Sau khi quân ta đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và Hiệp định về việc đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết, tháng 10/1954, tại Kinh xáng Chắc Băng (vùng U Minh Thượng, Cà Mau), Trung ương Cục miền Nam của thời kỳ chống Pháp được giải thể, Xứ ủy Nam Bộ trong giai đoạn chống Mỹ ra đời. Thời gian đầu sau khi thành lập, cơ quan Xứ ủy và đồng chí Bí thư Lê Duẩn hoạt động bí mật ở miền Tây (Cà Mau, Bến Tre) và tại Sài Gòn.
Để đáp ứng cho bước phát triển của cách mạng miền Nam, trong những năm 1957 - 1958 Xứ ủy đã quyết định chọn hai địa bàn xung yếu ở vùng rừng núi miền Đông Nam Bộ để chuẩn bị thiết lập căn cứ địa. Đó là Mã Đà thuộc địa phận Chiến khu Đ cũ và vùng đất bắc Tây Ninh, vốn là căn cứ Dương Minh Châu nổi tiếng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh và các ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam tại căn cứ địa Bắc Tây Ninh
Do sự thay đổi của chiến trường, trên cơ sở so sánh tương quan lực lượng về mọi mặt giữa ta và địch, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, căn cứ địa của cơ quan lãnh đạo đầu não cách mạng miền Nam không thể tái lập ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long như những năm kháng chiến chống Pháp. Nó phải được xây dựng trong vùng rừng núi ở miền Đông Nam Bộ. Ở đây có thế chiến lược ba vùng, đủ sức tạo thế và lực tại chỗ để bảo vệ căn cứ địa và tấn công kẻ thù.
Tính từ khi bùng phát ngọn lửa cao trào Đồng Khởi đến ngày thống nhất đất nước, Trung ương Cục miền Nam đã đứng chân vững chắc tại vùng rừng núi miền Đông Nam Bộ. Từ cuối năm 1959, Xứ ủy trú đóng ở khu vực Bắc Tây Ninh, sau đó chuyển sang Mã Đà trong mùa mưa năm 1961, rồi được Trung ương quyết định giải thể. Còn Trung ương Cục, sau khi thành lập ở Mã Đà vào tháng 10/1961, do yếu tố thời tiết khắc nghiệt và vì nguồn cung ứng hậu cần để bảo đảm đời sống và sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ ta cũng như việc giao thông liên lạc gặp nhiều khó khăn, nên đầu năm 1962 đã di chuyển qua khu vực Bắc Tây Ninh, đóng bản doanh lâu dài tại đó đến mùa Xuân năm 1975.
***
Căn cứ Trung ương Cục ở khu vực Bắc Tây Ninh đã đi vào lịch sử với biệt danh là "R", không những đem lại niềm tự hào, kiêu hãnh cho nhân dân ta mà còn gây ra sự khiếp đảm cho kẻ thù. Bọn tướng lĩnh Mỹ trên chiến trường miền Nam trước đây đã từng gọi căn cứ Trung ương Cục là "Nhà Trắng của Việt Cộng giữa rừng già”.
Căn cứ Trung ương Cục còn lan tỏa ảnh hưởng mạnh mẽ đối với hàng trăm triệu người yêu chuộng hòa bình, công lý trên trái đất. Trong những năm 1965 - 1967, nhiều nhà báo, nhà văn nước ngoài đã từng đến thăm căn cứ địa huyền thoại này, như: phóng viên Báo Sự Thật của Đảng Cộng sản Liên Xô, nhà báo Úc - W.Burchett, nhà báo Pháp M.Riffaud, phóng viên Báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp, nhà văn Ba Lan - Monika, phái đoàn báo chí Triều Tiên, phái đoàn báo chí Cu-ba...
Cơ cấu tổ chức của cơ quan Trung ương Cục có quy mô bề thế. Với đội ngũ cán bộ khoảng 500 người khi mới thành lập tại rừng Mã Đà năm 1961, đến năm 1969 đã lên tới 7.357 người, với 24 cơ quan, đơn vị trực thuộc, được phân bố trú đóng trong một khu vực có đường kính khoảng 8km. Vùng đất thiêng liêng này nay thuộc địa phận huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đây là nơi đã từng chứng kiến những sự kiện lịch sử trọng đại, nơi sống và làm việc trong những tháng năm kháng chiến trường kỳ gian khổ của các lãnh đạo lỗi lạc. Suối Nhung, suối Linh gắn với tên đồng chí Bí thư Xứ ủy, Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh; suối Mây, "núi đất" gắn với tên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; suối Tiên Cô, khu rừng già Rùm Đuôn, Chàng Riệc gắn với tên đồng chí Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng; suối Chò, trảng An Lân gắn với tên luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, bác sĩ Phùng Văn Cung, luật sư Trịnh Đình Thảo...
Nhà làm việc của một lãnh đạo tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền, Mặt trận dân tộc giải phóng, Liên minh các lực lượng dân tộc - dân chủ hòa bình, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam... đều ra đời tại vùng "đất thánh" này. Đây là nơi tổ chức thành công 15 cuộc hội nghị Trung ương Cục, Đại hội Mặt trận, Đại hội Đại biểu quốc dân toàn Miền... và nhiều cuộc hội nghị chuyên đề quan trọng khác. Đây còn là nơi phát động sôi nổi các phong trào: "Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công", "Thi đua tìm Mỹ mà diệt, nắm thắt lưng địch mà đánh", "Thi đua đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào"...
Sự tồn tại, phát triển của Căn cứ Trung ương Cục luôn là mối lo hàng đầu của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Ngay trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khi Căn cứ Trung ương Cục mới thiết lập tại vùng rừng Bắc Tây Ninh và chiến khu Mã Đà, chúng ta đã phải đương đầu quyết liệt với hoạt động gián điệp, biệt kích và các cuộc hành quân của địch vào căn cứ. Đặc biệt, trong hai cuộc phản công mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, bọn Mỹ đã mở rộng quy mô và gia tăng cường độ các cuộc hành quân trên bộ lớn nhất trên chiến trường (như cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti) và liên tục sử dụng máy bay B52 với mật độ cao nhất để hủy diệt căn cứ địa ta.
Để đối phó với những âm mưu, thủ đoạn của địch, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền đã vạch ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm củng cố, phát triển căn cứ địa, trên cơ sở thực hiện đồng bộ cả 3 nhiệm vụ quan trọng về chính trị, quân sự và kinh tế. Ban An toàn khu, Ban An ninh vũ trang, những cụm, xã chiến đấu trong các Cơ quan Dân - Chính - Đảng trực thuộc Trung ương Cục đã được thành lập cùng với các đội du kích cơ quan, những tổ săn máy bay, diệt cơ giới... Nhiều kế hoạch thực hiện quân sự hóa cơ quan, chống phi pháo, chống thám báo, trinh sát, do thám, biệt kích, gián điệp được vạch ra. Các quy định về việc bảo mật phòng gian được quy định chặt chẽ. Chính vì công tác bảo vệ căn cứ địa được tổ chức thực hiện chặt chẽ, nên chỉ tính riêng trong những cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti - cuộc hành quân trên bộ lớn nhất của địch đánh vào các căn cứ ta mùa khô 1966 - 1967, 5.000 du kích cơ quan của các đơn vị trực thuộc Trung ương Cục đã cùng bộ đội địa phương tiêu diệt được 6.619 tên địch, 434 xe, 118 máy bay và 8 khẩu pháo.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa về mặt kinh tế để góp phần làm giảm nhẹ khó khăn trong công tác cung cấp hậu cần, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương Cục đã cố gắng huy động nhân lực và vật lực tại chỗ để tiến hành trồng trọt, chăn nuôi. Chỉ tính riêng Văn phòng Trung ương Cục trong những năm 1964 - 1965 đã tăng gia sản xuất được 20 tấn lúa. Nếu tính gộp cả khoai mì (sắn) và bắp (ngô), ta đã thực hiện được việc tự túc 3 tháng lương thực.
Hơn 15 năm tồn tại, căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Chiến khu Bắc Tây Ninh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình, kiến tạo nên địa bàn đứng chân vững chắc để chỉ đạo cách mạng miền Nam qua các giai đoạn - từ chống "chiến tranh đặc biệt", "chiến tranh cục bộ", "chiến tranh phi Mỹ hóa và Việt Nam hóa" đến lúc hoàn thành đánh bại kẻ thù trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
***
Có dịp đến thăm căn cứ huyền thoại này, chúng ta sẽ được mục kích bức tranh toàn cảnh thu nhỏ của chiến trường miền Nam trong thập niên 60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Chính ở nơi đây, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam đã thiết lập được bộ máy lãnh đạo đầu não; xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; tổ chức và chỉ đạo các chiến dịch quân sự, các trận đánh lớn; tiến hành nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn mới mẻ của cuộc chiến tranh nhân dân như: kết hợp phương pháp đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, đồng khởi, phá ấp chiến lược, chống chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận", chống bình định, xây dựng căn cứ địa và hậu phương chiến...
Ngay trong những tháng năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt trên chiến trường, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng chỉ rõ: "Chiến khu Bắc Tây Ninh đối với Sài Gòn và Đồng bằng Sông Cửu Long có vị trí tương tự như căn cứ Việt Bắc đối với Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ trước đây trong kháng chiến chống Pháp". Bằng một nhãn quan sáng suốt, Trung ương đã tiên đoán rằng: "Từ căn cứ này quân chủ lực ta sẽ tiến đánh Sài Gòn, thắng địch tại đây và trên chiến trường Nam Bộ" (1).
Sự kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh trong mùa Xuân đại thắng năm 1975 đã chứng minh hùng hồn tính chính xác trong tư duy lý luận sắc bén của Đảng ta, vén lên bức màn lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để cho chúng ta sáng tỏ được những điều sự thật và huyền thoại của căn cứ Trung ương Cục.
____________________
(1) Lê Duẩn: "Thư vào Nam", NXB Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr.346.
TRẦN HỮU PHƯỚC (nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam)