Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (01/5/1904 - 01/5/2024):

Đồng chí Trần Phú - lãnh tụ cách mạng tài ba, tấm gương chói lọi về tư tưởng và khí phách

Thứ Năm, 02/05/2024 09:22

|

(CATP) Đồng chí Trần Phú là chiến sĩ lỗi lạc trong đội cận vệ cách mạng hàng đầu, là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, là một trong những người học trò gần gũi và xuất sắc của Bác Hồ, là chiến sĩ quốc tế nhiệt thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc.

Tự hào và kiêu hãnh biết bao, cách đây 92 năm sau khi nhận được tin đồng chí Trần Phú hy sinh, ở Mát-xcơ-va và tại nhiều tổ chức cơ sở cách mạng trong nước ta đã thành kính tổ chức Lễ truy điệu. Đặc biệt, tạp chí Quốc tế Cộng sản số ra tháng 5/1932 đã viết bài trân trọng tôn vinh đồng chí như sau: "Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương cũng như sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng, lòng trung thành và thái độ bất khuất của đồng chí trong nhà tù đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương".

Đồng chí Trần Phú chào đời ngày 01/5/1904 tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên trong một gia đình nhà Nho giàu lòng yêu nước, có nguyên quán là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Thân sinh đồng chí Trần Phú là cụ Trần Văn Phổ đã tuẫn tiết để chống lại lệnh đàn áp của bọn thực dân Pháp đối với các anh hùng nghĩa sĩ trên mảnh đất quê hương Hà Tĩnh.

Mới hơn 4 tuổi đã mồ côi cha, 6 tuổi bị mồ côi mẹ, quãng đời niên thiếu của Trần Phú đã trải qua những năm tháng nhọc nhằn. Nhưng chính truyền thống tốt đẹp của vùng đất đó và những tai ương của gia cảnh đó, là những tuyệt phẩm góp phần hun đúc nên chàng trai Trần Phú giàu lòng nhiệt huyết và tràn đầy dũng khí, luôn luôn vươn lên phía trước để tìm đường đền nợ nước, báo thù nhà.

Ngay trong thời gian còn cắp sách đến trường, Trần Phú đã sớm có ý thức đoàn kết và tư tưởng cống hiến. Trên ghế học đường, đồng chí tham gia hoạt động trong "Hội tu tiến" để cùng các bạn giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và nuôi dưỡng tình cảm yêu nước.

Trần Phú bước lên con đường hoạt động chính trị trong những tháng năm đẹp nhất của tuổi thanh xuân. Từ năm 18 đến năm 21 tuổi, khi làm giáo viên trường tiểu học Cao Xuân Dục (thành phố Vinh), đồng chí đã ra sức giáo dục tình cảm yêu nước trong học sinh và tham gia sáng lập Hội Phục Việt, nhằm vận động nhân dân đấu tranh đòi trả tự do cho Cụ Phan Bội Châu, tổ chức truy điệu Cụ Phan Chu Trinh và tích cực truyền bá chữ quốc ngữ trong quần chúng lao động.

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta

Năm 22 tuổi (1925), có một sự kiện lịch sử không thể nào quên đã tạo ra bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú. Năm ấy, Trần Phú được cử sang thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) để bắt liên lạc với tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Tại đây Trần Phú được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được dự lớp huấn luyện chính trị do Người trực tiếp giảng dạy, được kết nạp vào tổ chức nòng cốt của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội là "Trung kiên cộng sản đoàn" - tổ chức tiền thân của Đảng và được giới thiệu sang học tại Trường đại học Phương Đông nổi tiếng ở Mát-xcơ-va.

Trải qua 3 năm được đào tạo trên đất nước quê hương của Lê-nin, mùa xuân năm 1930 đồng chí Trần Phú được cử về nước hoạt động để đón cao trào cách mạng đang lên. Sau khi về nước, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng và được giao cho trọng trách soạn thảo Cương lĩnh chính trị của Đảng.

Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã thông qua Luận cương chính trị, bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức và bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư. Tháng 3/1931, đồng chí Trần Phú chủ trì Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Do sự phản bội trong nội bộ, ngày 18/4/1931, Tổng Bí thư Trần Phú đã bị thực dân Pháp bắt tại thành phố Sài Gòn. Sự tra tấn và đày ải man rợ của kẻ thù đã cướp đi sinh mạng đồng chí Trần Phú vào ngày 06/9/1931.

* * *

Cuộc đời Tổng Bí thư Trần Phú không dài, nhưng đồng chí là một chiến sĩ mác-xít khổng lồ - khổng lồ cả về tư tưởng, tài năng, khí phách và phẩm chất cách mạng. Nói đến đồng chí Trần Phú, trước hết phải nói đến Luận cương chính trị nổi tiếng cách đây 94 năm do đồng chí soạn thảo - chúng ta quen gọi là "Luận cương Trần Phú”. Cống hiến lớn nhất của Luận cương này là đã góp phần quan trọng vào việc hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng nước ta vượt qua muôn trùng thử thách để đi tới thắng lợi hoàn toàn. Lúc sinh thời, Bác Hồ từng chỉ rõ: "Trong bản Cương lĩnh cách mạng năm 1930, Đảng ta nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù họp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy Đảng ta đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của giai cấp khác thì luôn luôn bị phá hoặc bị cô lập. Do đó quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng được củng cố và tăng cường".

Quán triệt tiếp thu và vận dụng tư tưởng của V.I.Lê-nin về vấn đề xây dựng Đảng, vấn đề dân tộc và thuộc địa, vấn đề cách mạng ở các nước phương Đông, "Luận cương Trần Phú” như kim chỉ nam dẫn đường, đã vạch ra phương hướng chiến lược, tính chất cách mạng, mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản của cách mạng, xác định lực lượng cách mạng, về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng quốc tế, về vai trò lãnh đạo của Đảng.

Điều đặc sắc là, trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp rất to lớn trong việc xây dựng Đảng ta về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Đảng ta đã trở thành một đảng quần chúng. Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 4/1930 - 4/1931, đã kết nạp được 2.400 đảng viên vào Đảng, 1.500 đoàn viên vào Đoàn Thanh niên Cộng sản, 6.000 người vào Công hội đỏ và 64.000 người vào các hội nông dân, lãnh đạo hơn 100 cuộc đình công của công nhân và 400 cuộc biểu tình của nông dân trong 17 địa phương. (Nguồn: Tạp chí quốc tế Cộng sản, tháng 5/1932).

Những năm 1930 - 1931, đồng chí Trần Phú cùng với Ban Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo một cao trào cách mạng rộng lớn mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phát triển khắp cả nước, được Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản gửi thư khen ngợi.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, lần đầu tiên hệ thống tổ chức của Đảng đã được kiện toàn, thống nhất và thông suốt từ Trung ương đến các địa phương. Cuối năm 1930, đồng chí Trần Phú đã lập ra Ban Tuyên truyền của Trung ương, quyết định xuất bản báo Cờ vô sản và báo Cộng sản. Những tổ chức quần chúng - cánh tay nối dài đắc lực của Đảng cũng đã lần lượt ra đời như: Công hội, Nông hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ...

* * *

Tổng Bí thư Trần Phú đã gắn bó máu thịt cuộc đời mình với thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, người đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã hy sinh oanh liệt trên mảnh đất này. Đồng chí và đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đã ghi sâu trong ký ức hình ảnh người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng và biểu thị tình cảm của mình đối với đồng chí bằng tên gọi thân thương: "Anh Năm".

Tính từ khi bước chân xuống tàu rời Hương Cảng cặp bến Sài Gòn vào cuối mùa thu năm 1930 để thiết lập Trụ sở cơ quan Trung ương Đảng đến lúc vĩnh biệt cuộc đời, đồng chí Trần Phú đã sống và chiến đấu giữa lòng thành phố Sài Gòn hơn 300 ngày. Thời gian và năm tháng đi qua, song thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú, anh Năm Trần Phú, sẽ mãi mãi trường tồn cùng với những địa danh lịch sử nằm trên các tuyến đường: Bonard, Testard, Champagne, Legrand de la Lirage, Richaud... (Lê Lợi - Bãi Sậy, Võ Văn Tần, Lý Chính Thắng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu...).

Trong 5 tháng cuối đời ở Sài Gòn, những đức tính và phẩm chất cách mạng tuyệt vời của đồng chí Trần Phú càng được tỏa sáng trong các trận chiến đấu một mất một còn giữa đồng chí với kẻ thù hung bạo ở bót Pôlô, bót Catina, tại Khám lớn Sài Gòn, trước vành móng ngựa tòa án của bọn thực dân Pháp... Cho dù những tên đao phủ khát máu đã chà đạp và dày vò đến tột độ thể xác và tinh thần đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, nhưng chúng đã hoàn toàn bất lực trong việc lay chuyển ý chí sắt đá của đồng chí.

Trước khi vĩnh biệt cuộc đời tại Nhà thương Chợ Quán - nay là Trung tâm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ở 190 đường Hàm Tử, Quận 5, Tổng Bí thư Trần Phú đã gửi lại cho đời những lời di huấn sắc son "HÃY GIỮ VŨNG Ý CHÍ CHIẾN ĐẤU!".

Năm 1931, các bạn tù chính trị ở Khám lớn Sài Gòn đã làm thơ vĩnh biệt đồng chí Trần Phú, như sau:

Trần Phú anh ơi đã thác rồi

Thác mà như thế đẹp gương soi

Bao phen sóng gió đâu sờn dạ

Mấy trận đòn tra chẳng hở môi

Giọt máu anh hùng giờ tơi tả

Trái tim vô sản vẫn không rời

Tuy anh đã thác gương còn sáng

Thác được như anh sáng suốt đời.

Lãnh đạo TPHCM dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú

Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (01/5/1904 - 01/5/2024), sáng 01/5, tại Di tích Quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Đoàn công tác TPHCM do ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, làm trưởng đoàn, đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú. Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán (tại Phường 1, Quận 5) trước đây là nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh. Di tích Quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán vừa mới được hoàn thành giai đoạn 1.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cùng các đại biểu dâng hương Tổng Bí thư Trần Phú

Tại buổi lễ, Phó Bí Thường trực Thành ủy Nguyễn Hồ Hải cùng các đại biểu đã thành kính dâng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm tưởng nhớ, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến công lao to lớn đối với Tổng Bí thư Trần Phú và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, vì tự do của nhân dân. Sau khi dâng hương tưởng niệm, Phó Bí Thường trực Thành ủy Nguyễn Hồ Hải cùng các đại biểu đã tham quan di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán.

LÊ NGÂN

Bình luận (0)

Lên đầu trang