Đề nghị tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang

Thứ Hai, 28/10/2024 18:03  | Thanh Hòa

|

(CAO) Đại biểu Quốc hội đề nghị giao cho quân đội và công an, Chính phủ quy định cụ thể để tháo gỡ nút thắt. Có như vậy thì đến năm 2030, chúng ta mới xây dựng được 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội như chủ trương đã đề ra.

Chiều 28/10, tại thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị có giải pháp khả thi tháo gỡ hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho biết, qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát, đại biểu đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu, nhất là việc nhận diện các nhóm hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang trong hơn 8 năm vừa qua và nhiều đại biểu đã kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ.

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt cho biết, Chỉ thị số 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới yêu cầu: “Nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân và lực lượng vũ trang nhân dân. Giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội và chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ, giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết của công nhân và lực lượng vũ trang".

“Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho cán bộ quân đội đang gặp rất nhiều khó khăn. Và trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề trên chưa có quy định cụ thể để giải quyết vướng mắc. Do đó, rất khó trong việc hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 5000 căn nhà xã hội mà Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng”- đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt đánh giá.

Góp phần khắc phục khó khăn trong thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội và đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ 120 ngàn tỷ đồng, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt đề nghị bổ sung vào Nghị quyết: Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư để triển khai thực hiện phát triển nhà ở xã hội cho quân đội, phù hợp với nhu cầu của Bộ Quốc phòng.

Như vậy sẽ góp phần giảm bớt khó khăn, áp lực cho chính quyền địa phương phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo phù hợp, thống nhất về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng tại Luật Nhà ở năm 2023; tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng và chủ động triển khai thực hiện khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở của một phần cán bộ lực lượng vũ trang hiện nay.

Tranh luận về đề xuất đất phát triển nhà ở lực lượng vũ trang, đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, đây là nội dung Chính phủ đã trình tại Luật Nhà ở trong Kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, qua thảo luận, đánh giá kỹ, nội dung này là chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đặc biệt là nhu cầu cụ thể về nhà ở của lực lượng vũ trang ở các địa phương, chưa thống nhất với chính sách đất đai từ trước tới nay, kể cả đối với Luật Đất đai mới được thông qua. Thay vì quy định sử dụng đất quốc phòng phát triển nhà ở lực lượng vũ trang, Luật Nhà ở 2023 đã quy định việc bố trí đất phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân trong quỹ đất phát triển nhà ở xã hội của địa phương, do UBND cấp tỉnh quyết định, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực nơi có dự án, phù hợp với nhu cầu sinh sống, làm việc của lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Trịnh Xuân An-Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, việc đề xuất có giải pháp để các địa phương ưu tiên giao lại quỹ đất cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng triển khai các dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang không mâu thuẫn với Luật Nhà ở (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua. Vấn đề là việc triển khai thực hiện trên thực tế.

Đại biểu Trịnh Xuân An-Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Đại biểu nêu rõ, lực lượng vũ trang luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm từ tinh thần đến vật chất. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sẽ nắm rõ nhất về đối tượng, do đó để hai Bộ chủ trì triển khai thực hiện sẽ đảm bảo tính hợp lý, còn lại sẽ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp của quân đội tham gia thực hiện cũng phải bình đẳng và tuân thủ quy định của pháp luật.

Trao đổi với đại biểu Nguyễn Quang Huân, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030, việc xây dựng nhà ở xã hội mới đạt 65%, và giai đoạn 2021 đến nay (4 năm), về Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, chúng ta mới đạt 35,6%. Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, khi giao cho lực lượng quân đội và công an làm chủ đầu tư, làm đơn vị chủ quản về xây dựng nhà ở xã hội cho lực lượng của mình là rất tốt.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đồng quan điểm của đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt - Đoàn Hà Nội là: Quốc hội nên xem xét đưa vào Nghị quyết và giao cho quân đội và công an, Chính phủ quy định cụ thể để tháo gỡ nút thắt, và đến năm 2030, chúng ta mới xây dựng được 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội như chủ trương đã đề ra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang