Chiều 25/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về các loại giao dịch phải công chứng, một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật do Chính phủ trình, không quy định về các loại giao dịch phải công chứng trong Luật Công chứng.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về các loại giao dịch phải công chứng như: Giao dịch đối với bất động sản; Giao dịch đối với tài sản có đăng ký; Giao dịch liên quan đến doanh nghiệp; Các giao dịch khác mà pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng.
Trên cơ sở phân tích các ưu điểm, hạn chế của từng loại ý kiến nêu trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng kết hợp các điểm tích cực của cả 02 loại ý kiến để chỉnh lý nội dung này. Theo đó, bổ sung khoản 2 Điều 1 quy định về tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng, cụ thể là: “2. Giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được pháp luật quy định phải công chứng”; đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo rà soát các giao dịch phải công chứng đang được quy định trong các luật, nghị định, thông tư hiện hành để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, bảo đảm phù hợp với tiêu chí quy định tại Luật Công chứng. Bộ Tư pháp có trách nhiệm rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
Quang cảnh phiên họp
Phương án này bảo đảm tính ổn định của Luật Công chứng vì không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các loại giao dịch này do phải phù hợp với tiêu chí quy định tại Luật Công chứng, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật.
Về xã hội hóa hoạt động công chứng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, nhiều ý kiến tán thành giao Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển đổi phòng công chứng (PCC) thành văn phòng công chứng (VPCC). Nói cách khác, Chính phủ quy định lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng để phù hợp với thực tiễn của từng vùng, miền, địa phương trong từng giai đoạn. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể ngay trong Luật về lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng. “UBTVQH nhận thấy, công chứng được xác định là dịch vụ công cơ bản, có mục đích bảo đảm an toàn pháp lý, giảm thiểu rủi ro, phòng ngừa tranh chấp cho các bên tham gia giao dịch”-Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết.
Lý giải thêm, ông Tùng thông tin, việc thực hiện mục tiêu xã hội hóa không có nghĩa là giải thể ngay PCC ở các địa phương mà phải căn cứ vào tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trên cơ sở cân nhắc thận trọng, khách quan, toàn diện, quán triệt chủ trương của Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng và bảo đảm việc triển khai theo lộ trình phù hợp, khả thi, thống nhất, UBTVQH đề nghị không quy định cụ thể lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng trong Luật mà giao Chính phủ quy định nội dung này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và bảo đảm cung ứng dịch vụ công chứng cho người dân, cụ thể là giao Bộ Tư pháp xây dựng, trình Chính phủ quy định chi tiết lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi PCC thành VPCC, giải thể PCC tại các địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình
Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên (CCV), ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị kế thừa quy định của Luật Công chứng hiện hành về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV là loại hình bảo hiểm bắt buộc và quy định rõ hơn về mua bảo hiểm trách nhiệm cho CCV trong Luật; giao Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính thống nhất ban hành bộ quy tắc về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV.
Chính phủ đề nghị quy định VPCC có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV, tuy nhiên, không quy định đây là bảo hiểm bắt buộc như Luật hiện hành. Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, công chứng là dịch vụ công, đồng thời có tính rủi ro nghề nghiệp cao, cần phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi của CCV trong hành nghề công chứng. Việc quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV là bảo hiểm bắt buộc có tính chặt chẽ, an toàn cao hơn cho hoạt động nghề nghiệp của CCV. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, trên cơ sở kế thừa Luật Công chứng hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 36a quy định: Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV là loại hình bảo hiểm bắt buộc; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, quy tắc bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV (khoản 3).
Việc bổ sung quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV là phù hợp với quy định tại Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, vì mục đích của hoạt động công chứng là nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; do đó, sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV sẽ góp phần bảo vệ lợi ích công cộng cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi của CCV trong việc hành nghề công chứng.
Ngoài các vấn đề nêu trên, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan.