Năm 2015, mặc dù số lượng vụ án tăng trên 400 vụ so cùng kỳ, nhưng TAND hai cấp TP Hà Nội đã thụ lý 27.130 vụ, đã giải quyết 26.122 vụ, đạt tỷ lệ 96,3%; đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Hoạt động tranh tụng tại phiên toà được đẩy mạnh theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai; tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, đối thoại trong các vụ án hành chính được nâng cao; công tác xét xử lưu động đạt kết quả tốt.
Đặc biệt, trong xét xử án hình sự không để xảy ra một trường hợp nào kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán đã được hạn chế; việc trả hồ sơ điều tra bổ sung đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt 100%; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã biểu dương, khen ngợi Tòa án nhân dân hai cấp thành phố vì mặc dù còn nhiều khó khăn, số lượng án tăng, nhưng các Tòa án Hà Nội đã giải quyết đạt tỷ lệ trên 96%, chất lượng xét xử được nâng lên; nhiều vụ án trọng điểm được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Một số vụ án tham nhũng, qua xét xử tại phiên tòa, đã phát hiện được tội phạm mới cần điều tra, Hội đồng xét xử thực hiện quyền tư pháp, đã quyết định khởi tố vụ án ngay tại phiên tòa, được dư luận đồng tình, ủng hộ. Các Tòa án đã quan tâm làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại…Chủ động tổ chức đối thoại trong trong giải quyết các vụ án hành chính; các mặt công tác khác có nhiều chuyển biến tích cực…
Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình nêu rõ: Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của thời đại và trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Về kinh tế, nước ta đã ký kết và gia nhập các tổ chức như: Liên minh kinh tế Á-Âu, Cộng đồng kinh tế ASEAN, và sắp tới đây sẽ là thành viên chính thức của Hiệp định thương mại Châu Á – Thái Bình Dương (TPP)...Không gian hợp tác kinh tế càng mở rộng, tất yếu không gian hợp tác tư pháp cũng sẽ phát triển. Quá trình hội nhập bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng sẽ có nhiều khó khăn thách thức. Dự báo thời gian tới, các hành vi phạm pháp hình sự, tội phạm xuyên quốc gia, các tranh chấp dân sự, sở hữu trí tuệ, kinh doanh thương mại quốc tế sẽ có chiều hướng gia tăng. Đòi hỏi Tòa án hai cấp thành phố Hà Nội phải khẩn trương, chú trọng việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng cao, đảm bảo trình độ tham gia các định chế tư pháp quốc tế, giải quyết tốt các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước…
Chánh án Trương Hòa Bình đề nghị lãnh đạo, cán bộ, Thẩm phán Tòa án hai cấp Thủ Đô Hà Nội cần lưu ý 6 vấn đề cơ bản là: Khẩn trương tổ chức quán triệt, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2016; trong đó đặc biệt chú ý quán triệt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2016; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị này, cũng như thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ Tòa án năm 2016. Gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của Tòa án với việc thực hiện các yêu cầu cải cách tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị…
Trong thực hiện nhiệm vụ, phải thường xuyên chủ động báo cáo cấp Ủy địa phương những nội dung quan trọng về cải cách tư pháp, về công tác Tòa án, kết hợp với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đưa vào Nghị quyết, chương trình công tác của cấp Ủy để lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp địa phương, trong đó có công tác của Tòa án. Các Tòa án của Thủ Đô cần thực hiện nghiêm túc 5 giải pháp đột phá đã được đề ra tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án toàn quốc năm 2016 (Thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; làm tốt việc tổng kết thực tiễn xét xử, phát triển án lệ; đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp tại Tòa án; chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đ/c Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND thành phố Hà Nội tại Hội nghị
Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án; xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án tham nhũng. Kiên quyết không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; đảm bảo phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, thực sự mang lại công lý cho xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Quốc hội đã thông qua nhiều Bộ luật quan trọng, các quy định của Luật liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Do đó, sau Hội nghị này, đề nghị các đồng chí triển khai ngay việc quán triệt, tập huấn những nội dung mới của Luật; đảm bảo toàn thể các Thẩm phán, Hội thẩm và công chức Tòa án có chức danh tư pháp phải nắm chắc các quy định mới, áp dụng đúng đắn, tránh oan sai, hạn chế đến mức thấp nhất việc sau khi xét xử, bị cáo, đương sự có đơn khiếu nại lên Tòa án cấp có thẩm quyền.
Cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện bộ máy tổ chức các Tòa án theo quy định Luật Tổ chức TAND năm 2014; chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức, trách nhiệm và tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ đối với cán bộ, Thẩm phán, công chức; kịp thời phát hiện, xủ lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức. Làm tốt công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc thành phố và các quận, huyện, giới thiệu nhân sự để HĐND cùng cấp bầu Hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021…
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình tặng Bằng khen cho các cá nhân và tập thể TAND hai cấp Thủ Đô Hà Nội
Chú trọng làm tốt công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức và Hội thẩm nhân dân; thường xuyên rút kinh nghiệm công tác xét xử; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền nếp khoa học, hiệu quả, công khai, minh bạch hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân dễ dàng tiếp cận công lý. Trong một tương lai gần, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 sẽ tiến tới xây dựng Tòa án điện tử, nhằm phục vụ người dân với hiệu quả cao nhất.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua với chủ đề xuyên suốt “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm phải “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết TW 4 khóa XI; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, bám sát nhiệm vụ chính trị của Tòa án; triển khai tổ chức thi “Thẩm phán giỏi”; lựa chọn vinh danh “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực”; xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến để cán bộ, Thẩm phán noi gương, học tập. Cần gắn việc thực hiện các phong trào thi đua của các Tòa án với phong trào thi đua của địa phương; thường xuyên sơ kết, tổng kết, rà soát đề nghị vinh danh, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.
Với truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và phát triển của TAND, với quyết tâm chính trị cao, với sự đoàn kết, chung sức chung lòng, nỗ lực vượt bậc, vượt mọi khó khăn của toàn thể cán bộ, Thẩm phán, công chức, người lao động các Tòa án nhân dân, Chánh án Trương Hòa Bình tin tưởng chắc chắn rằng, Tòa án hai cấp Thành phố Hà Nội nói riêng, các Tòa án nhân dân trong cả nước nói chung nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó; xứng đáng là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, là biểu tượng của Công lý, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân và xã hội trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.