới hoặc phát triển quy mô. Do vậy, chỉ xử lý hình sự khi có dấu hiệu gian lận, chiếm đoạt cố ý; tăng cường cơ chế trọng tài kinh tế, tòa án dân sự để giải quyết tranh chấp. Cam kết rõ không hình sự hóa những rủi ro kinh doanh thông thường của DN.

Một nền kinh tế phát triển cần sự ổn định pháp lý, bảo vệ quyền tài sản và khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm của doanh nhân. Theo tôi, kinh tế tư nhân không cần đặc quyền, chỉ cần một môi trường minh bạch, ổn định và được tôn trọng. Chúng tôi kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ được cụ thể hóa bằng các chính sách khả thi, đồng bộ, tạo dựng một hệ sinh thái DN tư nhân vững mạnh - là đối tác trung thành và bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Bài 2: Động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang