Có nên cân nhắc ‘bỏ tuyến’ xe buýt sân bay?

Thứ Sáu, 24/07/2015 14:10  | Nguyễn Văn Mỹ

|

(CAO) Thực trạng việc duy trì hoạt động cho những thứ không mang đến nhiều hoặc không phát huy hết công năng luôn là vấn đề nhức nhối. Vấn đề của các tuyến xe buýt cũng không tránh khỏi hiện trạng trên, nhất là với tuyến xe buýt 152.

Xe buýt ra sân bay mang số 152, có trạm đầu là Trung Sơn, trạm cuối là ga quốc tế, không ghé trạm chờ nội địa, cách đó gần nửa km. Khi về thì xe có ghé ngang trạm nội địa như một trạm dừng bình thường.

Nhưng tình trạng chung của hầu hết hành khách đi trên tuyến xe buýt này, là khách từ sân bay thì rất ít đi vì sự bất tiện và vất vả do hành lý lỉnh kỉnh. Mặt khác, nhiều người không biết có trạm xe buýt đi qua.

Tuyến xe buýt 152 vẫn không “mặn mà” với "trạm chờ" nội địa - Ảnh: Đồng Thần

Dù báo chí đã phản ánh rất nhiều về chuyện này, Ban quản lý tuyến xe buýt cũng đã tiếp thu, điều chỉnh nhưng sau đó tuyến 152 vẫn không “mặn mà” với "trạm chờ" nội địa. Chỉ khi các cơ quan, báo đài lên tiếng, xe mới ghé các trạm nội địa. Cứ như trò “khắc nhập, khắc xuất”, nay lập mai bỏ, còn hơn chuyện đùa.

Khách bay quốc tế nhiều hành lý, khó mà đi xe buýt nổi, trừ mấy người nhà đưa đón có thể chấp nhận di chuyển bằng phương tiện này. Khách bay nội địa, kể cả người nước ngoài, hành lý gọn nhẹ hơn, mới sử dụng xe buýt nhiều hơn.

Có người suy diễn là xe buýt phải ưu tiên cho taxi kiếm ăn. Trong khi đáng lẽ, phải chia bớt thị phần thì không hiểu vô tình hay cố ý, lại tạo thế độc quyền cho taxi nên tình trạng càng bát nháo. Dư luận bức xúc, báo chí lên tiếng nhưng mọi thứ vẫn cứ như “điếc không sợ súng” nên ngày càng tệ.

Nếu xét trong vấn đề tương tự ở tuyến xe buýt vận chuyển khách từ sân bay Nội Bài vào thành phố Hà Nội, dù đường xa gấp 4 lần nhưng Nội Bài làm tốt hơn nhiều so với Tân Sơn Nhất.

Nếu tính đến chuyện vận chuyển hành khách từ sân bay vào nội thành thì xe buýt đang vận hành ở ga Nội Bài đang làm tốt hơn ga Tân Sơn Nhất - Ảnh: Đồng Thần

Khách có nhiều lựa chọn hơn, tạo sự thoải mái. Mặt khác, Nội Bài có xe buýt bù lỗ, xe buýt hạch toán, xe buýt của các hãng hàng không. Nhưng hầu hết lại chưa chú trọng đến khách quốc tế.

Dĩ nhiên, các tuyến xe buýt phục vụ tại sân bay, nhất là tại ga quốc tế thì càng thu hút khách nước ngoài nhưng trên xe buýt toàn chữ Việt. Các thông báo cũng toàn tiếng Việt trong khi tài xế đa phần lại không biết tiếng Anh. Nếu vậy, chẳng khác nào phải thông báo rộng rãi, xe buýt chỉ dành cho người Việt và khách nước ngoài biết tiếng… Việt.

Cách giải quyết đơn giản hơn là làm bảng thông báo tại sân bay, bảng chữ tiếng Anh trên xe buýt để khách nước ngoài không gặp rắc rối, đồng thời có nhiều phương án lựa chọn hơn trong di chuyển.

Trong khi phương án đó có thể đi kèm với việc quảng bá cho một số tuyến xe buýt khác chuyên cho du lịch nội thành. Mà cả TP.HCM và Hà Nội vốn vẫn đang triển khai.

Thiết nghĩ nên bỏ tuyến xe buýt bù lỗ, thay vào đó là các loại xe buýt hạch toán đa dạng như Nội Bài đang làm - Ảnh: Đồng Thần

Khách đi máy bay, dù là hàng không giá rẻ, vẫn có đủ thậm chí là dư “điều kiện” để trả tiền vé cho tuyến xa buýt từ sân bay vào nội thành, chứ không cần bù lỗ mấy ngàn đồng mỗi lượt như hiện nay.

Thiết nghĩ nên bỏ tuyến xe buýt bù lỗ, thay vào đó là các loại xe buýt hạch toán đa dạng như Nội Bài đang làm. Vừa chở được nhiều hành lý, vừa phục vụ 24/24 giờ mỗi ngày, để hành khách thoải mái chọn lựa.

Việc này, cũng giúp chủ động được việc quản lý và thời gian vận hành. Chẳng hạn, từ 21 giờ – 5 giờ có thể tăng giá 20%. Trạm đầu nên là Bến Thành, trạm cuối cần thiết là ga nội địa.

Các trạm dọc dường thì linh động và dãn cách, không dày như các tuyến buýt bù lỗ. Việc làm này, vừa tiết kiệm ngân sách, làm lợi cho nhà nước, vừa thuận tiện cho người dân và du khách. Chuyện nhỏ nhưng hiệu quả mang lại thực chất là rất lớn, cần giải quyết ngay chứ không nên để tồn tại như hiện nay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang