Ước nguyện của Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng

Thứ Ba, 30/04/2024 06:16  | Thiên Long

|

(CATP) Mới đây, UBND TPHCM đã có Công văn 1305/UBND-VX do Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức ký, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc đề nghị suy tôn liệt sĩ cho 5 đồng chí thuộc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng đã hy sinh trong và sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968, tại Mặt trận liên Quận 2 - 4 của Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Phụ nữ TPHCM. UBND TP cũng đề nghị có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH để tháo gỡ về việc công nhận liệt sĩ đối với 5 đồng chí do các trường hợp đặc biệt này. Với tính chất đặc thù của công tác nội đô thời bấy giờ, danh tính của 5 đồng chí đều không phải họ tên thật...

Vang danh tiểu đoàn mang tên nữ anh hùng

Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng trực thuộc Ban Phụ vận Khu ủy T4 (Khu ủy Sài Gòn - Gia Định) là một đơn vị vũ trang hoạt động độc lập trong nội đô với chức năng vũ trang, chuyên sâu tuyên truyền phục vụ cho đợt 2 Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đã gần 80 tuổi, sức khỏe suy yếu sau những đòn tra tấn dã man của kẻ thù trong những năm tháng bị tù đày ở "địa ngục trần gian" Côn Đảo, nhưng bà Lê Hồng Quân - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng - vẫn nhớ như in những năm tháng tuổi trẻ hoạt động cách mạng đầy sôi nổi và hào hùng.

Sau đợt 1 Tết Mậu Thân 1968, lực lượng đặc công biệt động của ta bị tổn thất nặng nề nhưng vẫn kiên trì bám trụ để hoạt động. Tháng 02/1968, Hội nghị thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định họp tại vùng căn cứ Bình Chánh - Bến Lức đã quyết định thành lập Tiểu đoàn Nữ biệt động trên cơ sở đơn vị nữ biệt động nội thành Sài Gòn - Gia Định. Bà Nguyễn Thị Tấn (Ba Hồng), Khu ủy viên, Trưởng ban Phụ vận đề xuất lấy tên nữ anh hùng Lê Thị Riêng, nguyên Trưởng Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định vừa bị giặc sát hại đêm mồng 2 Tết Mậu Thân 1968 để đặt tên cho Tiểu đoàn.

Ngày 08/3/1968, ông "Bảy Bình", tức Nguyễn Thái Sơn - Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định thay mặt Bộ Chỉ huy Tiền phương Nam truyền đạt tinh thần thành lập Tiểu đoàn trực thuộc Ban Phụ vận. Bà Lê Hồng Quân được phân công làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng. Được thành lập trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương để kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của đợt 2 Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng đã vượt qua rất nhiều khó khăn và thử thách để phát triển lực lượng, xây dựng địa bàn đứng chân trong các khu phố lao động tại mặt trận liên Quận 2 - 4 như Khánh Hội - Cây Bàng - Vĩnh Hội (Quận 4); Phạm Ngũ Lão - Bùi Viện; khu Chợ Cầu Muối (Quận Nhì, nay là Quận 1)...

Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân (cầm hoa) cùng đồng đội trong ngày lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Tết Mậu Thân

Ngày 05/5/1968, đợt 2 Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra. Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng với tinh thần "không trông chờ, không ỷ lại hỏa lực chi viện, chiến đấu giữ địa bàn đến giọt máu cuối cùng" đã đồng loạt nổ súng tấn công địch ở Tổng nha Cảnh sát nằm trên đường Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Trãi); Chi Cảnh sát Cầu Ông Lãnh; kéo cờ quân Giải phóng lên cột cờ Thủ Ngữ; đánh chốt chặn trên các đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Cống Quỳnh, Cầu Muối, Cô Bắc, Cô Giang, Đồng Ông Cộ (Q.Bình Thạnh), Quận 4...

Trong vòng vây của kẻ thù, với thế trận quá chênh lệch về lực lượng, trang bị vũ khí và hỏa lực nghiêng hẳn về phía địch, Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng vẫn kiên cường xả thân chiến đấu, hy sinh quên mình cho Tổ quốc quyết sinh, lập nên những chiến công vang dội ngay giữa trung tâm đầu não của chế độ Mỹ Ngụy. Trong đợt 2 Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tại mặt trận liên Quận 2 - 4 đã có 13 chiến sĩ Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng anh dũng ngã xuống. Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân trúng đạn bị thương đã cắt cụt một cánh tay bị gãy cho đỡ vướng để tiếp tục chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trước khi bị địch bắt, tra tấn và đày ra Côn Đảo đến năm 1973 mới được trao trả.

Sau đợt 2, Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng cũng tan rã nhưng những chiến công vẫn còn vang mãi trong trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Nhóm tác giả trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TPHCM) trong sách "Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng trong Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968" nhận định: "Họ được huấn luyện thông qua thực tiễn chiến trường đô thị khốc liệt, để hình thành nên lực lượng biệt động - lực lượng vũ trang đặc biệt tinh nhuệ và trở thành một dạng lực lượng vũ trang mang tính đặc trưng trên chiến trường miền Nam Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập cho dân tộc Việt Nam".

Không được phép lãng quên

Sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước được hoàn toàn giải phóng nhưng một thời gian dài, nhiều người vẫn không hề hay biết đến sự tồn tại của Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng. Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân dù một chân bị liệt, mất một cánh tay và nhiều thương tích bởi những trận đòn tra tấn của kẻ thù lại bước vào một "hành trình mới" để tìm lại danh phận cho đơn vị và đề nghị truy phong liệt sĩ cho những người đồng đội đã anh dũng ngã xuống, hy sinh thân mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bà Lê Thị Thu - Chủ nhiệm khối phụ nữ CLB truyền thống kháng chiến TPHCM, nguyên Bộ Trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em

Ngày 12/9/2002, Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ra Quyết định số 413/QĐ/TU công nhận "Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng là đơn vị vũ trang được Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định thành lập vào cuối tháng 02/1968 để phục vụ cho Tổng tấn công đợt 2 Tết Mậu Thân". Đến ngày 20/7/2012, đã có 8 liệt sĩ của Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng được Nhà nước cấp Bằng Tổ quốc ghi công, tên tuổi được khắc ghi trên tấm bia tưởng niệm tại đền Bến Dược (huyện Củ Chi, TPHCM).

Nhưng vẫn còn 5 hồ sơ của chị Hai Đòn Gánh; anh Tư Cơm Tấm; chị Sáu Già; chú Bo Xà Lan và chị Lý Dao Duyên chưa được công nhận liệt sĩ do không tìm được tên tuổi, quê quán, thân nhân. Đây là những chiến sĩ biệt động trung kiên của Tiểu đội 3, Trung đội 3 (A3, B3) đã cùng Tiểu đội trưởng Lê Tú Thiên nhận nhiệm vụ mở đường vượt sông đón lực lượng từ Nhà Bè đánh vào Quận 4 ngày 05/5/1968. Cuộc vượt sông bị lộ, những chiến sĩ biệt động này đã chiến đấu anh dũng rồi nhẹ nhàng nằm lại dưới dòng Kênh Tẻ (giáp ranh giữa Quận 4 và Quận 7) ngày nay, thân xác hòa vào lòng đất mẹ.

Giọng bà Lê Hồng Quân nghẹn lại khi nhắc đến những người đồng đội đã ngã xuống. Đất nước đã hòa bình, thống nhất gần 50 năm nhưng sự hy sinh của các anh, các chị vẫn chưa được ghi nhận. Suốt nhiều năm làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho 5 đồng đội nhưng đến nay vẫn chưa xong. Niềm mong ước của Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng là 13 liệt sĩ của tiểu đoàn đã anh dũng hy sinh vì đất nước được khắc ghi tên đầy đủ vào bia tưởng niệm tại đền Bến Dược.

"Chiến tranh khốc liệt, lại hoạt động chiến đấu ngay trong sào huyệt đầu não Mỹ Ngụy ở Sài Gòn nên phải tuân thủ nghiêm ngặt phương châm bí mật nội đô để tránh bị lộ. Do đó, ai giao việc, ai nhận việc chỉ người đó biết. Mọi người chỉ biết tên bí danh, không biết họ tên thật cũng như quê quán, tên cha mẹ hoặc thân nhân. Mới đây, Ban liên lạc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng đề xuất lấy họ của nữ anh hùng Lê Thị Riêng làm họ cho 5 đồng chí đã hy sinh. Cụ thể, Lê Thị Hai (tự Hai Đòn Gánh); Lê Văn Tư (tự Tư Cơm Tấm); Lê Thị Sáu (tự Sáu Già); Lê Văn Bo; Lý Giao Duyên", bà Lê Hồng Quân nói.

Những chiến công của lực lượng biệt động

Bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em trên cương vị Chủ nhiệm khối phụ nữ thuộc CLB truyền thống kháng chiến TPHCM từ năm 2014 đến nay cũng đã có nhiều buổi làm việc với các đơn vị chức năng để tháo gỡ vướng mắc cho 5 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ của Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng. Bà Thu cho rằng, các chính sách với người có công dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn một số chưa phù hợp với tính chất đặc thù của chiến trường miền Nam và hoạt động chiến đấu đặc biệt trong nội đô Sài Gòn nên nhiều hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đến nay vẫn còn bị tồn đọng.

"Đất nước thống nhất đã gần nửa thế kỷ, chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn nhiều hồ sơ chưa được công nhận liệt sĩ. Các anh các chị là những người chiến đấu thật, hy sinh thật, chúng ta không bao giờ được phép lãng quên sự hy sinh của các anh, các chị đã cho chúng ta có được cuộc sống hòa bình, độc lập như ngày hôm nay, bởi quên là có tội", bà Lê Thị Thu trăn trở.

Niềm an ủi, động viên với bà Lê Hồng Quân cùng những người đồng đội là sự đồng hành, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Thành Ủy, UBND TP và Sở LĐ-TB&XH TPHCM. Mới đây nhất, ngày 15/3/2024, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã ký Công văn 1305/UBND-VX gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo chi tiết về vụ việc và đề nghị có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ để tháo gỡ về việc công nhận liệt sĩ đối với 5 trường hợp đặc biệt thuộc Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng.

"Người đang sống nhớ thương người đã khuất/Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời/Những oanh liệt như ngàn sao tỏa sáng/Đời đời sau chiếu mãi giữa tim người", những câu thơ của Viễn Phương được khắc lên tấm bia tưởng niệm đặt trong công viên Lê Thị Riêng (Quận 10) như văng vẳng giữa những ngày cuối tháng 4 lịch sử. Gần 50 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng vẫn còn đó ước nguyện mong sớm công nhận liệt sĩ cho 5 đồng chí, đồng đội đã anh dũng nằm lại dưới dòng Kênh Tẻ, để tên tuổi của các anh, các chị cùng được khắc lên tấm bia tưởng niệm tại đền Bến Dược.

Bình luận (0)

Lên đầu trang