Hơn 40 năm qua, tờ báo đã có được tình cảm của hàng triệu bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước và kiều bào. Có những bạn đọc đã thể hiện tình yêu với tờ báo bằng cách hết sức độc, lạ, ấn tượng, quán nước sau đây là một ví dụ.
Quán giải khát ấy chỉ gói gọn trong khoảng 30m2, không đẹp cũng chẳng sang, nếu không muốn nói là dễ lọt thỏm giữa vô vàn quán xá hoành tráng trên tuyến phố tấp nập Bùi Đình Túy, phường 24, quận Bình Thạnh, TPHCM, nhưng sự thu hút lại nằm trong lòng quán với kiểu trình bày “chẳng giống ai” một cách đầy ấn tượng khi sử dụng giấy dán tường bằng Báo Công an TPHCM!
Chị Trần Thị Út với quản nước nhỏ của mình trên tường dán kín các tờ Báo CATP
Sinh ra trong gia đình có 12 anh chị em, do cuộc sống khó khăn, 12 năm trước, chị Trần Thị Út (SN 1979) từ miền sông nước Hậu Giang khăn gói lên TPHCM quyết chí lập nghiệp. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng ngành Kế toán, Út đi làm được ít năm, nhưng rồi những con số nhảy múa không thể giữ chân cô trụ được với nghề khi nỗi lo cơm áo gạo tiền cho gia đình nhỏ của mình ngày càng chồng chất.
Thế là đầu năm 2017, sau khi tìm hiểu, chị Út quyết định thuê căn nhà nhỏ ở số 115 Bùi Đình Túy mở quán nước ép trái cây, với tiêu chí: rẻ, sạch, nguyên chất.
Nghĩ thì đơn giản nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy bộn bề “những việc cần làm ngay”, trước mắt là chọn màu để sơn lại bốn bức tường đã ố vàng, cũ kỹ.
Chị Út bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó vốn liếng chưa nhiều, quán mới mở 2 tháng với lượng khách thưa thớt. Em đã nghĩ đến nhiều phương án đầu tư làm đẹp cho quán lắm, như sử dụng sơn nước, giấy dán tường bằng hoa văn nổi bật, nhờ bạn bè học kiến trúc vẽ ảnh 3D…, nhưng cuối cùng lại đưa ra quyết định theo tiêu chí “rẻ, đẹp, độc”: toàn bộ quán sẽ được dán bằng Báo Công an TPHCM”.
“Điều gì hấp dẫn, đặc biệt từ tờ báo này đã đưa em đến với quyết định ấy?”, tôi hỏi và tiếp tục bất ngờ trước câu trả lời chân chất của chị Út: “Chẳng qua vì em muốn quán của mình không giống với những nơi khác, một phần cũng do nhà em thích đọc Báo Công an TPHCM, cầm tờ báo giấy trên tay cảm thấy “trí thức” sao đó! Còn đọc báo trên điện thoại đâu có ai biết mình đang làm gì! Nên sau khi đọc xong, hầu như em đều giữ lại từng số, nhưng cũng không đủ. Tới lúc quyết định dán tường phải đi xin, thu gom từ bạn bè, bà con, lối xóm…”.
“Cũng có nhiều người thắc mắc sao không dán nhiều loại báo cho phong phú sắc màu. Em nghĩ treo một loại mới đặc biệt, với lại Báo Công an TPHCM rất gần gũi với cuộc sống đời thường, trong đó nổi lên nhiều chuyên mục hấp dẫn như: Chuyện cảnh giác, Bút ký người điều tra, Chuyện hàng tuần, Tiếng còi… Hôm quyết định thực hiện, em ra chợ mua bột về khuấy thành hồ, rồi ngày qua ngày, tranh thủ những lúc vắng khách đem báo ra dán cho đến khi 30 mét vuông ấy được phủ kín bằng Báo Công an TPHCM”, cô chủ quán đáng mến kể tiếp.
Nhờ quán nước "độc, lạ" này mà nhiều khách hàng đến ủng hộ chị Út
Nhưng chưa kịp hài lòng với thành quả vừa đạt được suốt mấy tháng ròng miệt mài, Út lại đối diện với phản ứng bất ngờ của không ít người, mà đầu tiên là chị chủ nhà tốt bụng: “Trời đất, nhà của tui mà nó dán đầy báo? Sao không sơn cho đẹp mà dán chi kỳ vậy, không đủ tiền cứ nói chị cho mượn...”.
Tiếp đó, đến lượt những người hàng xóm tò mò: “Hết chuyện làm rồi sao mà đi dán Báo CATP đầy nhà, chẳng giống ai…” và cũng có không ít lời dè chừng đầy ẩn ý: “Nhà này chắc chơi với Công an nên dán toàn báo Công an?”. Út nghe cũng buồn, nhưng biết bao công sức đã gửi gắm vào đó nên Út quyết không thay đổi.
Rất may là ngày qua ngày, cũng chính những con người ấy lại thay đổi cách nhìn: “Ngắm riết cũng thấy hay hay”. Vui nhất là có nhóm khách tuổi teen bước vô quán, sau khi bàn tán rôm rả một hồi đã tíu tít hỏi cô chủ quán lấy ý tưởng này ở đâu ra mà độc và lạ vậy.
Có người vào mua nước ép mang về, trong lúc đợi đã tiến thẳng vào quán say sưa đọc các tin tức mà có lẽ trước đây họ chưa kịp xem. Cũng có khách trong khi chờ nước ép mang ra tranh thủ chụp vài tấm hình kỷ niệm, sau đó còn nán lại đọc cho hết bản tin dang dở.
Cô chủ quán năng động còn nảy ra sáng kiến rất hay là biến không gian nhỏ hẹp ấy thành tờ báo thực thụ với cái quầy là “bộ mặt” của trang nhất, cùng những tít giật gân được cô cẩn thận cắt ra dán đầy trước mặt quầy như kiểu “câu view”.
Chưa hết, Út còn phấn khởi “bật mí” cho những ai thích chụp ảnh “tự sướng”: “Phông nền của Báo Công an TPHCM lên hình cực đẹp…”. Đó không chỉ là lời tâm sự của cô chủ quán mà cũng là khẳng định của nhiều bạn bè và khách đến ủng hộ.
Có người còn bông đùa, đến quán cô Út chẳng cần hỏi địa chỉ, cứ đi từ đầu đến cuối đường Bùi Đình Túy, thấy nơi nào dán đầy Báo CATP thì tấp vào. Còn nữa, có vài khách chạy xộc vô hô to bán cho tờ báo Công an, vì nghĩ quán của Út là…sạp báo!.
Cũng như rất nhiều bạn đọc, tình yêu dành cho Báo CATP của chị Út chưa khi nào thay đổi
Cô chủ vui tính hớn hở: “Nhờ nét độc, lạ này và chất lượng nước ép mà quán ngày càng đông khách. Sắp tới em sẽ mở thêm chi nhánh với “mô hình” tương tự và “bật mí” thêm: “Để thực hiện ý định, em đã để dành Báo Công an TPHCM từ bây giờ và nếu còn thiếu, em sẽ đến tòa soạn “hốt hết”.
Tôi đi một vòng quanh quán, lòng bồi hồi khi ánh mắt chạm vào những cái tên tác giả quen thuộc vì nhiều lý do đã chia tay với báo: người nghỉ hưu, người chuyển nghề… bỗng chốc cảm thấy con tim bị lỗi nhịp khi phát hiện một bài viết có bút danh mình.
Dẫu biết hiện giờ báo mạng dày đặc với lượng thông tin cập nhật từng phút, ít nhiều lấn át báo viết, nhưng với uy tín, chất lượng, chữ tâm trong nghề, Báo Công an TPHCM xin hứa sẽ giữ vững tôn chỉ mục đích và sứ mệnh của mình, đáp ứng lòng mong mỏi, kỳ vọng của độc giả…
Ngoài lời cảm ơn cô chủ quán đáng mến Trần Thị Út đã chọn Báo CATPHCM đồng hành trên con đường sự nghiệp của mình, nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam nói chung (21-6-1925 - 21-6-2018) và thành lập Báo Công an TPHCM nói riêng (15/6/1976-15/6/2018), xin gởi đến quý độc giả, những người luôn đồng hành cùng “tờ báo của đại chúng” trong suốt quãng đường dài lời tri ân và chúc sức khỏe chân thành nhất.