Báo chí được trui rèn ngày càng chuyên nghiệp và dấn thân

Thứ Sáu, 21/06/2024 18:02

|

(CATP) Trong xã hội có tổ chức, báo chí là kênh thông tin về những sự kiện đáng chú ý xảy ra trong đời sống xã hội thuộc nhiều lĩnh vực bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, giải trí, môi trường... Báo chí chuyển tải thông tin vừa nhanh, vừa rộng khắp so với bất kỳ phương tiện giao tiếp nào khác.

Trong thể chế dân chủ, báo chí còn là một trong những kênh phản biện hữu hiệu nhất của công dân trong mối quan hệ với người cầm quyền. Người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội coi báo chí như một diễn đàn mà ở đó chính kiến của mình về những vấn đề xã hội lớn có thể được trình bày công khai. Nhờ đó, được người có trách nhiệm biết đến. Nói rõ hơn, báo chí có chức năng của một công cụ góp phần tạo ra cái gọi là dư luận xã hội rộng rãi.

Dư luận xã hội rộng rãi và đặc biệt là các ý kiến phản biện xoay quanh công tác quản lý, điều hành tất nhiên có tác động nhất định đối với nhà chức trách quản lý. Ghi nhận dư luận xã hội rộng rãi, nhà chức trách quản lý rà soát lại chủ trương, chính sách và hệ thống quy tắc pháp lý do mình đề ra, từ đó suy nghĩ, cân nhắc việc điều chỉnh chủ trương, chính sách, luật pháp cho hợp lòng dân.

Một tờ báo tốt là tờ báo góp phần tạo ra dư luận xã hội tích cực, có tính xây dựng, đồng hành với nhà chức trách quản lý trong việc tìm kiếm giải pháp khả thi cho các vấn đề đặt ra trong khuôn khổ quản trị quốc gia, hướng đến sự phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc.

Từ nhiều năm, Chuyên đề Công an TPHCM đã và đang đi đúng hướng trong việc thực hiện các tôn chỉ, mục tiêu ấy. Vốn là cơ quan báo chí chính thức của Công an Thành phố, tờ báo được bạn đọc biết đến ngay từ những ngày tháng đầu tiên như là diễn đàn thông tin phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thông qua Chuyên đề Công an TPHCM, người dân hình dung được bức tranh sinh động về tình hình an ninh trật tự của Thành phố và của cả nước. Báo không chỉ kịp thời đưa tin về các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm mà còn nêu bật các tấm gương cán bộ, chiến sĩ và cả người dân tham gia vào sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống của người dân.

Gian trưng bày của Chuyên đề Công an TPHCM tại Hội Báo toàn quốc năm 2024

Các bài viết về những vụ phá án hình sự trong lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội góp phần nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trước nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, tài sản, danh dự nhân phẩm. Các bài viết về công cuộc đấu tranh chống các thế lực thù địch, bảo vệ an ninh quốc gia giúp người dân hiểu được sự khó khăn trong việc giữ vững chế độ chính trị, cơ đồ của đất nước, dân tộc. Đặc biệt, những bài viết về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vùng biển đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng do nhiều thế hệ cha ông gầy dựng.

Bên cạnh đó, Chuyên đề Công an TPHCM cũng là nơi phản ánh suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của những người có tâm huyết, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng đất nước dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng Thành phố giàu mạnh, hiện đại và nghĩa tình. Rất nhiều bài viết được đăng tải xoay quanh những chủ đề mang tính thời sự được người dân quan tâm: đấu tranh chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng; bảo vệ quyền dân chủ, quyền công dân; bảo vệ môi trường; chuyển đổi số; chuyển đổi xanh; cải cách thủ tục hành chính; cải cách chế độ an sinh - xã hội; hội nhập kinh tế thế giới;...

Các thế hệ làm việc dưới mái nhà Chuyên đề Công an TPHCM đã và đang nỗ lực không mệt mỏi trong việc trong việc phản ánh tiếng nói của người dân thuộc các tầng lớp xã hội. Tờ báo đã góp phần cùng với cộng đồng báo chí khẳng định tác dụng tích cực của hoạt động giao tiếp đa phương thông qua các cơ quan ngôn luận đối với việc định hình, thực thi chủ trương, chính sách quản lý, điều hành đất nước. Không chỉ phản biện đối với sáng kiến của người cầm quyền, báo chí còn có thể tạo điều kiện để các công dân có tâm huyết chủ động đề xuất ý tưởng, biện pháp mang ý nghĩa hiến kế cho người nắm giữ trọng trách quốc gia trong việc hoạch định và thực hiện chính sách.

Rất nhiều quyết sách, giải pháp quản lý, điều hành đã được hoàn thiện nhờ báo chí đã phát huy kịp thời và có hiệu quả vai trò phản biện của công chúng, đặc biệt là của chuyên gia, nhà khoa học. Ví dụ điển hình là việc triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến; thay thế biện pháp quản lý cư trú dựa trên sổ hộ khẩu bằng quản lý cư trú dựa trên hệ thống định danh cá nhân số hóa; quản lý lao động phổ thông nước ngoài; xây dựng kế hoạch "Bát giác kim cương" với tham vọng biến TPHCM và 7 tỉnh lân cận thành khu vực kinh tế năng động, là động lực thúc đẩy sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của cả nước...

Đặc biệt, Chuyên đề Công an TPHCM đã và đang tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện mô hình tự chủ cho Thành phố trong khuôn khổ triển khai Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Việc thực hiện một nghị quyết mang tính đột phá như Nghị quyết số 98 là việc chưa có tiền lệ. Rất nhiều vướng mắc tương đối nhạy cảm cần tháo gỡ, trong đó, đáng chú ý là những vướng mắc liên quan đến việc phân giao quyền hạn trong mối quan hệ giữa chính quyền Thành phố và các cơ quan trung ương. Chuyên đề Công an TPHCM đã mạnh dạn trong việc tập họp và giới thiệu những suy nghĩ, đề xuất đầy tâm huyết và nghiêm túc của các chuyên gia, nhà khoa học để tháo gỡ vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho Nghị quyết 98 đi vào cuộc sống đúng như kỳ vọng của người dân Thành phố cũng như người dân cả nước.

Qua quá trình làm báo, nhiều bài học quý giá được rút ra và được quán triệt, thấm nhuần bởi tất cả thành viên trong đội ngũ, trở thành nền tảng xây dựng phương châm suy nghĩ, hành động trong hoạt động chuyên môn được tổ chức chặt chẽ, khoa học. Trước hết và trên hết, báo chí cần đưa tin một cách trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời và chính xác. Người làm báo có trách nhiệm xã hội cao phải tôn trọng quyền được biết của người dân, đồng thời cũng phải dứt khoát, kiên quyết phủ nhận, bác bỏ mọi thông tin, luận điệu xuyên tạc với ý đồ xấu.

Mặt khác, hoạt động phản biện xã hội của báo chí phải được thực hiện với tinh thần xây dựng vì lợi ích chung của đất nước, của toàn xã hội. Người hoạch định chính sách cũng là con người, nghĩa là có những khuyết tật, hạn chế và có thể phạm sai lầm. Chính sách, luật pháp, được hiểu là sản phẩm của con người, bởi vậy, không bao giờ hoàn thiện một cách tuyệt đối và luôn cần được rà soát, chỉnh sửa để thích ứng với tình hình biến động không ngừng. Nghe tiếng nói phản biện đa chiều với thái độ cởi mở, cầu thị, người hoạch định chính sách có điều kiện tiếp nhận nhiều thông tin có ích, cho phép đánh giá công việc mình làm, từ nhiều góc độ, quan điểm khác biệt, nhờ đó, có thể phát hiện và khắc phục những khuyết tật, thiếu sót của bản thân, để làm việc tốt hơn. Trái lại, phê phán kiểu bới móc, bài xích, thậm chí ăn thua đủ, một mất một còn chỉ có tác dụng đẩy xã hội vào tình trạng xung đột gay gắt, đối đầu trong lẩn quẩn, bế tắc, bi kịch.

Được trui rèn theo năm tháng trong môi trường báo chí cách mạng, Chuyên đề Công an TPHCM tỏ ra là một thực thể báo chí năng động, dấn thân, ngày càng trưởng thành, chuyên nghiệp và già dặn trong việc thực hiện sứ mạng cao cả của người làm báo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang