Đánh giá các giải pháp khoa học, công nghệ sinh trắc học phục vụ triển khai Luật Căn cước

Thứ Ba, 06/02/2024 20:29  | Mai Loan

|

(CAO) Chiều 06/2, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo quốc gia lần thứ nhất đánh giá các giải pháp khoa học công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học cũng như lãnh đạo nhiều tập đoàn, công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam và thế giới; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Công an…

 
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu khai mạc hội thảo

Quá trình triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư, hệ thống sản xuất, cấp Căn cước công dân và hệ thống định danh xác thực điện tử đã thực hiện được những bước đi cơ bản, đúng và trúng với tình hình thực tiễn tại Việt Nam và xu hướng quốc tế. Việc triển khai thực hiện các tiện ích công nghệ cho người dân đã được thực hiện đồng bộ xuyên suốt với các ứng dụng, xác thực về sinh trắc, các tiện ích về chíp trên thẻ Căn cước, về định danh điện tử đã giúp giảm và rút gọn các thủ tục hành chính và thân thiện với người dân.

Hiện nay, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về ADN, mống mắt, giọng nói phục vụ quản lý dân cư và đấu tranh phòng chống tội phạm, thiên tai thảm họa, tìm kiếm tung tích nạn nhân...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, Hội thảo nhằm đánh giá về các nội dung mới của Luật Căn cước, trong đó có nội dung bổ sung thông tin sinh trắc học ADN, mống mắt, giọng nói vào Cơ sở dữ liệu Căn cước. Đồng thời, đánh giá tổng quan về công nghệ, giải pháp về sinh trắc học ADN, mống mắt, giọng nói mà các đơn vị đã, đang triển khai; đồng thời chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, làm rõ các nội dung về tính pháp lý triển khai các giải pháp, nguyên nhân lựa chọn, kinh phí để thực hiện triển khai; xây dựng, bổ sung các tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước.

Để phục vụ việc hoàn thiện pháp lý, công nghệ, giải pháp hạ tầng kỹ thuật về nội dung sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc mong muốn tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, các nhà khoa học chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về các bước xây dựng và triển khai cơ bản, xa hơn nữa là ứng dụng, quản trị vận hành có hiệu quả nhằm phục vụ triển khai Luật Căn cước đạt hiệu quả cao trong thực tiễn…

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng nhấn mạnh, Bộ Công an rất cầu thị, lắng nghe, tiếp thu đầy đủ những ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế để bổ sung các nội dung liên quan. Đồng thời báo cáo Chính phủ lựa chọn phương án tối ưu, hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất, chống lãng phí, phục vụ phát triển của đất nước trong giai đoạn mới…

Tại Hội thảo, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã nêu tổng quan nhiệm vụ, đánh giá các giải pháp khoa học, công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước.

Đại tá Vũ Văn Tấn phát biểu

Tại Hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham luận nhiều nội dung quan trọng nhằm đánh giá các giải pháp khoa học, công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước như: Tổng quan nhiệm vụ đánh giá các giải pháp khoa học, công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước; Tổng quan trong nước và quốc tế về chuyển đổi số liên quan sinh trắc học, xu hướng và ứng dụng thực tiễn; Tổng quan trong nước và quốc tế về sinh trắc ADN, đề nghị xây dựng khung pháp lý và ứng dụng thực tiễn tại Việt Nam; Quản lý, khai thác, ứng dụng dữ liệu sinh trắc giọng nói; Các vấn đề y tế và xã hội trong thu thập và khai thác thông tin sinh trắc học về ADN…

Các đại biểu tại hội thảo

Theo GS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán cho rằng với ADN được thu thập bằng cách trích xuất ADN từ mẫu sinh học, với giọng nói thu thập bằng ghi âm giọng nói cá nhân, còn với mống mắt thu thập bằng chụp ảnh mống mắt phân giải cao. Cũng theo GS Hồ Tú Bảo với ADN ưu điểm độ chính xác cao, không thể giả mạo, lưu trữ lâu dài, tuy nhiên cũng có nhược điểm đó là chi phí cao, yêu cầu thiết bị phức tạp, gây xâm lấn.

Đối với mống mắt thì độ chính xác cũng cao, không thể giả mạo, dễ dàng sử dụng nhưng vẫn còn tồn tại đó là thiết bị tương đối phức tạp, gây xâm lấn. Còn đối với giọng nói có ưu điểm chi phí thấp, dễ dàng sử dụng, thiết bị đơn giản, nhưng nhược điểm là môi trường và ngôn ngữ có thể ảnh hưởng độ chính xác, có thể bị giả mạo…

Bình luận (0)

Lên đầu trang