Tham dự buổi họp mặt có các đồng chí: Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyênThủ tướng chính phủ; Nguyễn Minh Triết- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Lê Thanh Hải- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Hòa Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao; Đinh La Thăng -Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Thiếu tướng Trần Đơn- Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng; Nguyễn Thành Phong- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Hoàng Năng- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, Khu ủy qua các thời kỳ; các đồng chí lãnh đạo Trung ương, TP; các cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng; đại diện các quân khu, tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ...
Thay mặt lãnh đạo TPHCM phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM luôn tự hào sâu sắc về truyền thống vẻ vang của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, nơi đối đầu mất còn giữa ta và giặc, nơi chiến trường là trung tâm, sào huyệt đầu não của kẻ thù vô cùng ác liệt; nơi đầu song ngọn gió của miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, nơi đã “đi trước, về sau” trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược.
Các tầng lớp nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cùng cả nước đã phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam, vượt qua bao khó khăn, thử thách khắc nghiệt bởi sự đàn áp, khủng bố, bắt bớ tù đày, tra tấn và giết chóc ngay giữa lòng đô thị, trung tâm đầu não của guồng máy chiến tranh xâm lược của bọn thực dân đế quốc, để có cách hoạt động, chiến đấu một cách sáng tạo, kiên cường, hiệu quả, gây cho kẻ thù bị động đối phó và thất bại trong âm mưu bẻ gãy mọi ý chí phản kháng, làm tan rã phong trào cách mạng, xóa sạch mọi cơ sở cách mạng.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và ác liệt đó, hàng vạn đồng bào, đồng chí, chiến sĩ thân yêu, những người con ưu tú của nhân dân TP và mọi miền đất nước đã chiến đấu kiên cường, đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Những công lao thầm lặng, những chiến công vang dội và sự hy sinh to lớn của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã góp phần to lớn và quyết định vào thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta; lập nên truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, anh hùng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TPHCM hôm nay.
Lãnh đạo Trung ương và TPHCM dâng hương tại Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược. - Ảnh: Khuất Thế Anh - TTXVN
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang khẳng định: Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định – TPHCM luôn đi đầu trong những năm kháng chiến chống thực dân, đế quốc và trong thời kỳ đổi mới.
Tự hào với truyền thống vẻ vang đó, hơn lúc nào hết, trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, TPHCM tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
“Chúng ta xin nguyện tiếp tục ra sức xây dựng, phát triển và bảo vệ TP thân yêu luôn vì cả nước, cùng cả nước, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á, xứng đáng với TP mang tên Bác Hồ vĩ đại, TP anh hùng” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng chính phủ cho rằng, lãnh đạo TP.HCM cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để làm sao phát huy tốt nhất truyền thống của vùng đất Củ Chi “Đất Thép thành đồng”, ra sức xây dựng vùng đất này ngày càng phong phú, sung túc, ấm áp hơn, trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xây dựng TPHCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang phát biểu tại buổi họp mặt. - Ảnh: Khuất Thế Anh - TTXVN
Đồng chí Phạm Minh Hiền, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Truyền thống kháng chiến Quân Dân Chính Đảng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định khẳng định: “Từ sâu thẳm trong tâm hồn mình, các thành viên Câu Lạc bộ chúng tôi, những người mà suốt cuộc đời mình, từ lúc còn trẻ tuổi đến khi trưởng thành, đã có vinh hạnh được các đồng chí tiền bối lãnh đạo cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định dìu dắt, hướng dẫn để được trực tiếp chiến đấu, công tác trên địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và khắp mọi miền đất nước, luôn khắc sâu trong tâm khảm mình những kỷ niệm đẹp đẽ cùng những hình ảnh thiêng liêng của các bậc tiền bối lãnh đạo cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Chúng tôi nhận thức sâu sắc bổn phận của mình đối với việc tôn kính, thờ phụng anh linh của các đồng chí, cũng như trách nhiệm bồi dưỡng, giáo dục để gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng đối với các thế hệ kế tiếp”.
Tiếp nối bước chân những người anh hùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Bí thư Thành đoàn TPHCM Nguyễn Mạnh Cường thay mặt tuổi trẻ TP.HCM phát biểu bày tỏ quyết tâm: Tuổi trẻ TPHCM hôm nay đang nỗ lực kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân TP, làm nên những thành công mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững TP…
Mỗi thanh niên hôm nay tự nhủ sẽ tự thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ để sống xứng đáng với sự hy sinh của cha anh, để xứng đáng là công dân trẻ TP mang tên Bác, TPHCM – TP Anh hùng.
Các đại biểu trao đổi tại buổi họp mặt. - Ảnh: Khuất Thế Anh - TTXVN
Nhân dịp này, Địa đạo Củ Chi vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), các chiến sĩ cách mạng hoạt động dưới những căn hầm bí mật trong vùng địch hậu, được người dân che chở, bảo vệ.
Những cán bộ này sống trong vùng địch, ban ngày ẩn mình dưới hầm bí mật, ban đêm mới lên khỏi mặt đất hoạt động. Nhưng căn hầm có nhược điểm là khi bị phát hiện, dễ dàng bị địch khống chế vây bắt hoặc tiêu diệt. Từ đó quân và dân ta nghĩ ra cách cần phải kéo dài căn hầm bí mật thành những đường hầm và trổ lên mặt đất, bằng nhiều cửa bí mật để vừa trú ẩn vừa đánh lại địch, khi cần cũng dễ thoát hiểm.
Từ đó địa đạo ra đời và mang một ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vùng ven Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Tổng kết qua 20 năm vừa chiến đấu vừa đào địa đạo (1948-1968), quân và dân Củ Chi đã đào trên 250 km đường hầm.
Cùng với hệ thống Địa đạo Củ Chi, Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược là một trong những biểu hiện về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ con cháu TP đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong 2 cuộc kháng chiến.
Địa đạo Củ Chi đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh: Khuất Thế Anh - TTXVN
Trong những năm qua, Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi luôn làm tốt công tác bảo quản, giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử một cách có hiệu quả nhất.
Hàng năm, Khu Di tích đón tiếp và phục vụ trên 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về hệ thống địa đạo và viếng Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược.
Lãnh đạo Trung ương và TP.HCM trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. - Ảnh:Khuất Thế Anh - TTXVN