ĐBQH đề nghị làm rõ nhiều nội dung quan trọng của dự Luật Công chứng

Thứ Ba, 25/06/2024 11:04  | Thanh Hòa

|

(CAO) Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thêm một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Sáng 25/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Làm rõ vai trò của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng viên

Cho ý kiến về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho biết, Luật Công chứng năm 2014 có quy định riêng về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.

Theo đó, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là loại hình bảo hiểm bắt buộc; đồng thời quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho công chứng viên của tổ chức mình. Dự thảo luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính cho rằng, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên không phải là bảo hiểm bắt buộc vì không bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội nên đã bỏ quy định này trong dự thảo luật, nhưng vẫn quy định nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng mua bảo hiểm cho công chứng viên của tổ chức mình tại khoản 5 Điều 34.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển tham gia thảo luận

Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thêm và làm rõ vai trò, sự cần thiết của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên để có quy định phù hợp. Theo đại biểu, công chứng viên ngoài chức năng cung cấp dịch vụ, còn có chức năng xã hội quan trọng, phòng ngừa tranh chấp góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội. Do đó, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên cần tiếp tục được coi là loại hình bắt buộc và phải quy định trong luật, bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Về miễn nhiệm công chứng viên đã quá 70 tuổi, đại biểu Đỗ Đức Hiển nêu thực tế số công chứng viên đang hành nghề trên 70 tuổi không nhiều, trong đó có những công chứng viên nhiều kinh nghiệm vẫn đủ sức khỏe hành nghề, đã xây dựng được các thương hiệu công chứng lớn, có uy tín tại các địa bàn như Hà Nội và TPHCM.

Đối với những công chứng viên không đủ sức khỏe hành nghề hoặc không ngành nghề liên tục từ 12 tháng trở lên đã thuộc trường hợp bị miễn nhiệm theo quy định của luật… Bên cạnh đó, công chứng là một nghề tư pháp nên việc quy định các biện pháp nhằm quản lý chất lượng nghề nghiệp sẽ phù hợp hơn thay vì miễn nhiệm chỉ căn cứ vào độ tuổi.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thêm, trường hợp cần thiết quy định miễn nhiệm công chứng viên quá 70 tuổi nên kéo dài thời gian chuyển tiếp 2 năm để công chứng xử lý công việc để bảo đảm tài sản cũng như vốn góp của mình trong tổ chức hành nghề công chứng…

Công chứng phải là một dịch vụ công

Phát biểu tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa-Đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, trong toàn bộ dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) còn thiếu 1 định nghĩa rất quan trọng là: Công chứng là một dịch vụ công. Vì các giao dịch dân sự của nhân dân, của doanh nghiệp rất nhiều nhưng họ cần sự xác nhận có thực của cơ quan nhà nước. Và công chứng ra đời với ý nghĩa đó. Ở nhiều quốc gia khác (như Anh, Mỹ…) cũng xác nhận công chứng là một dịch vụ công.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tranh luận

Vì vậy, dịch vụ công này có thể được thực hiện bởi cơ quan nhà nước và nhiều quốc gia cũng lập phòng công chứng, trao cho các công chứng viên Nhà nước. Nhưng để giảm bớt gánh nặng và tinh giản biên chế, nhiều quốc gia cho phép các công chứng viên tư nhân làm việc này với tư cách được ủy quyền thực hiện các dịch vụ công, khác với dịch vụ pháp lý của luật sư. Luật sư hoàn toàn là dịch vụ tư như các dịch vụ tư nhân khác.

Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc thành lập các văn phòng công chứng tư cần tránh trở thành loại dịch vụ tư, trách nhiệm của công chứng viên cần được định nghĩa khác đi. “Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) hiện đang thiếu định nghĩa này, do đó đề nghị cần bổ sung định nghĩa này”, đại biểu nêu rõ.

Tham gia thảo luận, cơ bản thống nhất với hồ sơ trình dự án Luật Công chứng, nhưng để hoàn thiện hơn dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TPHCM thì nêu một số ý kiến góp ý.

Cụ thể, về công chứng bản dịch, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh tán thành nội dung sửa đổi so với Luật hiện hành và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc quy định việc công chứng viên chứng thực chữ ký của người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực, công chứng viên không chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của bản dịch như Luật hiện hành vì theo quy định tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật này về giải thích từ ngữ, công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản, bản dịch không phải là giao dịch dân sự nên không thuộc phạm vi công chứng của công chứng viên mà thuộc lĩnh vực chứng thực.

Về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng tại Điều 20 của dự thảo Luật này, đại biểu đề nghị nên cân nhắc bởi một số lí do: các văn phòng công chứng tư nhân do một số công chứng viên thành lập có thể có các công chứng viên hợp đồng, nhưng họ không thể chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hoạt động của văn phòng công chứng; hiện nay, các địa phương được xem xét, quyết định việc chuyển giao các hợp đồng giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng nếu đủ điều kiện nên các địa phương có thể chủ động trong việc đảm bảo phân bố các tổ chức hành nghề công chứng,…

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Từ những lí do trên, đại biểu Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhận thấy chỉ nên duy trì mô hình văn phòng công chứng hợp danh để đảm bảo trách nhiệm pháp lý của văn phòng đối với các cơ quan tổ chức và khách hàng của văn phòng công chứng.

Liên quan đến thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cân nhắc đối với đề xuất mở rộng phạm vi các giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

“Đây là mục tiêu chúng ta hướng đến, nhưng nếu quy định ngay trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp với thực trạng của Việt Nam, vì việc xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản ở Việt Nam mới đang bắt đầu ở một số địa phương, tính chính xác của số liệu và thông tin liên quan cần có quá trình hoàn thiện, hạ tầng cơ sở về trang thiết bị không đồng đều giữa các địa phương trên cả nước”- đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu quan điểm.

Trước đó, điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ngày 17/06/2024, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), sau đó Quốc hội đã thảo luận tại tổ và đã có 106 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận.

Ngay sau phiên thảo luận tổ, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận tại tổ và có báo cáo tổng hợp gửi đến đại biểu Quốc hội. Cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra - Ủy ban Pháp luật tổ chức nghiên cứu giải trình thảo luận tại tổ và có Báo cáo số 256 ngày 24/6/2024 gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Nhìn chung, các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tán thành với các quy định của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và góp ý thêm nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang