Đến năm 2020: Xử lý dứt điểm các DN vi phạm pháp luật

Thứ Sáu, 15/06/2018 08:32

|

(CAO) Với đa số phiếu thuận, sáng nay (15-6), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Hoạt động chưa tương xứng nguồn lực được giao

Cùng với việc ghi nhận những mặt tích cực trong hoạt động của DNNN thời gian qua, Nghị quyết chỉ ra khá nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập và vi phạm pháp luật trong kinh doanh, nguyên tắc thị trường, quản trị DN, quản lý tài chính của khối này, trong đó khẳng định hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với vị trí và nguồn lực được giao quản lý, sử dụng.

Phó Tổng thư ký QH Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết

Một số dự án đầu tư quy mô lớn nhưng triển khai chậm, không hiệu quả, thất thoát, lãng phí. Hoạt động đầu tư ra ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài nhìn chung hiệu quả thấp. Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao. Mô hình quản trị DN chậm được đổi mới.

Cũng theo Nghị quyết, việc thu hút nhà đầu tư chiến lược còn hạn chế. Công tác quản lý tài chính trong quá trình cổ phần hóa, xác định giá trị DN, nhất là xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu của DNNN còn nhiều vi phạm. Quản lý sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN tại các tập đoàn, tổng công ty còn tồn tại, hạn chế.

Để xảy ra tình trạng trên, Quốc hội nhận định, do nguyên nhân chủ quan là chính, trong đó bao gồm cả sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật liên quan và những yếu kém nội tại của khối DNNN. Trong khi đó, hoạt động kiểm tra, giám sát của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN, công tác thanh tra, kiểm tra, việc kiểm soát nội bộ chưa thường xuyên, kém hiệu quả. Công tác tổ chức cán bộ chưa tốt, năng lực quản lý còn bất cập, trách nhiệm chưa rõ, một số trường hợp cố ý vi phạm quy định của pháp luật gây lãng phí và hậu quả nghiêm trọng.

Không dùng ngân sách xử lý thua lỗ của DN

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trên, Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá DNNN; sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các nội dung còn vướng mắc của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản khác có liên quan.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ ban hành văn bản phân công, phân cấp việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN; văn bản quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Tổng kết, đánh giá mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và mối quan hệ với Ủy ban này.

Ban hành văn bản quy định về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với DNNN theo từng loại hình, lĩnh vực, địa bàn hoạt động đặc thù của DN (chậm nhất vào tháng 5-2019).

Cũng theo yêu cầu của Quốc hội, đến năm 2020 phải xử lý dứt điểm các DN vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của DN. Đồng thời, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019).

“Cần gắn kết quả của việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN” – Nghị quyết nêu rõ.

Rà soát diện tích đất của các DNNN

Điểm đáng chú ý nữa trong Nghị quyết được thông qua là Quốc hội đề nghị Chính phủ giám sát chặc chẽ việc huy động, sử dụng vốn của DNNN, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ở nước ngoài, nguồn vốn mua bán, sáp nhập DN. Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với DNNN.

Ngoài ra, Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát diện tích đất của các DNNN, hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực hiện việc xác định giá đất cụ thể phù hợp với quy định của Luật Đất đai để xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN cổ phần hóa, tính đúng, tính đủ tiền thuê đất của DN, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của DNNN, DN cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011- 2017, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019).

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ đánh giá việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại DN và hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN, có biện pháp nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng Quỹ; báo cáo Quốc hội việc quản lý, sử dụng Quỹ tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 hàng năm. Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ kiểm toán Quỹ này và việc sử dụng nguồn thu từ đất của các DNNN đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2017, báo cáo Quốc hội kết quả tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019).

Bình luận (0)

Lên đầu trang