Đề nghị bổ sung quy định về BHYT cho thân nhân lực lượng vũ trang

Thứ Năm, 31/10/2024 17:23  | Thanh Hòa

|

(CAO)  Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri, là một trong những chính sách an sinh cơ bản mang tính nhân văn sâu sắc.

Chiều 31/10, thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 8 về về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng được ngân sách Nhà nước chi trả BHYT.

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) khẳng định, việc sửa đổi một số nội dung của Luật BHYT là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri; sự thay đổi trong hệ thống pháp luật và tình hình kinh tế xã hội so với giai đoạn trước.

Góp ý về việc bổ sung quy định về đối tượng tham gia BHYT, đại biểu cho biết, việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT như dự thảo Luật cơ bản phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri, là một trong những chính sách an sinh cơ bản mang tính nhân văn sâu sắc. Vì vậy, đại biểu cho rằng, Nhà nước luôn cần hỗ trợ cho nhân dân ở mức tối đa có thể. Tuy nhiên, cần có sự cân đối nguồn lực của ngân sách và Quỹ bảo hiểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Trong quá trình xây dựng Luật lần này, Ban soạn thảo có bổ sung nhóm đối tượng được hưởng BHYT do ngân sách nhà nước đóng là thân nhân của dân quân thường trực. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, có thể xem xét đến việc bổ sung chế độ BHYT đối với thân nhân của lực lượng vũ trang trên cơ sở những đánh giá tác động và cân đối nguồn ngân sách. Đây vừa là sự quan tâm, động viên đối với lực lượng dân quân thường trực, vừa là sự khuyến khích, thu hút những người có đủ điều kiện tích cực tham gia lực lượng dân quan thường trực, góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Văn Xựng (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, trực tiếp tham gia chống khủng bố, giải thoát con tin, trấn áp tội phạm, giải tán biểu tình, bạo loạn, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy, khắc phục sự cố, thảm họa ở các khu vực nguy hiểm đến tính mạng.

Thực tiễn, trong thời gian chống dịch Covid-19, dân quân là lực lượng nòng cốt, quan trọng trong chống dịch. Riêng trong chống dịch, TPHCM có hơn 36.000 đồng chí tham gia. Nhiệm vụ của các lực lượng này có yêu cầu cao, có tính chất phức tạp, kịp thời, hoạt động không kể ngày đêm trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, điều kiện môi trường đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của dân quân thường trực.

Đại biểu Phan Văn Xựng (Đoàn TP Hồ Chí Minh)

Thời gian thực hiện nghĩa vụ dân quân thường trực là 2 năm. Hết thời gian thực hiện nghĩa vụ, dân quân thường trực được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Dân quân thường trực được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, BHYT như hạ sỹ quan, binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam tại ngũ để đảm bảo tương quan giữa các lực lượng có tính chất tương đồng về hoạt động.

Thực tế tại các địa phương, đối tượng dân quân thường trực đang được hưởng các chế độ chính sách như các hạ sĩ quan tại ngũ, nhưng thân nhân của họ chưa được mua thẻ BHYT bằng ngân sách nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về BHYT cho thân nhân của dân quân thường trực.

Góp ý vào dự thảo Luật, một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung đối tượng cựu thanh niên xung phong tham gia khắc phục chiến tranh xây dựng kinh tế sau năm 1975 vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT; bổ sung đối tượng hộ gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được NSNN hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế; tăng hỗ trợ mức đóng BHYT đối với đối tượng là học sinh, sinh viên lên tối thiểu là 50% bởi vì đây là một trong những tiền đề rất quan trọng tiến tới đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội

Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của đại biểu tại phiên thảo luận, hoàn thiện dự thảo luật. Bộ trưởng cho biết, mục tiêu của Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đề ra đến năm 2030, 95% người dân được tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội và các địa phương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang