Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Báo cáo giải trình tại kỳ họp, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, quy hoạch này nhằm xây dựng và phát triển TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, vì cả nước, cùng cả nước.
Về phát triển kinh tế, TP sẽ phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi, tạo ra đột phá. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.
Đối với phát triển xã hội, sẽ xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh, công bằng, lấy con người làm trung tâm; xây dựng con người TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với TP mang tên Bác.
Bên cạnh đó, sắp xếp và tổ chức không gian TP trở thành đô thị toàn cầu, đa trung tâm, xanh, thông minh, sáng tạo, giàu bản sắc, bám sông, hướng biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hòa giữa đô thị và nông thôn; tăng cường kết nối vùng;
đồng thời, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản thiên nhiên, lịch sử - văn hóa và đô thị; bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Đến năm 2030, TPHCM sẽ là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo. Là TP có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh và số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước. Là TP có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biển đổi khí hậu.
Về phát triển các khu chức năng, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, khu kinh tế sẽ hình thành khu thương mại tự do (FTZ) gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và vịnh Gành Rái; có quy mô khoảng 1.000 - 2.000 ha; Khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp gồm 37 khu công nghiệp, 3 khu chế xuất, 7 cụm công nghiệp có tổng diện tích 10.461,8 ha; Khu công nghệ cao: 4 khu với tổng diện tích khoảng 1.331 ha và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 1.251 ha; Các khu chức năng khác gồm 14 khu du lịch; 3 khu nghiên cứu đào tạo; 8 khu thể dục thể thao; 11 khu văn hóa; 1 trung tâm tài chính quốc tế; các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi và khai thác hợp lý (khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ); khu vực lấn biển tại Cần Giờ và các khu quân sự, an ninh; Khu vực có vai trò động lực gắn với các khu chức năng trên, bao gồm khu vực đô thị trung tâm; TP Thủ Đức; khu vực phía Nam (quận 7 và huyện Nhà Bè); khu vực huyện Cần Giờ; khu vực huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.
Theo đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai, trong quy hoạch TP, dự kiến triển khai thực hiện khoảng 199 dự án, trong đó có khoảng 72 dự án trọng điểm đặc biệt ưu tiên đầu tư với tổng số vốn khoảng 360 tỷ USD.
Đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại kỳ họp
Về giải pháp, nguồn lực thục hiện quy hoạch, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch TP gồm: Huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, chủ lực; nghiên cứu ban hành mới một số cơ chế, chính sách; phát triển và cung ứng nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; liên kết vùng và hợp tác quốc tế; quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị, nông thôn; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Đồ án cần nêu rõ mô hình kinh tế nào là mô hình kinh tế riêng của TP
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thông qua Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Tờ trình số 3378/TTr-UBND của UBND TP, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu cho biết, Qua rà soát, Ban Kinh tế - Ngân sách và các Ban HĐND TP ghi nhận thành phần hồ sơ Quy hoạch TP trình HĐND TP đầy đủ theo quy định tại Điều 35 Luật Quy hoạch năm 2017; phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch của TPHCM thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 642/QĐ-TTg ngày 26/5/2022.
Để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trước khi trình Thủ tướng phê duyệt, đồng chí Lê Trương Hải Hiếu đề nghị UBND TP chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch lưu ý về đồ án phải đảm bảo tính kế thừa các quy hoạch trước đây đã và đang thực hiện; đồng thời, khắc phục được thực trạng thực hiện quy hoạch thời kỳ trước, phát huy lợi thế của TP chưa được khai thác hiệu quả.
Báo cáo Quy hoạch TP cần nêu rõ đâu là điểm mới, tính đột phá của đồ án; đâu là mũi nhọn phát triển, nghiên cứu trục động lực hướng Đông - Tây của TP; tính khả thi trong việc tổ chức thực hiện đồ án sau khi được phê duyệt, có đảm bảo việc triển khai được thuận lợi, không gặp khó khăn vướng mắc bởi các quy định pháp luật.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu báo cáo thẩm tra tờ trình của UBND TP tại kỳ họp.
Đồ án quy hoạch phải đánh giá được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đưa ra tác động đến người dân TP như thế nào; cần chỉ ra được các vấn đề khó khăn TP đang gặp hiện nay, các điểm nghẽn riêng của TP và đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề; nguồn lực để thực hiện các nội dung trong đồ án cần phải được xác định rõ ràng, cụ thể; Đồ án quy hoạch chưa nêu được các cơ chế cần thiết để thực hiện vai trò động lực, đầu tàu dẫn dắt kinh tế cả nước; chưa nêu được phương pháp giải quyết và tính khả thi các đề xuất tại đồ án.
Về lĩnh vực ngân sách, đầu tư phát triển, đồ án cần nêu rõ mô hình kinh tế nào là mô hình kinh tế riêng của TP. Hiện nay, các chỉ số phát triển của TP đang đi xuống và chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình bất ổn của thế giới, thiên tai, biến đổi khí hậu… Như vậy, sau khi thực hiện đồ án thì mức tăng trưởng có đảm bảo như đồ án dự kiến không. Do đó, việc dự báo các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong đồ án quy hoạch cần phải cập nhật, dự phòng đến các yếu tố tác động nêu trên để đảm bảo số liệu dự báo tăng trưởng sát thực tế.
Người dân TP là đối tượng thực hiện và thụ hưởng của đồ án quy hoạch này, do đó nội dung đồ án phải giải quyết được tính chiến lược cho TP. Trong đó, đồ án cần xác định rõ sau khi triển khai thực hiện quy hoạch, người dân TP có thu nhập vượt ngưỡng kinh tế trung bình. Cơ sở nào đạt 15.400 USD vào năm 2030; về mặt xã hội, việc thực hiện đồ án có giúp người dân TP hưởng được thuận tiện trong sinh hoạt như không còn trình trạng ngập nước, kẹt xe, đảm bảo thời gian đi lại phục vụ sinh hoạt đời sống.
Đồng chí Lê Trương Hải Hiếu cho rằng, TP cần làm rõ các nội dung tiếp thu, giải trình các góp ý của Bộ, ngành Trung ương và các đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến cộng đồng tham gia đóng góp ý kiến có được thể hiện trong đồ án; các thông tin, số liệu phân tích trong đồ án cần được trích dẫn từ nguồn có độ tin cậy để đảm bảo phù hợp, khả thi; cần rà soát, điều chỉnh Dự thảo Quyết định phê duyệt, các phụ lục kèm theo phải đúng quy định; đối với các phụ lục, cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay, đặc biệt lưu ý các dự án, công trình đã thực hiện và dự kiến.
Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị HĐND TP giao UBND TP tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, ý kiến thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP và ý kiến của đại biểu HĐND TP tại kỳ họp để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo quy định của pháp luật; đồng thời, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống hồ sơ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch TP đảm bảo phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.