Sáng 24/6, điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong phiên họp chiều 7/6/2024, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án luật, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án luật này. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, gửi đến các đại biểu Quốc hội và cơ quan hữu quan để nghiên cứu bước đầu tiếp thu, giải trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là đạo luật rất quan trọng, liên quan tới công tác phòng, chống mua bán người, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua, bán người, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người. Dự án luật đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Qua tổng hợp kết quả thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội tán thành cao với sự cần thiết xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), góp ý nhiều nội dung cụ thể về các vấn đề quan trọng của dự án luật.
Đóng góp ý kiến đối với vấn đề phòng ngừa mua bán người, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, Chương 2 của dự án Luật quy định về thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người nhưng Điều 7 nội dung dự án Luật quy định còn chung chung.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang lắng nghe ý kiến của các đại biểu tại phiên họp
Theo một báo cáo về tình hình mua bán người ở Việt Nam năm 2021, nạn nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới ở độ tuổi trẻ em hoặc lứa tuổi 19 - 20 tuổi, phần lớn là nữ giới. “Nếu nhìn vào những con số thống kê, có thể thấy việc tuyên truyền phải nhắm tới những đối tượng cụ thể, đó là trẻ em nữ, người dân tộc thiểu số ở các vùng cao, biên giới. Qua báo cáo thống kê thì hầu hết nạn nhân chỉ học hết lớp 9, có một số ít học hết lớp 12”- đại biểu Trần Thị Nhị Hà phân tích. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất, trong dự án Luật cần quy định việc đưa vào nội dung chương trình dạy học bắt buộc đối với các địa bàn vùng cao, biên giới để giáo dục về phòng ngừa mua bán người, giúp các em học sinh có thể nhận thức về những hành vi mua bán người từ sớm. Qua đó, bản thân có khả năng nhận diện nguy cơ và có biện pháp để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Chung quan điểm, Đại biểu Thượng tọa Lý Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị cần hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan và tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến người dân.
Đại biểu Thượng tọa Lý Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tham gia thảo luận
Cho rằng tội phạm mua bán người rất nguy hiểm và đang bị lên án, đại biểu Thượng tọa Lý Minh Đức góp ý vào quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cấp, các thành viên của Mặt trận tham gia phòng, ngừa mua bán người được quy định tại Điều 19 của dự thảo Luật.
Để làm tốt trách nhiệm là thành viên của Mặt trận, đại biểu đề nghị các cấp, các ngành cần định kỳ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng công tác xã hội cho các cơ sở thuộc các tổ chức công giáo trong lĩnh vực hoạt động xã hội. Đồng thời hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, hỗ trợ để các cơ sở thuộc tổ chức công giáo làm tài liệu, cùng với chính quyền địa phương, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và những quy định của pháp luật đến người dân.
Đề cập về Điều 21 tố giác, báo tin, kiến nghị, tố cáo hành vi vi phạm, đại biểu Thượng tọa Lý Minh Đức đề nghị nên công bố cụ thể và rộng rãi số điện thoại của tổng đài điện thoại quốc gia về phòng chống, mua bán người trong dự thảo Luật. Đại biểu đề xuất là số 111. Vì đây là số điện thoại tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình, đây cũng là đường dây khẩn cấp, hoạt động 24/24 trong tất cả các ngày trong tuần, có nhiệm vụ trực tiếp tiếp nhận và xử lý tình huống, xử lý thông tin, khai báo tố giác nguy cơ hành vi xâm hại trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình từ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục…
Vì vậy, đại biểu cho rằng, tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người là số 111 sẽ mang tính đồng bộ chung, kịp thời tiếp nhận thông báo tố giác đến cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân về các hành vi liên quan đến phòng, chống mua bán người.
Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người, đại biểu Dương Tấn Quân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý vào các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật. Đại biểu cơ bản đồng tình với các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động mua bán người, tuy nhiên đối chiếu với các luật khác, đề nghị Cơ quan soạn thảo bỏ khoản 2, khoản 3 của Điều 3 vì khoản 1 của Điều 3 đã bao hàm nội dung của khoản 2 và khoản 3.
Đồng thời, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định về hành vi nghiêm cấm cố tình báo tin, tố giác, tố cáo hay khai báo sai sự thật về phòng, chống mua bán người.
Liên quan đến chính sách nhà nước về phòng chống mua bán người, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung thêm “vùng biên giới và đối tượng yếu thế” vào khoản 4 của dự thảo Luật. Vì khu vực biên giới và những nơi phức tạp về an ninh trật tự là những nơi dễ thực hiện hành vi lừa đảo, mua bán người. Và các đối tượng yếu thế, khuyết tật cũng là đối tượng mà tội phạm mua bán người nhắm đến. Do đó, đề nghị cần phải tập trung nhiều hơn.
Tại Điều 26 tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo, đại biểu cho rằng, quy định như tại khoản 1 Điều này sẽ bó hẹp đối tượng được quyền trình báo, tố giác hành vi, mua bán người, vì thực tế không phải nạn nhân nào cũng có thể tự đến hoặc có người đại diện hợp pháp đến cơ quan trình báo vụ việc mua, bán người. Đồng thời quy định như dự thảo có thể hạn chế quyền trình báo, tố giác của người dân, cộng đồng khi phát hiện vụ việc mua, bán người. Vì vậy, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.