(CAO) Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách xử lý đối với loại tội phạm này, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy, trật tự công cộng nói riêng.
Gửi kiến nghị tới Bộ Tư pháp, cử tri tỉnh Tiền Giang cho rằng cần nghiên cứu trình Quốc hội sớm sửa đổi Bộ luật Hình sự và các luật khác có liên quan theo hướng tăng nặng các khung hình phạt đối với các tội phạm về ma túy, tội phạm xâm phạm trật tự an ninh xã hội nhằm tạo tính răn đe, phòng ngừa chung trong toàn dân.
Hồi âm cử tri, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, với những tội phạm có tính chất nguy hiểm cao cho xã hội, Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã thể chế hóa quan điểm xử lý nghiêm khắc nhằm tạo tính răn đe, phòng ngừa chung trong toàn xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Cụ thể, ông Long cho biết, với nhóm tội phạm về ma túy, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 13 tội danh, trong đó có 9 tội danh thuộc chương tội phạm về ma túy là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình như tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251)…
Ngoài ra, trong từng tội còn quy định hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 đến 5 năm.
Với các hành vi xâm phạm trật tự công cộng có tính nguy hiểm cao cho xã hội, Bộ trưởng Long thông tin, Bộ Luật Hình sự năm 2015 cũng đã quy định hình phạt nghiêm khắc để xử lý như hành vi chứa mại dâm đã quy định mức hình phạt cao nhất là tù chung thân (Điều 327); hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại Điều 317, quy định hình phạt cao nhất là hình phạt tù 20 năm.
“Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã quy định chế tài xử lý nghiêm khắc với nhóm tội phạm về ma túy và nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng” - Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh và cho biết, Bộ Tư pháp cùng với các cơ quan có liên quan sẽ tiếp tục theo dõi, tổng kết, đánh giá áp dụng quy định của bộ luật này trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, trật tự công cộng. Qua đó, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách xử lý đối với loại tội phạm này, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy, trật tự công cộng nói riêng.
Vẫn trong kiến nghị gửi Bộ Tư pháp, cử tri nhận định, Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về “tội không chấp hành án” chưa đủ sức răn đe để xử lý tội phạm tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
“Trong điều kiện ngày càng có nhiều vụ án tham nhũng tài sản giá trị hàng nghìn tỷ đồng phải thi hành án nhưng không thu hồi được thì cần sửa đổi Điều 380 Bộ Luật Hình sự” - cử tri nhìn nhận và kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Điều 380 quy định “tội không chấp hành án” thành “tội không thực hiện nghĩa vụ thi hành án” để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và đảm bảo xử lý thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long diễn giải, Điều 380 của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về “tội không chấp hành án”. Theo đó, với trường hợp có điều kiện nhưng không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Trong các vụ án tham nhũng, tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt sẽ được thực hiện thông qua bản án của tòa án. Trường hợp người bị kết án về tội tham nhũng có trách nhiệm nộp lại nhà nước tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt do hành vi phạm tội gây ra có điều kiện mà không chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án” – ông Long nêu rõ.
Như thế, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định đầy đủ chế tài xử lý đối với hành vi không thi hành án của người bị kết tội tham nhũng.
Với đề xuất của cử tri sửa đổi Điều 380 từ “tội không chấp hành án” thành “tội không thực hiện nghĩa vụ thi hành án”, Bộ trưởng Long đánh giá, phạm vi quy định của điều luật sẽ bị thu hẹp.
“Điều 380 không chỉ quy định hành vi không chấp hành án khi có điều kiện và đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” - Bộ trưởng phân tích.
Cạnh đó, Điều này còn quy định cả trường hợp không chấp hành quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn với tên điều luật là không thực hiện nghĩa vụ thi hành án thì phạm vi quy định, theo Bộ trưởng, chỉ áp dụng đối với trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thi hành bản án của tòa án.