(CAO) Đầu tư cho phát triển Hà Nội thì không nên tham vọng Hà Nội tăng trưởng cao so với cả nước, đóng góp ngân sách lớn cho cả nước mà cần mong muốn phát triển toàn diện, văn hóa xứng tầm.
Tăng phí tác động đến dân như thế nào?
Trình Quốc hội đề nghị xây dựng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội sáng nay (9/6), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề xuất HĐND TP.Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn Hà Nội một số khoản thu đặc thù phù hợp với đặc điểm của thành phố.
Phiên thảo luận tại tổ TPHCM
Các khoản phí này hiện chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Dự thảo cũng đề nghị tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%) được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.
Thảo luận tại tổ nội dung này sau đó, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) băn khoăn việc giao cho Hà Nội thu phí chưa có trong danh mục. “Báo cáo thẩm tra chưa làm rõ nội dung này tác động đến dân thế nào, ý kiến dân ra sao?” - đại biểu Việt thắc mắc.
Theo đại biểu của Ninh Thuận, các loại phí sử dụng lòng lề đường, phí để xe... đều liên quan đến dân cả, nếu đại biểu Hà Nội bấm nút thông qua thì tác động đến ngay đến người nhà mình.
Cho rằng nếu được quyết định cơ chế đặc thù như Chính phủ trình thì Hà Nội có điều kiện hơn về kinh tế, đại biểu Việt lưu ý: “Đã có điều kiện thì nên giảm thu, đây thì lại không giảm mà lại tăng, theo chủ trương chung thì khoan thư sức dân làm gốc chứ đây tăng thu thì "ngược"".
Dẫn lại tờ trình của Chính phủ, năm nào nguồn thực hiện cải cách tiền lương của thành phố cũng dư cả mấy chục ngàn tỷ, ông Việt phàn nàn "thế mà tăng thu thì cần xem lại, hình như chưa lấy ý kiến dân và doanh nghiệp".
Đại biểu Việt tỏ ra chưa yên tâm và yêu cầu cần đánh giá kỹ việc tăng phí tác động đến sản xuất kinh doanh như thế nào.
Phải đưa ra yêu cầu cụ thể
Nhất trí cho Hà Nội cơ chế đặc thù nhưng đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) băn khoăn từ 2017 Hà Nội cũng đã có cơ chế đặc thù thì từ đó đến nay kết quả thực hiện thế nào, có phù hợp không, cần phải đánh giá lại mới có thực tiễn.
“Còn nếu chỉ có ý chí, chủ trương mà xây dựng ra chính sách thì chưa chặt chẽ” - ông Quân lưu ý.
Đại biểu Quân cũng chỉ ra, đã quyết định cho Hà Nội cơ chế đặc thù thì cũng phải đưa ra những yêu cầu cụ thể. “Vì cho cơ chế là cho tiền. Biệt thự Hà Nội bán sướng lắm, tiền nhiều lắm, thế thì có tiền rồi Hà Nội phải như thế nào" – ông Quân nói.
Nhận định "Thủ đô ta đẹp lắm, quy hoạch tốt, quản lý tốt…”, song vị Trưởng ban Đối ngoại của Đảng cũng đánh giá Thủ đô còn có nhiều cái chưa ổn.
“Đất nước mấy nghìn năm văn hiến mà chả có cái cổng thành nào ra hồn cả, chả có khải hoàn môn nào cả. Hồ Hoàn Kiếm thì càng ngày càng bé vì nhà xung quanh càng ngày càng cao khiến hồ như cái ao” – ông Quân phàn nàn.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) yêu cầu cần có tổng kết chính sách kể từ khi có Luật Thủ đô 2012. “Những đề xuất thay đổi phải làm sao thúc đẩy thủ đô phát triển xứng tầm” – bà Tâm nói.
Đánh giá về những điểm đề xuất mới, bà Tâm cho rằng không có gì mới vì Quốc hội cũng từng có những quyết sách như vậy với TPHCM. Đầu tư cho phát triển Hà Nội, theo bà Tâm, không nên tham vọng Hà Nội tăng trưởng cao so với cả nước, đóng góp ngân sách lớn cho cả nước mà cần mong muốn phát triển toàn diện, văn hóa xứng tầm.
“Đã thí điểm thì mạnh dạn thí điểm cho ra thí điểm và đánh giá để rút kinh nghiệm. Nếu thành công sẽ bổ sung mở ra hướng mới cho các địa phương. Lần này nếu Quốc hội cho Hà Nội tự chủ về tài chính thì Trung ương yêu cầu mỗi năm nộp ngân sách bao nhiêu, tỷ lệ bao nhiêu. Nền kinh tế cả nước lớn bao nhiêu thì lớn theo, số còn lại Hà Nội được dùng đầu tư cho sự phát triển của Hà Nội” – bà Tâm nêu quan điểm.