Kỳ họp thứ 22 Hội đồng Nhân dân TPHCM khóa X:

Dấu ấn trách nhiệm, tinh thần đổi mới và khát vọng phát triển

Thứ Bảy, 19/04/2025 07:41

|

(CATP) Trưa 18/4, kỳ họp thứ 22 của Hội đồng Nhân dân TPHCM (HĐNDTP) khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026 chính thức khép lại sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao. Kỳ họp lần này không chỉ để xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua các nội dung cấp bách về kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh, mà còn để thể hiện tầm nhìn, khát vọng vươn lên của Thành phố (TP) mang tên Bác trong giai đoạn tăng tốc chuẩn bị bước vào chặng đường phát triển mới với nhiều thách thức và cơ hội.

Định hướng hành động cho năm bản lề

Phiên bế mạc kỳ họp diễn ra trang trọng với sự hiện diện các lãnh đạo cao nhất của TPHCM: Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch UBND TPHCM (UBNDTP) Nguyễn Văn Được, Chủ tịch HĐNDTP Nguyễn Thị Lệ.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐNDTP Nguyễn Thị Lệ đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu HĐND cùng sự chuẩn bị chu đáo từ các cơ quan chuyên môn và khẳng định kỳ họp lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi HĐNDTP đã thông qua 17 nghị quyết (NQ), trong đó có nhiều nội dung mang tính cấp thiết, tạo nền tảng pháp lý và định hướng để TP tăng tốc, phát triển bền vững trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Đáng chú ý, HĐNDTP đã cho ý kiến và thống nhất thông qua các nội dung trọng yếu như: danh mục các công trình, dự án (DA) cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; phân bổ chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các sở, ngành, địa phương; đề án sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã chưa đạt chuẩn theo tiêu chí diện tích và dân số...

Toàn cảnh Kỳ họp lần thứ 22 HĐNDTP khóa X

Những quyết sách này đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền TP đồng thời giải quyết căn cơ các điểm nghẽn về thể chế, nguồn lực và cơ chế phối hợp. Việc triển khai hiệu quả các NQ này sẽ là chìa khóa giúp TPHCM tận dụng tốt thời cơ, hóa giải thách thức để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, trung tâm tài chính - khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.

Một trong những điểm nhấn văn hóa (VH) đặc biệt tại kỳ họp là đề xuất đặt tên "Sài Gòn" cho một phường trung tâm TP - nơi tập trung nhiều công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, là trái tim lịch sử và VH của vùng đất Nam Bộ. Đây là đề xuất nhận được sự quan tâm, đồng thuận rộng rãi từ người dân và các đại biểu HĐND. Dù có những băn khoăn ban đầu nhưng cuối cùng các đại biểu đã thống nhất với đề xuất của UBNDTP.

Việc đặt tên phường "Sài Gòn" không đơn thuần là động thái hành chính, mà mang ý nghĩa tôn vinh một biểu tượng lịch sử, khơi dậy ký ức, niềm tự hào của bao thế hệ người dân TP. Tên gọi ấy không chỉ được gìn giữ trong VH dân gian, âm nhạc, thi ca, mà còn là điểm kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai, góp phần quảng bá hình ảnh TPHCM trên bản đồ du lịch quốc tế.

2025 - năm bản lề để tăng tốc, về đích

Theo Chủ tịch HĐNDTP Nguyễn Thị Lệ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là thời điểm TP phải tăng tốc, bứt phá để hoàn thành cao nhất các mục tiêu NQ Đại hội (ĐH) Đảng bộ TP lần thứ XI đồng thời là giai đoạn chuẩn bị cho ĐH Đảng các cấp, tiến tới ĐH Đảng bộ TP lần thứ XII.

Với chủ đề năm 2025 được xác định là "Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số; triển khai NQ98/2023/QH15; giải quyết cơ bản các tồn đọng, vướng mắc", lãnh đạo HĐNDTP yêu cầu UBNDTP và các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, hành động quyết liệt, sáng tạo để biến NQ thành hiện thực.

Đặc biệt, việc triển khai NQ98 về cơ chế đặc thù phát triển TPHCM cần tiếp tục được xem là đòn bẩy chiến lược. Đây chính là "chiếc chìa khóa vàng" mở cánh cửa cho các giải pháp tài chính, quy hoạch, đầu tư hạ tầng, tổ chức bộ máy và cả cải cách thể chế hành chính, giúp TP tháo gỡ những "nút thắt" kéo dài nhiều năm.

Để các NQ sớm đi vào cuộc sống, Chủ tịch HĐNDTP Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, vận động trong hệ thống chính trị, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Việc tổ chức sắp xếp ĐVHC phải gắn với tâm tư, nguyện vọng của người dân, tạo sự đồng thuận cao từ cơ sở để chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được triển khai suôn sẻ, hiệu quả.

Chủ tịch HĐNDTP Nguyễn Thị Lệ đề nghị các sở, ngành, đơn vị trực thuộc UBNDTP khẩn trương tham mưu, hoàn thiện các đề án sắp xếp, trình Bộ Nội vụ thẩm định, báo cáo Chính phủ đúng tiến độ và quy định pháp luật. Bên cạnh đó, HĐNDTP và các ban, tổ đại biểu cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát, phối hợp cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để bảo đảm mọi NQ được triển khai hiệu quả, đúng pháp luật, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Kỳ họp thứ 22 HĐNDTP khóa X khép lại trong không khí đồng thuận, quyết tâm và trách nhiệm cao. Những NQ được thông qua không chỉ mang tính kỹ thuật, hành chính, mà còn mang theo khát vọng phát triển, gìn giữ bản sắc và nâng tầm vị thế TPHCM trong giai đoạn mới.

Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, tinh thần đổi mới và ý chí hành động mạnh mẽ, TPHCM đang bước vào giai đoạn then chốt với niềm tin rằng: Thành phố sẽ tiếp tục là đầu tàu kinh tế, là nơi khơi nguồn sáng tạo và là điểm đến VH - du lịch hấp dẫn của Châu Á trong tương lai không xa.

Ngày 18/4, tại Kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề), HĐNDTP khóa X đã thông qua 2 NQ quan trọng liên quan đến hạ tầng giao thông (GT). Thứ nhất là NQ chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh), với tổng mức đầu tư hơn 6.285 tỷ đồng từ ngân sách TP, giữ vai trò kết nối vùng, giảm tải cho hệ thống GT hiện hữu và hình thành trục chính đô thị mới nối trung tâm TP với khu Nam, dự kiến khởi công năm 2026 và hoàn thành vào năm 2028, được chia làm 2 thành phần: bồi thường, hỗ trợ tái định cư và đầu tư xây dựng.

Nghị quyết thứ 2 liên quan đến đầu tư đường Vành đai 4 TPHCM - tuyến GT chiến lược dài hơn 159km đi qua nhiều tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 120.412 tỷ đồng. Dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển KT-XH liên vùng, tăng năng lực vận tải, giảm thời gian lưu thông và đóng vai trò quan trọng trong kết nối giữa các trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, cảng biển, sân bay và khu công nghiệp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang