Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên: Đảm bảo đủ nghiêm khắc, đủ nhân văn

Thứ Sáu, 21/06/2024 14:57

|

(CAO) Dự thảo Luật tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên.

Sáng 21/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

Bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên; tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với người chưa thành niên.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình ý kiến của các đại biểu

Dự thảo Luật gồm 173 điều được bố cục thành 05 phần, 11 chương quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Qua thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí cao với việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xây dựng các quy định phù hợp với đặc thù lứa tuổi, tâm lý của người chưa thành niên, khắc phục những hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với xu hướng chung và thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Các đại biểu Quốc hội TPHCM tham gia thảo luận tại phiên họp

Đồng thời, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định về việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên. Một mặt thể chế hóa được yêu cầu về xử lý nhân văn hơn đối với người chưa thành niên phạm tội; mở rộng hơn các biện pháp xử lý chuyển hướng, có tính chất nhẹ hơn các hình phạt, các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Mặt khác, cũng cần phải căn cứ hậu quả, tác hại, mặt khách quan của tội phạm trước khi quy định mức phạt đối với người chưa thành niên phạm tội để bảo đảm sự công bằng, tính giáo dục, răn đe, góp phần hạn chế tình trạng người chưa thành niên phạm tội...

Tại Phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải trình các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm như việc áp dụng các biện pháp chuyển hướng, thẩm quyền áp dụng biện pháp chuyển hướng, hình phạt áp dụng…

Phát biểu kết thúc nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sẽ giao Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội; Tòa án nhân dân tối cao tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động thêm một số nội dung mà đại biểu Quốc hội đề nghị, tổ chức các hội nghị, hội thảo để trao đổi, làm rõ thêm các nội dung, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, tiếp thu và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 08 vào tháng 10/2024.

Bình luận (0)

Lên đầu trang