(CAO) Sau 50 năm, những người lính năm xưa từng có mặt trong đoàn quân chiến thắng tiến vào Dinh Độc Lập lại có dịp gặp nhau đầy xúc động trong những ngày cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Chiều 10/4, đoàn đại biểu đến từ các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai gồm 100 cán bộ chiến sĩ và những người trực tiếp tham gia làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 đã có cuộc hội ngộ đầy xúc động tại Dinh Độc Lập, nơi ghi dấu khoảnh khắc lịch sử khi cánh cổng sắt bị xe tăng quân giải phóng húc đổ và lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh vào trưa ngày 30/4/1975. Chương trình do Công an TPHCM tổ chức thực hiện.

Cuộc hội ngộ xúc động sau 50 năm của những người lính tại Dinh Độc Lập
Sau 50 năm, những mái tóc xanh của những người lính trong đoàn quân chiến thắng ngày nào giờ đã bạc trắng. Những đôi chân từng băng rừng, vượt đèo giờ đã bước chậm, run run nhưng vẫn đầy khí chất của một thời hoa lửa.

Nhiều người lính đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường
Trở lại thăm Dinh Độc Lập, những người lính năm xưa như được sống lại với những năm tháng tuổi trẻ hào hùng của những ngày Tháng 4 lịch sử. Ông Trần Văn Bình (SN 1954, ngụ TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) là chiến sĩ pháo binh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 cho biết khi tiến vào Dinh Độc Lập ông mới 21 tuổi.

Những người lính năm xưa bên chiếc xe tăng 843 đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập
“Quân đoàn 2 chúng tôi đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu vào trung tâm Sài Gòn, với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: đánh chiếm Dinh Độc Lập – cơ quan đầu não cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Đến trưa ngày 30/4/1975, chúng tôi đã cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào Dinh Độc Lập trong niềm vui sướng tột độ vì biết rằng chiến tranh đã kết thúc”, ông Trần Văn Bình xúc động nhớ lại.
Tương tự, ông Lê Ngọc Chuyn (SN 1952, quê Hà Tĩnh, hiện sống tại Bình Dương) trên ngực mang đầy huân huy chương cho biết khi tiến vào Dinh Độc Lập ông là lính của Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Trước đó đơn vị ông trực tiếp tham gia trận đánh mở toang “cánh cửa thép” Xuân Lộc rồi được giao nhiệm vụ đánh từ Biên Hòa, vượt sông Đồng Nai tiến vào nội đô Sài Gòn.
“Hồi đó chúng tôi phần lớn chỉ mới mười tám, đôi mươi, vào trận đánh là chỉ biết tiến về phía trước, không màng sống chết. Đến giờ nhìn lại, rất nhiều đồng đội đã nằm lại mãi mãi nơi chiến trường, không thấy được niềm vui của ngày Đất nước thống nhất. Hôm nay gặp lại nhau ở đây, thấy vui mà cũng xót xa lắm”, ông Lê Ngọc Chuyn ngậm ngùi.

Cùng chụp hình lưu niệm bên chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập
Những người lính của mùa Xuân 1975 năm xưa cùng nhau trở về Dinh Độc Lập hôm nay giờ là các cụ ông tóc bạc, da nhăn ngồi quây quần, kể lại từng mẩu chuyện tưởng đã phai mờ theo năm tháng. Họ không nói nhiều về chiến công mà chỉ nói về đồng đội, về những người đã nằm lại đâu đó trên dọc dài đất nước.

Khi tiến vào Dinh Độc Lập họ mới chỉ "mười tám, đôi mươi" nhưng nay tóc đã bạc
Họ kể về những buổi hành quân dài trong mưa rừng, những cái Tết ngoài mặt trận, những đêm trắng nằm cạnh nhau nghe tiếng pháo địch. Và để hôm nay được ngồi cạnh nhau trong hoà bình.
Không còn tiếng súng, không còn âm thanh của chiến tranh, chỉ còn tiếng cười khàn khàn xen lẫn nước mắt khi họ gọi nhau bằng những cái tên cũ kỹ, hỏi han về những đồng đội không còn có mặt. Những bàn tay chai sần nắm chặt lấy nhau, như giữ lại chút thời gian đã trôi qua quá nhanh.

Niềm vui của những người lính gặp lại nhau sau 50 năm
Dinh Độc Lập, nơi từng là biểu tượng của chiến thắng, hôm nay trở thành nơi hội ngộ của những trái tim đã trải qua chiến tranh và trân quý hòa bình. Những người lính năm xưa trở về không chỉ để gặp nhau, mà còn để nhắc nhở thế hệ hôm nay: hòa bình là điều thiêng liêng và rất nhiều máu xương của bao thế hệ cha anh đã anh dũng ngã xuống để có được hòa bình hôm nay.
(CAO) Đây là dịp để các đại biểu ôn lại những ký ức hào hùng, tươi đẹp và oanh liệt của CBCS và những người đã trực tiếp tham gia làm nên Đại thắng mùa xuân lịch sử cách đây 50 năm. Đồng thời chứng kiến, trải nghiệm những công trình hiện đại, ghi dấu cho sự phát triển và đổi thay của TPHCM.