ại cuộc họp báo công bố về tình hình kinh tế-xã hội chín tháng năm 2021, ngày 29/9, bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế trong chín tháng tuy không phải là mức cao nhưng an sinh xã hội được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát.
Kết quả này có được là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
TPHCM đã chi hỗ trợ người dân trên 5.446 tỷ đồng
Bà Hương cho biết tính đến ngày 21/9, tổng kinh phí đã hỗ trợ trên cả nước là gần 13.800 tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng; trong đó 11.400 tỷ đồng được chi cho 23 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh, đồng thời xuất cấp 136.349 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho hơn 2,4 triệu hộ gia đình với gần 9,1 triệu nhân khẩu gặp khó khăn do dịch trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng TPHCM đã chi trên 5.446 tỷ đồng (chiếm 40% toàn quốc) hỗ trợ trên 4,81 triệu đối tượng (chiếm 27,3% toàn quốc) và trao 1,8 triệu túi an sinh xã hội cho người dân.
Bên cạnh đó, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng trong chín tháng là 10.434 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 4.014 tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ cận nghèo là 1.624 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ cứu đói cho các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khác là 2.349,1 tỷ đồng, hỗ trợ người dân do tình hình bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn… là 2.446,1 tỷ đồng đồng. Hơn 29,3 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.
Cũng theo bà Hương, do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh nên tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020 và đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Theo đó, GDP chín tháng chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, bà Hương dự báo sang quý 4, kinh tế-xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.
Mặt khác, mặc dù tiêm chủng vaccine COVID-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ nhưng nguy cơ phục hồi của kinh tế thế giới vẫn mong manh, việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu còn hiện hữu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải... Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
CBCS Công an TPHCM mang lương thực, nhu yếu phẩm đến từng nhà dân khó khăn do dịch bệnh để trao tặng - Ảnh: Đức Nam
Sớm ban hành hướng dẫn sống chung an toàn với dịch bệnh
Để đạt mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2021 ở mức cao nhất có thể, bà Hương cho rằng cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, bà Hương cho rằng trước hết cần thực hiện kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 gắn với mở rộng cơ sở tiêm, đối tượng tiêm. Bộ Y tế cần sớm xây dựng và hướng dẫn thực hiện Khung y tế phòng chống dịch để sống chung an toàn với dịch bệnh, sớm ổn định đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
Hai là tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm; đặc biệt chính sách hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập, lao động phi chính thức cần được triển khai hiệu quả với phương châm “không để ai bị bỏ lại.”
Ba là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, trên cơ sở thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng.
“Chúng ta cần từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung nguồn lực khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là yêu cầu cấp thiết để tránh tác động dài hạn đến động lực tăng trưởng của nền kinh tế, làm suy giảm, cạn kiệt sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài,” bà Hương nói.
Bốn là tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính-ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, hoàn thiện các quy trình thủ tục, bảo đảm đơn giản, thuận tiện cho triển khai dự án đầu tư công và thực hiện giải ngân, mở rộng hợp tác công tư.
Năm là theo dõi sát thị trường trong nước và quốc tế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất, nhập khẩu. Để khắc phục tình trạng nhập siêu, chính phủ cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước đồng thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ miễn, giảm các loại phí cho các doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Cuối cùng, bà Hương cho rằng cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.
(CAO) Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.