Thêm vào đó đất nước bị bao vây bịt bùng vì một số nước lấy cớ Việt Nam “xâm lược Campuchia” để cô lập nước ta cho dù quân dân ta đã phải hy sinh biết bao xương máu vì nghĩa cử giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Đồng minh và các nước tài trợ chủ yếu của nước ta là Liên Xô - Đông Âu lún vào khủng hoảng ngày một trầm trọng và cuối cùng chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước này đã bị xóa bỏ.
Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” chẳng khác nào cơn mưa giữa lúc đại hạn, công cuộc đổi mới đã làm bừng dậy sức sống của đất nước; cuộc sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện. Thay vì lo chạy gạo nay phải lo bán hết gạo; thay cho cảnh phân phối từng mét vải là vải vóc, quần áo ê hề, hơn thế nữa hàng năm đất nước xuất khẩu hơn hai chục tỷ đôla hàng dệt may; thay cho những căn nhà cấp 4 xập xệ là những ngôi nhà, dãy phố khang trang; thay cho xe đạp là xe máy, ôtô chật đường; thay cho những con đường ổ gà, ổ trâu, ổ voi là những tuyến cao tốc xe chạy bon bon, đường ôtô về tới tận trung tâm xã, điện về tới tít vùng sâu vùng xa...
Cây gậy thần nào đã đem lại những đổi thay kỳ diệu như vậy? Các nhà lý luận có thể lý giải dài dòng nhưng chung quy lại bí quyết nằm gọn trong ba điều: rũ bỏ lối tư duy sách vở giáo điều; để cho người dân tự do làm ăn; người người ra sức bươn chải mưu sinh, vươn tới cuộc sống khá giả hơn.
Thời gian thấm thoát thoi đưa. Cứ ngỡ công cuộc đổi mới vừa được phát động đâu đây,thế mà sắp tròn ba thập niên. Ba mươi năm ấy chất chứa biết bao sự kiện, biết bao đổi thay, biết bao bài học!
Tiếng vậy cũng chẳng nên tự hài lòng, trước mắt chúng ta còn bộn bề biết bao công việc. Dù sao đi nữa nước ta mới chỉ vừa bước qua ngưỡng cửa của quốc gia có thu nhập trung bình, so với thiên hạ ở ngay khu vực cận kề cũng còn thua kém về nhiều mặt, khoảng cách về trình độ phát triển ngày càng xa.
Vẫn còn không ít cảnh “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”, nhiều người dân, ngay ở nơi đô hội chứ chưa nói tới vùng sâu, vùng xa vẫn chịu cảnh bần hàn, có người, có lúc còn đứt bữa, biết bao gia đình còn chui rúc trong những ngôi nhà tranh tre vách nứa xiêu vẹo, nhiều cháu nhỏ chưa được đi học, nhiều giá trị đạo đức bị xói mòn, nhiều vấn đề xã hội gây bức xúc đối với người dân.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan
Vạn vật chuyển biến không ngừng, những động lực hôm qua tỏ ra rất màu nhiệm hôm nay không phát huy tác dụng nữa. Từ điểm xuất phát thấp và bị cơ chế tập trung quan liêu trói buộc, chỉ cần cởi trói bằng cơ chế “khoán” trong nông nghiệp, “kế hoạch ba” trong công nghiệp, xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ” trong lưu thông thì sản xuất lập tức bùng phát. Ngày nay những liều thuốc ấy không đủ mà cần có những toa thuốc và phác đồ chữa trị mới.
Nếu như mấy thập kỷ qua, kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao nhờ đổ nhiều vốn và sử dụng nhiều lao động thì nay phải ra sức tăng năng suất, hiệu quả, nếu không sẽ tụt hậu xa hơn nữa.
Mục tiêu tới 2020 biến nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa trở thành hiện thực; nếu Nhà nước và cả người có tiền không gồng mình thắt lưng buộc bụng, cắt cơn bội chi ngân sách, rũ bỏ tình trạng "bóc ngắn cắn dài", nợ công tăng nhanh thì chẳng những không biết bao giờ mới trở thành nước công nghiệp hiện đại mà còn có thể rơi vào vòng xoáy “thu nhập trung bình”, thậm chí vỡ nợ.
Không ít người than vãn về những khiếm khuyết ở tầm vĩ mô, điều đó không phải không có lý và các cấp lãnh đạo phải lo. Nhưng nói cho cùng đất nước có hưng thịnh hay không tùy thuộc rất nhiều vào mỗi người dân. Làm sao dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh được nếu mỗi người không tự trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, thay đổi phong cách làm ăn, sinh sống?
Tóm lại chẳng nên quá đắm đuối “tự sướng”, thay vì chỉ tự so sánh mình dọc theo thời gian mà rất cần so đo với bàn dân thiên hạ theo chiều ngang. Đi đôi với niềm tự hào nên nuôi dưỡng chí khí thoát nghèo, vươn lên vị thế một nước giàu thì mới mở mày mở mặt được.
Thành phố Hồ Chí Minh sau 30 năm đổi mới trở thành một thành phố hiện đại, nghĩa tình
Đó là những chuyện bên trong. Về bên ngoài trong 30 năm đổi mới và mở cửa nước ta đã gặt hái được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. Ta hãy điểm lại xem. Quan hệ ngoại giao của nước ta đã mở rộng chưa từng thấy không chỉ sau 70 năm lập quốc mà cả mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước: nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 186 quốc gia, bao gồm tất cả các nước lớn Đông - Tây.
Môi trường quốc tế thuận lợi được củng cố, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhờ vậy kim ngạch xuất khẩu năm 2014 lên tới trên 150 tỷ USD; tổng số vốn đầu tư nước ngoài đã thực hiện lên tới khoảng 230 tỷ, tổng số tiền tài trợ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam cũng lên tới hàng trăm tỷ, hàng năm kiều hối chuyển về trên dưới một chục tỷ... Không có các khoản này chắc rằng kinh tế nước ta không khởi sắc được như ngày nay.
Hàng loạt hiệp định về biên giới trên bộ và trên biển với các nước xung quanh được ký kết, định rõ cương vực nước nhà, tạo thuận lợi cho việc bảo vệ và khai thác, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước láng giềng.
Khỏi phải nói, vị thế quốc tế của nước ta cao đến mức nào với sự tham gia tích cực vào hàng loạt thể chế khu vực, châu lục và toàn cầu quan trọng hàng đầu, nào là Liên Hợp Quốc, nào là ASEAN, nào là APEC, nào là ASEM, nào là WTO...
Bệ phóng cho những thành tựu đối ngoại chính là những thành tựu trong nước vì nói cho cùng nhân tố quyết định đối với thành bại trên mặt trận ngoại giao chính là nội lực. Nhưng như vậy chưa đủ. Một nhân tố khác làm nên kỳ tích là một đường lối đúng đắn, đáp ứng lợi ích quốc gia - dân tộc, thuận chiều với xu thế thời đại đi đôi với những phương châm tiến hành thích hợp.
Cái cốt lõi của đường lối đó là tinh thần độc lập tự chủ, kiên định về chiến lược, cơ động linh hoạt về sách lược, quán triệt tư tưởng thêm bạn bớt thù, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, sẵn sàng làm bạn và đối tác chân thành với mọi quốc gia trên thế giới miễn là tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.
Nói vậy không có nghĩa là mọi chuyện đều an bài, ta có thể gối cao đầu ngủ ngon, nhất là trong một thế giới đầy biến động hết sức phức tạp. Sự toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên biển Đông vẫn bị đe dọa; những rắc rối về tài chính - tiền tệ và kinh tế trên thương trường quốc tế cũng như sự cạnh tranh gay gắt trong quá trình hội nhập có thể tác động xấu tới kinh tế nước ta; những rắc rối, tranh giành giữa các nước khác, nhất là các nước lớn cũng có thể đặt nước ta trước tình cảnh “tai bay vạ gió”...
Người dân rộn ràng dạo phố, đón xuân - Ảnh: Vũ Phước
Nhìn lại 30 năm đổi mới ta có căn cứ để tự hào về những gì nhân dân ta đã làm được, đồng thời cũng nên nhận diện thật rõ những thách thức, mạnh dạn chỉ ra những thiếu sót, thậm chí sai lầm của chính mình, dũng cảm tháo gỡ những sự trói buộc, quyết tâm chỉnh sửa những điều chưa ổn để có thể ngẩng cao đầu khẳng định: Việt Nam nhất định sớm trở thành một quốc gia dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, có thể sánh vai cùng bạn bè năm châu về trình độ phát triển.
Vũ Khoan- nguyên Phó Thủ tướng