Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV:

Sửa đổi Luật Điện lực: Chú trọng ưu tiên phát triển điện sạch

Chủ Nhật, 27/10/2024 14:58  | Thanh Hòa

|

(CAO) Sửa đổi Luật Điện lực cũng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, tại phiên thảo luận tổ góp ý hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực trước yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng, năng lượng – một trong những yếu tố mang tính trụ cột, dẫn dắt, đột phá đối với sự phá triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tổng Bí thư cho biết, chúng ta đang đứng trước thách thức rất lớn là thiếu điện; một số nhà đầu tư đã tính toán với tốc độ phát triển như hiện nay, Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, nên đã cân nhắc có đầu tư vào Việt Nam hay không. Vì vậy, bên cạnh môi trường đầu tư tốt kinh doanh thuận lợi, cũng cần tính toán đến sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực

Bài toán đặt ra hiện nay làm sao có đủ năng lượng phục vụ phát triển, do vậy sửa đổi Luật Điện lực cần có tầm nhìn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới; cùng với đó, chú trọng ưu tiên phát triển điện sạch, phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tính toán quy hoạch điện, vận tải điện hài hòa giữa các vùng, miền trong cả nước. Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, có những tỉnh không sản xuất điện nhưng tiêu thụ điện lớn, nhưng có những địa phương sản xuất được điện nhưng người dân chưa được dùng diện.

Do đó, Chính phủ, Nhà nước cần làm tốt nhiệm vụ điều hòa điện. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, nhiều địa phương có tiềm năng lớn về phát triển điện sạch như điện điện gió, điện ngoài khơi, do vậy cần đặt ra mục tiêu cụ thể, nhận diện rõ khó khăn, thuận lợi của từng loại hình để có kế hoạch dài hạn trong việc cung ứng đủ nguồn điện…

Nhấn mạnh tính cấp bách trong sửa đổi Luật Điện lực, Tổng Bí thư đề nghị làm rõ khó khăn, bất cập hiện nay, từ đó có định hướng và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu đủ điện cho sản xuất, cho tiêu dùng, cho nhu cầu điện của quốc gia.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 12

Trong đó, lưu ý có các quy định về phát triển điện, điều hòa điện, quy hoạch điện, đặc biệt có đủ nguồn điện để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư. Sau khi Trung ương có ý kiến về chủ trương đầu tư điện hạt nhân, trong Luật Điện lực (sửa đổi) cần đề cập đến nội dung này, trong đó tính toán đến công suất, vị trí, công nghệ như thế nào. Tổng Bí thư nhấn mạnh, thời gian không chờ đợi ai, chúng ta cần chủ động triển khai nhanh chóng, đồng bộ, song song với việc triển khai sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung qua 04 lần, sau gần 20 năm triển khai thi hành đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Sửa đổi Luật Điện lực cũng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một số đại biểu cũng đề nghị, việc sửa đổi luật cần có chính sách khuyến khích mạnh hơn để phát triển gió, điện mặt trời ở vùng sâu, vùng xa; có các quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; rà soát đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành…

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo tại phiên thảo luận tổ

Báo cáo các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại tổ, trước băn khoăn về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này tăng tới 60 điều so với luật cũ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lý giải, việc tăng các Điều, Khoản trong dự thảo Luật chủ yếu và thực chất là các quy định mới để mở đường cho việc phát triển mạnh mẽ tiềm năng năng lượng tái tạo của đất nước; phát triển thị trường điện cạnh tranh theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; bổ sung quy định việc đầu tư xây dựng công trình điện khẩn cấp nhằm bảo đảm an ninh cung cấp điện và chế tài xử lý nghiêm các dự án điện chậm tiến độ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ thiết kế lại theo hướng chỉ đưa vào luật những điều khoản quy định thẩm quyền của Quốc hội, còn những nội dung chi tiết sẽ giao cho Chính phủ quy định, kể cả việc thí điểm đối với những vấn đề mới, những cơ chế, chính sách mới và báo cáo lại Quốc hội khi có điều kiện.

Bình luận (0)

Lên đầu trang