TPHCM hoàn toàn có thể tăng trưởng hai con số sau năm 2030

Thứ Bảy, 22/06/2024 18:59

|

(CAO) “Thiết lập một hệ thống báo cáo trực tuyến, trong đó công khai các thông tin về quy hoạch, tiến độ thực hiện và các phản hồi cho người dân; Tăng cường đối thoại và tham vấn cộng đồng; Tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể tham gia vào quá trình giám sát và đánh giá quy hoạch…” - Đây là nội dung được đại biểu HĐND TPHCM đề xuất tại kỳ họp thứ 16 - kỳ họp chuyên đề HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức sáng 22/6.

Cần có sự tham gia của người dân vào quá trình triển khai và giám sát quy hoạch

Sau khi nghe Ban Kinh tế - Ngân sách TPHCM thẩm tra tờ trình của UBND TP về Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu cho rằng, việc đảm bảo quy hoạch TP đến năm 2050 được thực hiện một cách hiệu quả và minh bạch là điều hết sức quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự tham gia của người dân vào quá trình triển khai và giám sát quy hoạch là yếu tố then chốt; đồng thời, đảm bảo quy hoạch được thực hiện một cách hiệu quả và minh bạch.

Để đảm bảo tuân thủ với các nội dung về quan điểm và định hướng phát triển; mục tiêu phát triển của TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc cho rằng các sở ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và UBND TP phải đảm bảo không vi phạm nội dung nào trong quy hoạch đến năm 2050 và thiết lập cơ chế cho người dân tham gia vào việc triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Bên cạnh đó, cần minh bạch và công khai các thông tin liên quan đến quy hoạch, các quyết định thay đổi hay điều chỉnh quy hoạch phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể tiếp cận và giám sát.

Về cơ chế tham gia của người dân, đồng chí Trương Lê Mỹ Ngọc cho rằng, cần có cơ chế sử dụng công nghệ nhằm thu nhận và phản hồi lại ý kiến của người dân, qua đó tạo điều kiện, giúp người dân giám sát và đóng góp tích cực vào việc triển khai thực hiện quy hoạch; Qua đó TP thiết lập cơ chế cho người dân tham gia vào việc triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch. Theo đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát và phản hồi; phát triển ứng dụng di động và trang web: Xây dựng một ứng dụng di động và trang web chuyên dụng để người dân có thể dễ dàng gửi ý kiến; đồng thời, để phản hồi và báo cáo các vấn đề liên quan đến quy hoạch.

Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc phát biểu tại kỳ họp.

Bên cạnh đó, thiết lập một hệ thống báo cáo trực tuyến, trong đó công khai các thông tin về quy hoạch, tiến độ thực hiện và các phản hồi cho người dân. Hệ thống này cần đảm bảo tính minh bạch và dễ tiếp cận để mọi người dân đều có thể theo dõi; tăng cường đối thoại và tham vấn cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể tham gia vào quá trình giám sát và đánh giá quy hoạch…

Đề cập đến quy hoạch của TP, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng, cần cân nhắc tính khả thi của định hướng nâng hạng TPHCM là đô thị toàn cầu, là trung tâm tài chính triển lãm, trung tâm thương mại Đông Nam Á, trung tâm xuất nhập khẩu vùng…

“Đến nay, chỉ còn 6 năm còn lại, TP xác định đưa TP vào danh sách các TP toàn cầu nhóm alpha (TP toàn cầu), tức là có kết nối lớn trên thế giới. Vì vậy, TP cần đưa bằng nguồn lực nào cả về con người, tài chính và nhất là cơ chế.

Về tính chất đồ án quy hoạch TP, theo đại biểu Vương Đức Hoàng Quân, đồ án này là cơ sở bao trùm các quy hoạch khác gồm kể cả quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành. Do đó, cần rà soát để đảm bảo sự tương hợp, tương thích phù hợp về vai trò của đồ án với quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành đã được thông qua.

Nhiều đại biểu cũng có ý kiến về quy hoạch trong lĩnh vực y tế và giáo dục, đại biểu Phạm Đăng Khoa đề xuất tính toán lại quỹ đất cho giáo dục; đồng thời, đề xuất phải có công nghiệp giáo dục, có tâm thế phát triển, giao lưu công nghiệp giáo dục, hướng đến xuất khẩu giáo dục.

Ở góc độ cơ sở, đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, đến năm 2030, huyện Củ Chi cần tổng số giường bệnh khoảng 4.200 giường để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Với tốc độ tăng dân số đến năm 2030, huyện Củ Chi cần bổ sung thêm khoảng 2.000 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị của người dân trên địa bàn huyện. Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền, quy hoạch trước đây, huyện Củ Chi có Khu Viện trường 108 ha đang đề xuất xem xét chuyển thành Khu động lực phát triển, để kêu gọi đầu tư tạo động lực phát triển cho huyện.

Do đó, UBND huyện đề nghị tiếp tục giữ quy hoạch đất xây dựng cơ sở y tế trong Khu động lực phát triển và đề xuất bổ sung quy hoạch thêm 1 bệnh viện có quy mô 1.000 giường tại khu vực Đông Nam của huyện (khu vực các xã Tân Thạnh Đông, Bình Mỹ, Hòa Phú, Trung An, Tân Thạnh Tây).

Đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền phát biểu tại kỳ họp.

Có những giải pháp đột phá bố trí nguồn lực xứng đáng để thực hiện

Tiếp thu và giải trình ý kiến của đại biểu, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, về tăng trưởng GRDP, trong thời kỳ quy hoạch TP phấn đấu 8,5%-9%. Đây là tỷ lệ tăng trưởng rất thách thức đối với TPHCM, nhưng TP phấn đấu, phải có kịch bản, kế hoạch, những giải pháp, sự đầu tư để đạt được từ đây đến năm 2030 và phấn đấu giai đoạn sau năm 2030 sẽ đưa tăng trưởng của TPHCM lên 2 con số.

TP sẽ có kế hoạch rất cụ thể, trong đó xác định các danh mục đầu tư trọng điểm, có những giải pháp đột phá bố trí nguồn lực xứng đáng để thực hiện. Đi kèm với đó là sửa đổi thể chế, cơ chế chính sách để TP huy động các nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển, cộng với tháo gỡ các điểm nghẽn đã được chỉ ra thì chúng ta có khả năng sẽ đạt được như mục tiêu.

Bên cạnh đó, là thu nhập bình quân đầu người đã được tính toán quy mô, kịch bản tăng trưởng GRDP và dân số. Tất cả đều được tính toán theo công thức, mô hình với yếu tố đầu vào đảm bảo sẽ có được kết quả. Cho nên TP phải làm sao để kiểm soát được tăng trưởng, dân số và thực hiện các giải pháp đột phá thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt được tăng trưởng cũng như GRDP đầu người.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin thêm, Trung ương đặt mục tiêu TPHCM phải là địa phương tiên phong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ mà quốc gia đã cam kết, các chỉ tiêu quốc gia. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, đến 2045 là nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao. Do vậy, TPHCM phải là địa phương thực hiện các chỉ tiêu này trước nhất, thậm chí thực hiện vượt để cân đối cho mục tiêu quốc gia.

Để thực hiện được, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định phải có quyết tâm chính trị lớn, đi kèm đó là các kế hoạch cụ thể huy động lực lượng để phát triển. Hiện nay dịch vụ đang chiếm khoảng 65%, công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 22% cơ cấu kinh tế TPHCM. Tuy nhiên, có ý kiến đánh giá dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhưng giá trị gia tăng chưa cao; TPHCM chuyển qua dịch vụ quá sớm, thiếu đầu tư cho công nghiệp xây dựng, nên không có được tăng trưởng như mong muốn.

Định hình rõ nét thành phố trong thành phố đối với TP Thủ Đức

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, tại quy hoạch lần này, TPHCM đưa công nghiệp xây dựng lên 27%, tiệm cận 30% sau năm 2030, để khu vực công nghiệp xây dựng tiếp tục có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế TPHCM giai đoạn năm 2045. Như vậy, tỷ lệ dịch vụ có thể kéo lùi lại nhưng không dưới 60% và phát triển dịch vụ hiện đại, giá trị gia tăng cao, như trung tâm tài chính quốc tế, dịch vụ phục vụ công nghiệp, dịch vụ pháp lý… sẽ được tập trung để phát triển.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại kỳ họp.

Đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định, trong quy hoạch từ nay đến năm 2030, TPHCM giữ đơn vị hành chính, đô thị như hiện nay. Giai đoạn này, TPHCM thực hiện các nhiệm vụ lớn, là gia tăng nội lực của các đô thị này, định hình rõ nét TP trong TP đối với TP Thủ Đức. Đối với 5 huyện, TPHCM sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để 5 huyện này đạt được các tiêu chuẩn đô thị, ít nhất là phải đạt được đô thị loại 3.

Để đến giai đoạn 2030 - 2040, TPHCM sẽ tổ chức thành 5 vùng đô thị gồm đô thị trung tâm; TP Thủ Đức; vùng đô thị khu Nam (Quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh); khu Tây Bắc gồm huyện Củ Chi, một số vùng có liên quan của Hóc Môn, Bình Chánh; Khu Tây Nam gồm một phần huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 12. Còn riêng huyện Cần Giờ sẽ nghiên cứu tiếp. Đồng thời, TPHCM tiếp tục nghiên cứu mô hình “TP trong làng, làng trong TP” theo gợi ý của Thủ tướng để cụ thể hóa trong quy hoạch này.

Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, để thực hiện được quy hoạch này, TPHCM cần chọn được những điểm trọng tâm đột phá. Cụ thể, đột phá về thể chế; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng về hạ công nghệ thông tin, đường sắt đô thị… nếu đảm bảo theo kế hoạch thì TPHCM hoàn toàn có thể tăng trưởng 2 con số sau năm 2030. Bên cạnh đó, là đột phá cơ cấu kinh tế, chọn lựa đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư.

Theo đồng chí, thời gian qua TPHCM có nhiều cơ chế đặc thù nhưng chưa khai thác hết… Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, cần vượt qua sự e dè hiện nay, phải có tư duy, tâm thế hành động mạnh mẽ, thay đổi nhiều hơn nữa để TPHCM luôn là địa phương năng động, sáng tạo để triển khai quy hoạch đạt kết quả cao nhất.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã thống nhất thông qua Nghị quyết về hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bình luận (0)

Lên đầu trang