Cần bổ sung quy định truy cứu hình sự các trường hợp mua bán thai nhi

Thứ Hai, 24/06/2024 12:34

|

(CAO) Theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay, chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra, nên chưa thể coi là đối tượng hành vi phạm tội. Vì vậy, cơ quan chức năng không có căn cứ pháp lý để xử lý hình phạt về hành vi mua bán thai nhi.

Sáng 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Mua bán người là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người cho phù hợp với thực tiễn và phù hợp với các chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định tại một số dự án Luật mới có liên quan đến đến việc phòng, chống mua bán người được sửa đổi, bổ sung.

Đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm từ năm 2018 đến năm 2022 cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người. Nếu như trong giai đoạn trước đây từ 2012- 2020 mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài chiếm trên 80% số vụ, thì thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước, riêng năm 2022 số vụ mua bán trong nước chiếm đến 45% tổng số vụ.

Mua bán người được Liên Hợp quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Ngày nay, công nghệ phát triển các đối tượng chỉ cần ngồi tại một vị trí sử dụng mạng zalo, facebook để kết nối dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi mua bán nạn nhân ngay trong nội địa.

Quốc hội thảo luận về dự án luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, việc để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết.

Về nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, số vụ phạm tội mua bán người có chiều hướng gia tăng hằng năm, đặc biệt thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá.

Theo đại biểu, hành vi mới xuất hiện là mua bán thai nhi trong bụng mẹ, việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra dẫn tới khó khăn cho công tác xử lý. Theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay, chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra; còn khi vẫn đang trong bào thai bụng mẹ, chưa thể coi là con người, chưa là đối tượng hành vi phạm tội. Vì vậy, cơ quan chức năng không có căn cứ pháp lý để xử lý hình phạt về hành vi mua bán thai nhi.

Trong khi đó, pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay chưa quy định đối với trường hợp mua bán thai nhi, vì thai nhi chưa phải là trẻ em được sinh ra, tuy nhiên trên thực tiễn hiện nay tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm đạo đức vi phạm thuần phong mỹ tục và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này; do đó cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.

Các đại biểu tại phiên thảo luận

Đồng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cũng nhấn mạnh tính cấp thiết về việc xem xét bổ sung quy định liên quan đến hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ vào dự thảo luật.

Theo đó, về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn của đề xuất này, đại biểu cho biết, theo các công ước quốc tế về quyền trẻ em, trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ; việc mua bán thai nhi có thể xem là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em. Điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán.

Đại biểu đề nghị, việc tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình. Thai nhi mặc dù chưa sinh ra nhưng cần được bảo vệ như một con người với đầy đủ các quyền cơ bản. Việc mua bán thai nhi không chỉ là vi phạm quyền của thai nhi, mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người.

Việc bổ sung hành vi này vào tội mua bán người sẽ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của thai nhi, phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn. Việc không có quy định rõ ràng sẽ tạo kẽ hở cho các thành viên mua bán thai nhi diễn ra, gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội và cộng đồng. Việc bổ sung quy định này sẽ giúp ngăn ngừa, ngăn chặn từ xa các hành vi vô đạo đức và bảo vệ sự an toàn cho thai nhi và bà mẹ mang thai.

Đại biểu lo ngại hành vi mua bán thai nhi có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, vì vậy, việc bổ sung quy định này giúp các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để xử lý các vụ việc có liên quan… Mặc dù bổ sung quy định này là cần thiết, nhưng cũng cần chú ý đến những khó khăn khi thực thi, việc điều tra, thu thập chứng cứ và xác định hành vi phạm tội có thể gặp nhiều thách thức. Do đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, bảo đảm quy định rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi cao. Đồng thời, tăng cường đào tạo, trang bị cho các cơ quan chức năng để thực thi luật hiệu quả và nghiêm minh.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị bổ sung điều khoản riêng biệt về mua bán thai nhi bao gồm các quy định cụ thể về hành vi mua bán thai nhi, các hình thức xử phạt và biện pháp bảo vệ. Điều này sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng áp dụng và thực thi luật; bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm này.

Cùng với đó, cũng cần bổ sung nội dung về biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về quyền của thai nhi và bà mẹ mang thai; nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc mua bán thai nhi, giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm và tạo một môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ tốt hơn cho thai nhi và bà mẹ mang thai.

Chung ý kiến, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị cần có giải pháp đối với hành vi mua bán thai nhi. Mặt khác, hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức rất phức tạp như tham quan du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi thông qua các đối tượng là pháp nhân thương mại… Do đó, cần phải xem xét, cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người nhằm kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia như hiện nay.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tiếp tục rà soát về các hành vi mua bán người

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị rà soát thêm về các hành vi mua bán người. Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐQBH tinh Đắk Nông cho biết, trong dự án Luật đã liệt kê các hành vi cụ thể của mua bán người với các động cơ và mục đích khác nhau. Quy định như vậy là dễ hiểu, dễ áp dụng khi triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định trên vẫn chưa bao hàm hết các hành vi, mục đích nên cần tiếp tục rà soát, bổ sung để đảm bảo đầy đủ; ví dụ như hành vi hoán đổi người giữa các cơ sở giải trí, các khu lao động,.. khi họ có nhu cầu mà những người này là nạn nhân của mua bán người trước đó.

Đề cập đến trường hợp việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người, ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn trên, đại biểu đề nghị cần rà soát, điều chỉnh quy định nhằm đảm bảo thống nhất để áp dụng thi hành trong thực tiễn xử lý tội phạm mua bán người.

Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cơ bản tán thành với việc sửa đổi toàn diện dự án Luật này. Đại biểu chỉ ra rằng, tình trạng mua bán người diễn ra với những hoạt động rất phức tạp, phạm vi rộng; không chỉ liên quan đến pháp luật Việt Nam mà còn liên quan đến các cam kết, Công ước quốc tế. Qua nghiên cứu khái niệm mua bán người và có tham khảo các Nghị định thư về về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đại biểu cho rằng Nghị định thư đã liệt kê rất đầy đủ các hành vi, thủ đoạn, mua, bán người. Trong khi đó, dự thảo Luật mới chỉ liệt kê một số thủ đoạn phổ biến.

Đại biểu kiến nghị, đối với các hành vi đã rõ như: sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm; nô lệ tình dục, hiến tạng, hành vi bắt cóc, cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê; đầu độc nạn nhân, buộc nạn nhân phải đi ăn xin… cần được bổ sung vào khái niệm mua bán người để được đảm bảo bao quát hơn. Trong thực tế có rất nhiều hành vi biến tướng, núp bóng dưới nhiều hình thức, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Do đó, cần nhận diện để làm rõ các yếu tố phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn. Đồng thời, cần có các quy định nhằm hạn chế thấp nhất việc lợi dụng, núp bóng những việc nhân văn, tốt đẹp nhưng thực chất đằng sau lại là thực hiện các hành vi mua, bán người.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được ban hành sẽ là một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, đặc biệt kiềm chế gia tăng tội phạm buôn bán người, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, có những ý kiến đóng góp sâu sắc đối với dự án Luật khi thảo luận tại tổ và tại hội trường. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao để hoàn thiện dự thảo Luật.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình ý kiến các đại biểu nêu

Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội, nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo Luật về các khái niệm mua bán người, nạn nhân, chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, về phòng ngừa mua bán người, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Bộ trưởng Bộ Công an mong muốn, trong thời gian tới, các tổ chức chính trị xã hội, các đại biểu Quốc hội và nhân dân tiếp tục quan tâm, cho ý kiến với dự án Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp cùng cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, ngay sau phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và có báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội; gửi các cơ quan để nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia để trao đổi làm rõ thêm các nội dung cụ thể thảo luận, nhất là các vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm phát biểu ý kiến.

Trên cơ sở đó, hoàn thiện dự thảo luật và Báo cáo tiếp thu giải trình để trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách; sau đó tiếp tục hoàn thiện dự thảo gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

Bình luận (0)

Lên đầu trang