Nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị tăng lương ngay đầu năm 2023

Thứ Tư, 26/10/2022 21:50

|

(CAO) Người hưởng lương gặp nhiều khó khăn, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ cần cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương sớm hơn từ ngày 1/1/2023 thay vì từ 1/7/2023 như Chính phủ trình.

Trong bản tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về tình hình ngân sách 2022, kế hoạch 2023 vừa được Tổng Thư ký Quốc hội ký ban hành, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là cải cách tiền lương.

Ghi nhận thảo luận từ 19 tổ, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng) và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.

Một số ý kiến nhận thấy, Chính phủ trình Quốc hội về tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu (tăng khoảng 20%), thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2023. Từ lúc tăng lương từ tháng 7/2019 cho đến tháng 7/2023 tới đây là 4 năm. Như vậy, người hưởng lương từ NSNN gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành giáo dục, ngành y tế, cán bộ, công chức kể cả cấp xã.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

"Hiện nay, mong muốn của người hưởng lương là kiến nghị Chính phủ cần cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương sớm hơn từ ngày 1/1/2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương" - nhiều đại biểu nêu đề nghị này.

Một số ý kiến đề nghị lưu ý việc điều chỉnh tăng trợ cấp cho người có công cần bảo đảm cao hơn chuẩn nghèo đô thị. Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện tăng lương cơ sở năm 2023 là cần thiết, nhưng cũng cần điều chỉnh trợ cấp bảo trợ xã hội ở mức cao hơn do hiện tại, mức hỗ trợ (360.000 đồng/người/ tháng) còn khá thấp so với mức chuẩn nghèo ở thành thị và nông thôn và cũng điều chỉnh từ ngày 1/7/2023 để bảo đảm tính thống nhất.

Vẫn trong báo cáo tổng hợp, Tổng thư ký Quốc hội phản ánh, có ý kiến đề nghị tăng phụ cấp của cán bộ không chuyên trách cấp xã do mức hỗ trợ hiện tại chưa tạo được sự động viên cho người thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh ý kiến đề nghị xác định thời gian cụ thể thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2024 trong Nghị quyết của Quốc hội, tránh tình trạng trì hoãn, kéo dài việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương, có ý kiến cho rằng, trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương thì cần có quy định cụ thể trong việc quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng, bảo đảm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực này.

Trước đó, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong năm 2023; thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/7/2023.

Mức tăng cụ thể là từ 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%). Đồng thời, Chính phủ để xuất tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do NSNN đảm bảo khoảng 12,5% (cùng với mức điều chỉnh tăng 7,4% đã thực hiện năm 2022 thì cơ bản tương đương mức tăng lương cơ sở) và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.

Chính phủ dự toán NSNN năm 2023 sẽ dành thêm khoảng 60.000 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ chi này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang