Chủ tịch nước gửi điện chia buồn Giáo hoàng Francis qua đời

Thứ Ba, 22/04/2025 23:35  | T.Nam

|

(CAO) Được tin Giáo hoàng Francis qua đời, ngày 22/4/2025, Chủ tịch nước Lương Cường đã gửi điện chia buồn đến Hồng y nhiếp chính Kevin Joseph Farrell.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Tòa thánh Vatican, Hồng y Pietro Parolin. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi điện chia buồn đến Bộ trưởng Ngoại giao Toà thánh Vatican, Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher.

 Giáo hoàng Francis

Vatican đã chính thức thông báo tang lễ của Giáo hoàng Francis sẽ được cử hành vào 10h (giờ địa phương, tức 15h theo giờ Việt Nam) ngày 26/4 tại Quảng trường Thánh Peter.

Theo kế hoạch, thi hài của Đức Giáo hoàng sẽ được đưa đến Vương cung thánh đường Thánh Peter vào 9h ngày 23/4 (giờ địa phương), để người dân có thể đến viếng và tỏ lòng kính trọng.

Hiện linh cữu của Giáo hoàng đang được quàn tại nhà nguyện của dinh thự Santa Marta, nơi ngài đã sinh sống suốt 12 năm trên cương vị người đứng đầu Giáo hội Công giáo.

Sáng 22/4, các Hồng y đã nhóm họp tại Vatican để thống nhất ngày tổ chức lễ tang.

Theo truyền thống của Giáo hội, tang lễ của một Giáo hoàng thường được tổ chức trong khoảng 4-6 ngày sau khi qua đời, với thánh lễ an táng diễn ra tại Quảng trường Thánh Peter.

Trước đó, Vatican đã công bố giấy chứng tử, trong đó cho biết Giáo hoàng Francis qua đời vì đột quỵ, dẫn đến hôn mê và suy tim không thể cứu chữa.

Theo tài liệu này, ngài trút hơi thở cuối cùng lúc 7h35 (giờ địa phương) ngày 21/4, tại căn hộ của mình trong dinh thự Santa Marta thuộc Vatican.

Linh cữu của Giáo hoàng hiện đang được quàn tại nhà nguyện của dinh thự Santa Marta

Ngược dòng thời gian, ngày 13/3/2013, thế giới chứng kiến một khoảnh khắc lịch sử khi Hồng y Jorge Mario Bergoglio từ Argentina được bầu chọn làm Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo.

Với tông hiệu Francis, ngài trở thành Giáo hoàng đầu tiên đến từ khu vực Mỹ Latin, cũng là người đầu tiên thuộc Dòng Tên và là người đầu tiên chọn tên thánh Francis Assisi – vị thánh biểu tượng của sự nghèo khó, hòa bình và bảo vệ thiên nhiên.

Đức thánh Cha sinh ngày 17/12/1936 tại Buenos Aires, Argentina, là con cả trong một gia đình gốc Italy nhập cư.

Trước khi bước vào con đường tu trì, ngài từng học kỹ thuật hóa học và làm việc tại một phòng thí nghiệm.

Năm 1958, ngài gia nhập Dòng Tên – một trong những dòng tu trí thức và uy tín nhất trong Giáo hội Công giáo.

Ngài được phong chức linh mục vào năm 1969 và dần đảm nhận các vai trò quan trọng, từ giám tỉnh Dòng Tên tại Argentina đến Tổng Giám mục Buenos Aires vào năm 1998.

Năm 2001, ngài được Giáo hoàng John Paul II phong Hồng y.

Trước khi trở thành Giáo hoàng, Hồng y Bergoglio đã nổi tiếng với lối sống giản dị, gần gũi người nghèo, thường xuyên đi lại bằng phương tiện công cộng và từ chối xa hoa.

Chính phong cách ấy đã theo ngài vào Vatican, khi ngài chọn sống tại Nhà Thánh Marta – nơi lưu trú của các linh mục làm việc tại Vatican.

Ngay từ những ngày đầu tiên trên ngôi vị đứng đầu Giáo hội, Giáo hoàng Francis đã gây chú ý với phong cách giản dị và các thông điệp mạnh mẽ về lòng thương xót, sự khiêm nhường và tinh thần phục vụ.

Ngài liên tục kêu gọi Giáo hội "ra khỏi chính mình" để đến với người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội.

Thay vì nhấn mạnh đến các luật lệ khắt khe, ngài tập trung vào sự tha thứ, đồng hành và yêu thương.

Năm 2015, Giáo hoàng phát thông điệp "Laudato Si'", kêu gọi bảo vệ Trái đất như "ngôi nhà chung" của nhân loại, đồng thời nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa khủng hoảng môi trường và sự bất công xã hội.

Không ngần ngại đối diện với những vấn đề gây tranh cãi trong Giáo hội, Giáo hoàng Francis đã thể hiện một thái độ cởi mở và đối thoại.

Ngài kêu gọi Giáo hội tiếp cận người đồng tính bằng lòng tôn trọng, xem xét lại cách thức đồng hành với người ly dị và mở rộng không gian cho phụ nữ trong các vai trò lãnh đạo.

Dù không thay đổi giáo lý truyền thống, nhưng cách tiếp cận mềm mại và nhân văn của ngài đã mang lại làn gió mới cho Giáo hội toàn cầu.

Giáo hoàng Francis đã có nhiều cuộc gặp gỡ mang tính biểu tượng với lãnh đạo các tôn giáo khác, như Đại giáo trưởng Hồi giáo Al-Azhar hay Đại giáo sĩ Shia ở Iraq – Ayatollah Ali al-Sistani.

Những lần tiếp xúc này thể hiện nỗ lực không ngừng của ngài trong việc xây dựng đối thoại liên tôn và giảm thiểu xung đột tôn giáo.

Thông điệp "Fratelli Tutti" được công bố năm 2020, giữa đại dịch COVID-19, là một lời mời gọi nhân loại xây dựng tình huynh đệ, vượt qua hận thù và chủ nghĩa cá nhân.

Trong đó, Giáo hoàng kêu gọi các quốc gia, tôn giáo và cá nhân hãy hành xử với nhau như những người anh em – không biên giới, không kỳ thị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang