Các đối tượng đều được tăng lương, trợ cấp
Tại họp báo diễn ra chiều 20/6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện 4/6 nội dung đã được làm rõ trong Đề án CCTL, trong đó tăng 30% LCS (từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng); tăng 15% lương hưu và trợ cấp BHXH hiện hưởng.
Như vậy, 2/6 nội dung của Đề án CCTL theo Nghị quyết 27 chưa thực hiện được do còn nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh. Do đó cách tính lương theo mức LCS và hệ số lương chưa thể bãi bỏ.
Nếu thực hiện đầy đủ nội dung CCTL khu vực công, theo tính toán của Bộ Tài chính thì mức tăng tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là 30,6%, không bao gồm tiền thưởng. Vì vậy, mức LCS sẽ tăng tương ứng từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng. Các trường hợp hưởng chính sách, chế độ gắn với mức LCS cũng tăng 30%, trong đó có lương hưu. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp, chính sách hỗ trợ gắn với mức LCS.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi họp báo chiều 20/6. Ảnh: Trang web Bộ Nội vụ
Theo Bộ trưởng Trà, mức tăng này tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ CBCCVC, lực lượng vũ trang và những người hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Ngoài ra còn có 10% quỹ tiền thưởng bằng tổng quỹ lương cơ bản để thủ trưởng cơ quan, đơn vị khen thưởng đột xuất, thưởng thành tích hàng năm cho CBCCVC.
Theo Đề án CCTL, sẽ có 9 loại phụ cấp mới như: phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm công việc, ưu đãi nghề... Tuy nhiên từ 01/7, chưa đủ điều kiện để thực hiện 9 loại phụ cấp này, do đó Chính phủ đề nghị giữ nguyên phụ cấp hiện hành như phụ cấp chức vụ lãnh đạo, kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm theo nghề. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của CBCCVC một số chuyên ngành (phụ cấp theo nghề) mà trong quá trình thực hiện phát sinh bất hợp lý.
Như vậy, đối giáo viên chẳng hạn, được hưởng lợi khi vẫn còn giữ nguyên các loại phụ cấp như giảng dạy, thâm niên, nhưng LCS vẫn được hưởng theo mức tăng mới.
Bộ trưởng Trà nhận định: "Đây là phương án tối ưu, công bằng nhất, bình đẳng nhất, tất cả cùng vui trong lúc chờ thực hiện CCTL theo vị trí việc làm. Chúng tôi sẽ xin ý kiến Quốc hội và sẽ thực hiện ngay từ 01/7".
Đợt tăng LCS lần này tác động khá lớn tới nhiều đối tượng. Trước hết với những người đang hưởng lương hưu, Chính phủ đề xuất với Quốc hội cho phép tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp BHXH từ 01/7.
Người hưởng lương hưu cũng được tăng 15% từ 01/7. Ảnh: TTXVN
Những người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 cũng được điều chỉnh tăng. Trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% (từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng). Chuẩn trợ giúp xã hội, tăng 38,9% (từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng).
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, quan điểm "làm lương" là làm từng bước theo lộ trình, rõ đến đâu làm đến đấy. Cái gì khó khăn, bất cập thì không được nôn nóng mà cần nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Vì sao chưa cải cách tiền lương một cách triệt để?
Trong đợt CCTL lần này chỉ thực hiện 4/6 nội dung của Nghị quyết 27. Hai nội dung còn lại là việc thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và theo chức vụ, chức danh lãnh đạo, sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện theo lộ trình.
Vì sao chưa CCTL một cách triệt để? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà giải thích, do khi xây dựng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo và xây dựng bảng lương của CBCCVC thì phát sinh một số vấn đề. Đó là sự bất hợp lý rất lớn, tương quan giữa các đối tượng không bảo đảm công bằng. CC - đối tượng tham mưu chiến lược - lại được tăng rất thấp, chỉ tăng hơn 20%; VC có thể tăng được hơn 50%, các đối tượng khác cũng tăng thêm tương đương như vậy nhưng tính bình quân tăng khoảng 30,6%. Có nhiều đối tượng tăng trên 30%, nhưng cũng có rất nhiều đối tượng tăng rất thấp, chỉ khoảng 3 - 5%, rất nhiều đối tượng lại không được tăng hoặc thấp hơn so với lương hiện hưởng.
Một vấn đề khác là khi thay đổi cơ cấu quỹ phụ cấp trong tổng quỹ lương từ 40/60 hiện nay (quỹ phụ cấp bằng 67% quỹ lương cơ bản) thành 30/70 (quỹ phụ cấp bằng 43% quỹ lương cơ bản, giảm 24% so với hiện nay) cũng phát sinh một số vấn đề.
Từ 01/7, cán bộ, công chức viên chức sẽ được tăng 30% lương cơ sở
Nếu bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với CBCCVC một số chuyên ngành và phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới, dẫn đến rất nhiều đối tượng được hưởng phụ cấp sẽ bị tụt giảm, nhất là nhà giáo sẽ không còn phụ cấp thâm niên, dẫn đến có đối tượng được tăng trên 30%, 15%, nhưng có đối tượng không được tăng hoặc tăng thấp.
Do vậy, bà Trà cho rằng Chính phủ buộc phải chọn một phương án tối ưu, hợp lý, công bằng, hiệu quả nhất, là điều chỉnh tăng đều tất cả 30% trên mức LCS. Với phương án này, Bộ trưởng Trà cho rằng không tác động, không ảnh hưởng đến các quy định hiện hành gắn với LCS, khi hiện có trên 10 văn bản pháp luật liên quan. Ngoài ra việc bãi bỏ các văn bản, chính sách này sẽ tác động trực tiếp đến trên 50 triệu người và không thể kịp trở tay để xoay xở.
"Tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh LCS tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm là 913.300 tỷ đồng - theo tính toán của Bộ Tài chính, Chính phủ bảo đảm đủ nguồn để thực hiện", Bộ trưởng Trà nói.
Để CCTL triệt để, Bộ trưởng Trà cho biết, các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá một số nội dung của Nghị quyết số 27, nhất là việc xây dựng bảng lương và chế độ phụ cấp mới, bảo đảm tính khả thi, công bằng, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và nguồn lực của đất nước.
Bộ Nội vụ cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về các chế độ, chính sách gắn với mức LCS; báo cáo cấp có thẩm quyền danh mục, vị trí việc làm trong hệ thống chính trị và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC theo vị trí việc làm.
Lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 01/7
Cùng với việc tăng lương cho CBCCVC, Bộ trưởng Bộ Bội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động sẽ tăng 6% so với năm 2023, sau khi tăng, bình quân 4 vùng là 4,17 triệu đồng/tháng.
Nếu đề xuất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thông qua, lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Hiện lương các vùng đang dao động 3,25 - 4,68 triệu đồng. Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ 01/7. Vùng 1- 4 sẽ tăng lên tương ứng 23.800 - 21.200 - 18.600 - 16.600 đồng/giờ.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trả lương.
Lương cơ sở tăng, các chế độ khác cũng tăng theo
LCS tăng 30% (từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng mỗi tháng) thì nhiều khoản đóng cũng như một số chế độ hiện hưởng cũng tăng theo. Theo đó, BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp bằng 10,5% tiền lương tính đóng BHXH hàng tháng trên nền LCS 2,34 triệu đồng (8% vào Quỹ hưu trí tử tuất, 1,5% vào Quỹ BHYT, 1% Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp). Luật hiện hành quy định mức đóng cao nhất bằng 20 lần tháng mức LCS, tiền đóng tối đa từ 01/7 sẽ là 46,8 triệu đồng.
Lương hưu thấp nhất với người đóng đủ 20 năm BHXH bằng LCS, sắp tới sẽ lên 2,34 triệu thay vì 1,8 triệu như hiện nay. Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang đề xuất chỉ áp dụng chính sách này với người tham gia trước ngày 01/7/2025.
Phí Công đoàn hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, đoàn phí tối đa bằng 10% LCS, tăng lên 234.000 đồng thay vì 180.000 đồng như hiện nay.
Tiền đóng BHYT bằng 4,5% mức LCS, lương hưu hoặc trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện nay. Với mức LCS 2,34 triệu đồng, từ 01/7 tiền đóng của người lao động và người thứ nhất trong hộ gia đình là 105.300 đồng mỗi tháng thay vì 81.000 đồng như hiện tại. Từ người thứ hai đến người thứ năm đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50%, 40% mức phí của người thứ nhất. Tiền đóng BHYT theo năm với các thành viên hộ gia đình từ người thứ nhất trở đi lần lượt là 1.263.600 đồng, 884.520 đồng, 758.160 đồng, 631.800 đồng và 505.440 đồng.
Trợ cấp thất nghiệp tối đa sẽ tăng lên 11,7 triệu đồng. Luật hiện hành quy định trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không qua 5 lần LCS với CCVC, lao động khu vực nhà nước.
Trợ cấp thai sản một lần tăng từ 3,6 triệu lên 4,68 triệu đồng. Luật hiện hành quy định nếu mẹ sinh con nhưng không đóng BHXH hoặc không đủ điều kiện hưởng mà người cha đủ điều kiện thì cha được nhận trợ cấp một lần.
Trợ cấp mai táng tính bằng 10 lần mức LCS, tăng tương ứng từ 18 triệu lên 23,4 triệu đồng. Trợ cấp tuất hàng tháng với thân nhân mỗi lao động qua đời bằng 50% mức LCS, tức nâng lên 1,17 triệu đồng thay vì 900.000 đồng như hiện tại. Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng mức trợ cấp bằng 70% LCS, tức 1,638 triệu đồng.
Từ ngày 01/7, lương hưu, trợ cấp BHXH cũng tăng thêm 15% trên mức hiện hưởng; trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng mỗi tháng. Mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng từ 360.000 lên 500.000 đồng mỗi tháng, tức 38,9%.